Giá nhiên liệu đầu vào đẩy chi phí mua điện EVN tăng khoảng 16.600 tỷ đồng
Thi công các hạng mục Dự án nâng công suất trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 7/2021 và 20 ngày đầu tháng 8/2021, giá nhiên liệu đầu vào thực hiện đã cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.
- 21-09-2021Giải mã điều kỳ diệu trong chống dịch ở Bến Tre: Chỉ sau 2 tháng, người dân đã quay lại bình thường mới
- 21-09-2021Hơn 1 triệu lượt theo dõi BTS tại trụ sở Liên Hợp Quốc: Tác động đáng kinh ngạc từ ngành công nghiệp tỷ USD của Hàn Quốc
- 21-09-2021Khối doanh nghiệp nào có mức lương bình quân lao động gần 9 triệu/tháng trong quý đầu năm nay?
Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6/2021; tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong những ngày đầu tháng 8/2021).
Giá dầu HFSO bình quân tháng 7 cũng tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.
EVN cho biết, với sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng công suất các loại nguồn phát trong hệ thống điện quốc gia, các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của tập đoàn này, nhất là các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Theo tính toán sơ bộ, chi phí mua điện của EVN năm 2021 có thể tăng tới khoảng 16.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thế giới hiện nay, giá khí đốt tại Anh cũng đã tăng cao kỷ lục, một phần là vì sự cố hỏa hoạn làm tê liệt một điểm quan trọng trong mạng lưới năng lượng kết nối từ Anh sang Pháp. Giá khí đốt bán sỉ đã tăng 70% kể từ tháng 8 và trước đó, khi nền kinh tế mở cửa trở lại tình trạng thiếu lao động cũng đã khiến lạm phát tăng mạnh. Giá cả thị trường đã tăng tới 203% kể từ tháng 1. Chính phủ nước này đang nỗ lực và sẽ làm mọi việc cần thiết để khắc phục vấn đề nhanh nhất có thể, đảm bảo nguồn cung cần thiết và đảm bảo các công ty không bị tác động nặng nề.
Theo các chuyên gia năng lượng, dự báo giá khí đốt có thể sẽ còn tăng hơn trong những tháng tới. Giá khí đốt của châu Âu đã tăng nhanh kể từ đầu tháng 4, khi điều kiện thời tiết lạnh giá bất thường, khí đốt lưu trữ của châu Âu giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trước đại dịch, cho thấy nguồn cung tiềm năng bị suy giảm.
Cùng với đó, kinh tế phục hồi sau khi các nước nới lỏng các hạn chế do đại dịch COVID-19 cũng đẩy nhu cầu tăng cao hơn dự kiến, dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt. Theo các nhà phân tích, sự thiếu hụt khí đốt đang khiến cho thị trường căng thẳng khi mùa đông đang tới gần. Điều này diễn ra cùng với sự cạnh tranh rất lớn từ châu Á và Nam Mỹ về nguồn cung LNG, càng đẩy giá khí đốt tăng lên.
Báo