Gia nhập giới siêu giàu, Jeff Bezos chập chững "trải nghiệm" mối quan tâm hàng đầu của các tỷ phú theo cách khác biệt
Ông chủ Amazon, Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng là 112 tỷ USD, vượt xa người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates với tài sản ròng là 90 tỷ USD, theo Forbes. Ví trí mới này có lẽ sẽ tiếp thêm động lực cho tỷ phú Bezos quan tâm hơn đến sự tiến bộ của nhân loại thông qua các công ty vì lợi nhuận. Những cố gắng của Bezos sẽ làm thay đổi cách nghĩ về từ thiện của giới nhà giàu.
- 17-12-2017“Giàu có đi làm từ thiện” - Nghề nghiệp đặc biệt của người Hồng Kông
- 29-06-2017"Vua sòng bạc" gốc Do Thái làm từ thiện 1 tỷ đô mỗi năm vì quan niệm: Kiếm tiền để giúp những người không thể tự giúp mình
- 31-05-2017Tỷ phú dành 8 tỷ USD làm từ thiện: Ở nhà thuê, đi máy bay hạng siêu tiết kiệm, thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng
- 03-12-2016Mải mê làm từ thiện, tác giả Harry Potter để tuột mất danh hiệu tỷ phú thế giới
Jane Wales, CEO của Diễn đàn Từ thiện Toàn cầu đã chia sẻ rằng: "Tôi nghĩ từ trước tới nay Bezos coi một số hoạt động đầu tư kinh doanh như là cơ hội để thúc đẩy thay đổi xã hội".
Tháng 6 năm 2017, thỏa thuận mua lại Whole Foods của Amazon được công bố đã khiến cổ phiếu của nhà bán lẻ trực tuyến này tăng vọt, tăng thêm 1,8 tỷ USD vào tài sản của Bezos. Lúc này, tài sản ròng của Bezos là 84,6 tỷ USD, ít hơn Bill Gates 5 tỷ USD. Tuy nhiên, tháng 7 năm 2017, sau khi thu nhập quý II được công bố, tài sản ròng của Bezos đã thực sự làm lu mờ Gates.
Năm 2013, việc mua lại tờ Washington Post đã minh chứng cho kế hoạch đầu tư thu về lợi nhuận gấp đôi dưới hình thức thay đổi xã hội của ông. Ông nhanh chóng đưa nó trở thành một tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn, một vị trí mà nhiều cơ quan thông tấn khác vẫn đang nỗ lực phấn đấu để đạt được. Tương tự, việc mua lại Whole Foods ám chỉ ông mong muốn tái tạo lại chuỗi cung ứng thực phẩm trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ít nhất, ông cũng có cơ hội để làm được điều đó.
Wales nói rằng các hoạt động kinh doanh của Bezos đã đưa ra một cái nhìn về vị thế cũng như sức ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực từ thiện, hoàn toàn tách biệt với tổ chức từ thiện của gia đình Bezos do ba mẹ ông điều hành. Thực tế, Bezos đang tìm kiếm thêm các dự án từ thiện khác. Ông đã hỏi gần 300.000 người theo dõi trên Twitter về các cách làm từ thiện nhanh chóng nhưng có tác động lâu dài.
Bezos viết: "Tôi đang nghĩ đến một chiến dịch từ thiện khá trái ngược với cách làm việc của tôi, đó là một chiến dịch từ thiện dài hạn. Trong lĩnh vực từ thiện, tôi nghĩ tôi cần một hướng đi khác, ngay bây giờ. Ví dụ, tôi được truyền cảm hứng và động lực từ nhà tình nghĩa Mary’s Place ngay tại Seattle. Tôi thích làm những dự án dài hạn xuyên suốt như Blue Origin, Amazon hay Washington Post, tất cả những thứ này đều đóng góp cho xã hội theo cách riêng của chúng. Tuy nhiên, hiện tại tôi muốn thực hiện các dự án từ thiện ngắn hạn vừa có thể giúp đỡ con người vừa có tác động về lâu về dài. Nếu bạn có ý tưởng hay, hãy cho tôi biết ngay. Nếu bạn nghĩ hướng đi này chưa đúng, tôi sẵn lòng lắng nghe".
Nội dung Tweet mà Jeff Bezos đã đăng trên Twitter cá nhân.
Wales chỉ ra cuộc khủng hoảng người nhập cư đang diễn ra khá phù hợp với phương hướng mà Bezos đặt ra: "Phải hành động ngay bây giờ. Các chính phủ đang bị quá tải, chính sách chưa giải quyết được vấn nạn này. Quỹ gia đình Bezos mặc dù thường là quỹ dài hạn nhưng cũng đã gửi hỗ trợ đến Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, đến Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, đến Tổ chức CARE – các tổ chức giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài".
Bezos và vợ, bà MacKenzie Bezos.
Theo một báo cáo mới nhất của Wealth-X, công ty chuyên thực hiện khảo sát về giới siêu giàu, các tỷ phú hàng đầu thế giới có nhiều mối quan tâm khác nhau nhưng hầu hết không phải là những mối quan tâm về tài sản hay tiền bạc.
Từ thiện là mối quan tâm hàng đầu của các tỷ phú trên thế giới, với hơn một nửa trong số họ theo đuổi các hoạt động từ thiện. Người đi đầu trong phong trào này là đôi bạn lâu năm – tỷ phú công nghệ Bill Gates và tỷ phú chứng khoán Warren Buffett với việc thành lập quỹ The Giving Pledge và cam kết cho đi hơn một nửa tài sản họ nắm giữ. Bill và Melinda Gate cũng đang cố gắng chấm dứt bệnh bại liệt lần cuối. Mark Zuckerberg và Priscilla Chan đang cố gắng diệt trừ bệnh tật và cải thiện giáo dục.
Nhưng với Bezos, con đường từ thiện chỉ vừa mới bắt đầu. Ông không liên quan đến Tổ chức của ba mẹ mình nên có lẽ sẽ phải mất 1 hoặc 2 năm để đặt nền tảng vững chắc và hình thành chiến lược. Đánh giá qua các động thái kinh doanh, phong cách làm từ thiện của Bezos thường liên quan đến các khoản đầu tư tư nhân vào các công ty mới khởi nghiệp để tìm kiếm lợi ích xã hội hoặc mua lại các công ty khác.
Larry Brillant, chủ tịch của Quỹ Thách thức Toàn cầu Skoll đã chỉ trích cách tiếp cận dựa vào quần chúng này. Brillant đã nói rằng: "Ý tưởng không khả thi sẽ làm hỏng cả một quá trình".
Cố vấn từ thiện Jake Hayman đã đưa ra ý kiến về vấn đề tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn mang lại tác động lâu dài trong một lá thư gửi đến Jeff Bezos: "Như thế chẳng khác nào đang tìm kiếm một khoản đầu tư đã được chứng minh an toàn gấp 10 lần. Thật khó xảy ra".
Bezos đã không tham gia vào chương trình The Giving Pledge, một chương trình cao cả có sự góp mặt của 16 tỷ phú bao gồm cả Warren Buffet và Zuckerberg. Thông qua đó, họ sẽ quyên góp ít nhất là một nửa số tài sản trước khi qua đời. Bà Wales cho rằng mặc dù vậy thì Bezos vẫn có thể gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Thung lũng Sillicon về vấn đề từ thiện: "Anh ấy còn trẻ, đang ở giữa sự nghiệp của mình và có phần táo bạo. Tất cả những gì mà dòng tweet ấy chia sẻ là anh ấy thực sự không muốn thờ ơ đối với các vấn đề đang xảy ra trước mắt".
Business Insider