Giá nhôm liên tiếp lập đỉnh trong 6 tháng đầu năm
Giá nhôm trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021 liên tục tăng phi mã và lập những kỷ lục cao nhiều năm.
Chính sách các nước lớn, lạm phát, chi phí vận chuyển tăng và sự mất cân bằng cung cầu được xem là những yếu tố cơ bản gây ra sự biến động mạnh của giá nhôm trong nửa đầu năm 2021. Xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm, gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất và thị trường trong nước.
Giá nhôm trên thị trường thế giới liên tiếp lập đỉnh trong 6 tháng đầu năm
Giá nhôm giao dịch trên sàn Thượng Hải ngày 16/03 đạt mức cao trong vòng 9 năm, ở mức 17.980 CNY/tấn ($2.766/tấn) và ngay sau đó, vào ngày 16/4, đã đạt mức cao 11 năm ở mức 18.460 CNY/tấn ($2.830/tấn). Trên sàn giao dịch London, giá nhôm lập đỉnh 3 năm, cán mốc $2.603/tấn hồi đầu tháng 5.
Chính sách bảo vệ sản xuất của các nước
Hàng loạt chính sách bảo vệ nền sản xuất nhôm của EU, Anh và Nga đã khiến giá nhôm tăng mạnh. Trung Quốc bị nhiều nước cáo buộc duy trì sản xuất dư thừa trong ngành nhôm và thép và bán với mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung. Ngày 30/03, Liên minh châu Âu áp thuế chống bán phá giá trong khoảng từ 21,2% - 31,2% và áp thuế bổ sung tạm thời từ 19,3% - 46,7% vào ngày 12/4 đối với một số sản phẩm nhôm Trung Quốc khi nhập khẩu vào EU. Ngày 21/06, Anh chính thức khởi động việc điều tra chống bán phá giá nhôm Trung Quốc. Đặc biệt, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp quốc phòng và xây dựng trong nước khỏi tăng trưởng chi phí nguyên liệu thô, Chính phủ Nga đánh thuế xuất khẩu nhôm ở mức 15% có hiệu lực từ ngày 1/8 đến cuối năm.
Lạm phát, chi phí vận chuyển tăng cao
Lạm phát tại Mỹ đang tăng lên mức rất cao sau hàng loạt gói hỗ trợ tài khóa khổng lồ của chính phủ đi kèm chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt sau Covid-19. Tình trạng lạm phát của Mỹ khiến đồng đô la - đồng tiền giao dịch quốc tế của nhôm, ngày càng mất giá, góp phần đẩy giá nhôm tăng lên cao.
Giá cước vận chuyển hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu do tắc nghẽn và gián đoạn chuỗi cung ứng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Jorge Vasquez, người sáng lập công ty tư vấn Harbour Aluminium, cho biết: "Cước phí vận chuyển bằng đường biển hiện đang cao nhất trong vòng khoảng một thập kỷ trở lại đây đã khiến chi phí vận chuyển nhôm tăng vọt."
Mất cân bằng cán cân cung – cầu
Nguồn cung nhôm có nguy cơ bị siết chặt do chính sách chống ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 60% sản lượng nhôm toàn cầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ công bố loạt lệnh trừng phạt đối với Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử, an ninh mạng, tình hình chiến sự Ukraine,…. Nga là nhà sản xuất nhôm lớn và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga năm 2018 đã đẩy giá nhôm trên sàn London tăng lên mức cao trong vòng 7 năm.
Nhu cầu nhôm tăng mạnh trên thế giới (Ảnh: Tập đoàn Ngọc Diệp)
Trong khi nguồn cung gặp khó thì nhu cầu nhôm vẫn đang tăng nhanh. Liên Hợp Quốc đã nâng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 5,4% trong năm 2021 nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và EU. Do nhôm được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải, xây dựng, điện tử,… nên khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch, nhu cầu đối với vật liệu này tăng mạnh. Các nhà phân tích của ngân hàng Citi dự đoán nhu cầu nhôm toàn cầu sẽ tăng 6,4% trong năm nay lên gần 68 triệu tấn và tăng tiếp 4,6% vào năm 2022 lên gần 71 triệu tấn. Citi dự báo thị trường nhôm thế giới năm 2021 vẫn dư thừa 720.000 tấn nhôm, nhưng sẽ thiếu hụt 590.000 tấn năm 2022.
Thị trường trong nước và khó khăn của doanh nghiệp
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước, trong nửa đầu năm 2021, lượng cung nhôm nguyên liệu không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất khiến giá nhôm nguyên liệu trong nước liên tục tăng. Nguyên nhân là do nhiều nhà sản xuất bị chậm thời gian nhận nguyên liệu so với hợp đồng từ 2 đến 3 tháng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ngắn hạn. Giá nhôm thế giới tăng cao, cùng với nhu cầu nhôm nguyên liệu tăng khiến giá nhôm trong nước tiếp tục bị đẩy lên cao.
Các doanh nghiệp sản xuất nhôm cần chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo nguồn cung cho thị trường (Ảnh: Tập đoàn Ngọc Diệp)
Không chỉ gặp khó khăn khi giá nhôm nguyên liệu tăng cao, ngành nhôm trong nước còn đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc trên chính sân nhà. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện xu hướng một số lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhà xưởng để sản xuất nhôm ở Việt Nam nhằm 2 mục tiêu: tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam và tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu nhôm sang EU, Anh, Mỹ và một số thị trường khác.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam cần có những giải pháp quản lý rủi ro hiệu quả, chuẩn bị nguồn nguyên liệu sử dụng dài hạn, tối ưu hóa năng lực tổ chức điều hành để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong và sau dịch. Điển hình cho việc chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo sản xuất trong bối cảnh biến động của thị trường là Công ty Cổ phần Nhôm Ngọc Diệp với thương hiệu Nhôm Dinostar. Nhờ tiềm lực tài chính vững mạnh, chủ động tăng kho dự trữ nguyên liệu, công ty có nguồn nguyên liệu ổn định để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong năm 2021, công ty mở rộng diện tích nhà máy Nhôm Dinostar, nâng tổng quy mô sản xuất từ 75.000 m2 lên gần 120.000 m2 đồng thời tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại áp dụng công nghệ 4.0. Với năng lực sản xuất vượt trội và sự chủ động các phương án thích ứng với tình hình thị trường, Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường với sản phẩm nhôm thành phẩm và nhôm billet chất lượng cao.