MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá nhãn Sông Mã giảm chỉ còn 7.000 đồng/kg

10-08-2018 - 08:20 AM | Thị trường

Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch nhãn ở Sơn La, giá nhãn liên tục giảm sâu khiến người trồng nhãn lo lắng.

Huyện Sông Mã vừa xuất khẩu 40 tấn nhãn sang Trung Quốc. Đây là lô nhãn xuất khẩu đầu tiên của huyện, thông qua Công ty TNHH Cánh đồng vàng của tỉnh Lạng Sơn; Công ty TNHH Một thành viên Thanh Tùng - Sơn La. Vui vì địa phương đã tìm được thị trường tiêu thụ sang nước bạn, nhưng người trồng nhãn ở đây vẫn canh cánh nỗi lo bởi giá nhãn vẫn rất bấp bênh.

Với gần 34.000 hộ trồng nhãn tại 19 xã, thị trấn, tổng diện tích hơn 6.000 ha, chủ yếu là các giống nhãn chín muộn Hưng Yên, giống chín muộn T6 (Hà Nội). Năng suất nhãn trung bình ước đạt 9,4 tấn/ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn quả tươi, sản lượng long nhãn bình quân khoảng 400 tấn/năm. Riêng nhãn ghép, huyện đã có khoảng 4.500 ha, tương đương trên 70% tổng diện tích nhãn trên địa bàn.

Giá nhãn Sông Mã giảm chỉ còn 7.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Người dân xử lý nhãn sau thu hoạch để làm long nhãn.


Để nhãn Sông Mã có uy tín  đứng vững trên thị trường, những năm lại đây, huyện tập trung chỉ đạo hướng dẫn cho bà con từ quy trình trồng, lựa chọn giống, chăm sóc, thu hái, sơ chế, bảo quản cũng như quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt.

“Hợp tác xã sản xuất hoa quả sạch theo quy trình VietGAP, để sản phẩm mình không những tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra các thị trường quốc tế. Về sản xuất rất nghiêm ngặt và thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Hợp tác xã hướng tới sẽ mở rộng diện tích, mở rộng thị trường và thu mua sản phẩm cho bà con trong khu vực ” - bà Trần Thị Minh An, Giám đốc HTX An Phú, xã Chiềng Khương nói.

Giữa năm ngoái, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Nhãn Sông Mã đã từng bước đảm bảo chất lượng nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như các mặt hàng nông sản khác, cây nhãn Sông Mã vẫn còn đó nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề giá cả, thị trường vẫn chưa thực sự ổn định. Câu chuyện được mùa mất giá vẫn cứ diễn ra hàng năm.

Giá nhãn Sông Mã giảm chỉ còn 7.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Được mùa mất giá vẫn là bải toán nan giải đối với người trồng nhãn.


Gia đình anh Lê Văn Đức, ở Bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã là một trong những hộ gia đình có diện tích nhãn lớn của huyện Sông Mã. Ngoài 3 ha nhãn của gia đình, anh còn nhận thầu thêm gần 7 ha. Trừ chi phí, các năm trước, gia đình anh thu bình quân  trên 1 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, bản thân anh và nông dân trồng nhãn chưa bao giờ hết nỗi lo vì thực tế giá nhãn lên xuống thất thường.

Năm nay là năm được mùa nhãn Sông Mã, đầu vụ nhãn chín sớm giá dao động khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, vào vụ 19.000 - 25.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại vẫn đang chính vụ nhãn, nhưng giá thu mua của thương lái chỉ còn 9.000 -10.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 5.000-7.000 đồng/kg. Ngay cả nhãn phục vụ xuất khẩu cũng chỉ có giá thu mua tại huyện 11.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, người trồng nhãn không mấy ai vui, điệp khúc được mùa mất giá dường như vẫn chưa kết thúc.

“Những người trồng nhãn chúng tôi mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Có nhiều doanh nghiệp bắt tay với người dân để tạo thành chuỗi sản xuất, bán hàng xuất khẩu có giá trị. Thứ 3 là bình ổn giá cả để người dân gắn bó với người trồng nhãn” - anh Lê Văn Đức chia sẻ.

Huyện Sông Mã đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên việc tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã cây ăn quả để xuất khẩu nhãn. Hiện nay, đã có 14 đơn vị hợp tác xã sản xuất nhãn trên địa bàn được các doanh  nghiệp lựa chọn thu gom nhãn xuất khẩu.

Ngoài thị trường Trung Quốc, huyện có kế hoạch xuất khẩu nhãn sang thị trường Úc, Mỹ và một số nước khác. Cùng với đó là việc mở rộng diện tích; thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật; quảng bá thương hiệu “Nhãn Sông Mã” đến với người tiêu dùng trong, ngoài nước…

“Từ nay đến năm 2020 huyện Sông Mã sẽ mở rộng diện tích vào khoảng trên 7.500 ha. Việc cơ bản nhất, là huyện sẽ áp dụng mạnh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là cải tạo các vườn tạp, các giống nhãn năng suất, chất lượng thấp, đưa các giống nhãn có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Định hướng của huyện trong thời gian tới là tập trung mạnh xuất khẩu nhãn ra thị trường nước ngoài - bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nói.

Trong lúc nhãn Sông Mã xuất khẩu ra nước ngoài mới chiếm số lượng khá khiêm tốn, nhãn Hưng Yên chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch. Do vậy, nhiều người không khỏi lo lắng, nhãn Sông Mã sẽ còn tiếp tục rớt giá. Điệp khúc được mùa mất giá vẫn là bải toán nan giải đối với người trồng nhãn, cũng như chính quyền địa phương nơi đây./.

Theo Đức Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên