MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Giá ô tô giảm, nên buồn hay nên vui?”

29-12-2016 - 15:51 PM | Thị trường

Giá ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm khi thuế quan giảm về 0% năm 2018 tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên kỳ vọng giá xe nhập sẽ ngang bằng giá tại thị trường Thái Lan hay Indonesia...

Tại tham luận với tựa đề: “Giá ô tô giảm, nên buồn hay nên vui?” gửi tới Hội thảo do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức sáng 29/12, ông Nguyễn Thành Chung, chuyên gia đến từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, nếu như theo đúng lộ trình thì trong thời gian tới, giá xe về tổng thể sẽ giảm. Một mặt giá xe ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm khi thuế quan giảm về 0% năm 2018.

Tuy nhiên, theo ông Chung, người tiêu dùng cũng không nên kỳ vọng giá xe nhập sẽ ngang bằng giá tại thị trường Thái Lan hay Indonesia do các hãng sản xuất cũng chính là người được độc quyền trong nhập khẩu xe vào Việt Nam.

Mặt khác, chịu áp lực cạnh tranh, giá xe của các hãng bám trụ sản xuất trong nước cũng phải giảm cho phù hợp. Tất nhiên, giá sẽ chỉ giảm chủ yếu ở các dòng xe dung tích xi lanh nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu. Với các dòng xe sang, xe dung tích xi lanh lớn thì hiện đã nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt, mức giảm chỉ đưa giá về mốc ban đầu.

Ông Chung cũng chỉ ra rằng, xe nhập khẩu tràn vào thị trường trong nước cũng buộc các nhà sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vị chuyên gia này cho rằng, nhìn chung người tiêu dùng Việt Nam là người được hưởng lợi. Tuy nhiên, trước áp lực về hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao tông đô thị thì các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô có thể sẽ bị áp dụng.

“Khả năng người được hưởng lợi nhiều hơn là những người tiêu dùng ở khu vực không bị hạn chế, dự kiến có thể có sự phân biệt giữa các đối tượng người sử dụng ở những địa bàn khác nhau”, ông Chung cho hay.

Về phía nhà sản xuất, do thuế giảm nên việc lắp ráp xe bắt đầu mất lợi thế, sẽ có những mẫu xe chuyển sang nhập khẩu. Chẳng hạn Toyota Việt Nam đã quyết định sẽ chuyển sang nhập mẫu Fortuner về phân phối thay vì lắp ráp trong nước từ đầu năm tới. Một số doanh nghiệp cho biết, năm 2017 là bước đệm quan trọng để thăm dò thị trường với các sản phẩm mới nhập khẩu nguyên chiếc, chuẩn bị cho giai đoạn từ năm 2018 trở đi, khi thuế giảm sâu.

Ông Chung cũng cho biết, suy cho cùng, các hãng xe đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng là vì mục tiêu lợi nhuận. Khi được hưởng nhiều ưu đãi, thị trường trong nước thu được nhiều lợi nhuận, họ sẽ ở lại. Còn khi quy mô thị trường nhỏ, phát triển sản xuất quy mô lớn không khả thi, các ưu đãi không còn… thì họ rời đi cũng là điều dễ hiểu và nên chấp nhận.

Theo khuyến nghị của ông Chung, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất trong nước sẽ phải tính toán tập trung nhiều vào phân khúc xe có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống, đổi mới không ngừng để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách hàng và giữ vững thị phần.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên