Giá phân bón nhập khẩu cao nhất trong 1 năm
Giá nhập bình quân mặt hàng phân bón tăng và đạt mức cao nhất trong 1 năm, tuy nhiên nhập siêu phân bón đã suy giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
- 20-04-2018Giá phân bón tăng lên mức cao nhất 16 tháng
- 18-04-2018Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón
- 02-04-2018Giá phân bón tăng, nông dân lo lắng
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2018 cả nước đã nhập khẩu 489,1 nghìn tấn phân bón các loại, đạt 144,6 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và 22,6% trị giá, giá nhập bình quân 295,73 USD/tấn, tăng 4% so với tháng 3 - đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp và có mức giá cao nhất kể từ 1 năm trở lại đây.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu phân bón đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 405,9 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và 4,5% về trị giá, giá nhập bình quân 284,3 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Diễn biến giá phân bón nhập khẩu trong 1 năm – ĐVT: USD/tấn
Trong 4 tháng đầu năm 2018 phân Kali chủng loại được nhập về nhiều nhất, chiếm 26% tổng lượng phân bón nhập khẩu, kế đến SA chiếm 26%, DAP và Ure đều chiếm 17%, cuối cùng NPK chiếm 11%. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì lượng phân bón nhập khẩu đều sụt giảm ở hầu hết các chủng loại, trong đó giảm mạnh nhất phân DAP 31,4%, kế đến NPK 21,1% cuối cùng SA 7,4% và Kali giảm 6%.
Cơ cấu chủng loại phân bón nhập khẩu 4 tháng năm 2018
Trong khi đó, xuất khẩu phân bón 4 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 331,5 nghìn tấn, trị giá 486,9 triệu USD, tăng 10,2% về lượng nhưng giảm 19,7% về trị giá, mặc dù giá xuất bình quân đạt 1.486,85 USD/tấn, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2018 Việt Nam đã nhập siêu 1,1 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 305,3 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với 4 tháng năm 2017.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 30,8% thị phần với 440,5 nghìn tấn, đạt 114,9 triệu USD, giảm 30,89% về lượng và 31,18% về trị giá, giá nhập bình quân giảm 0,42%, xuống còn 260,87 USD/tấn.
Thị trường nhập nhiều thứ hai là Nga đạt 210,1 nghìn tấn, 62,2 triệu USD, tăng 22,1% về lượng và 21,47% về trị giá, giá nhập bình quân 296,35 USD/tấn, giảm 0,52%. Kế đến là các thị trường Belarus, Nhật Bản, Israel, Malasyia, Lào….
Đặc biệt, thời gian này nhập khẩu phân bón từ thị trường Israel tăng vượt trội, gấp hơn 2 lần về lượng và trị giá, tuy lượng nhập chỉ đạt 87,1 nghìn tấn, 26,5 triệu USD, mặc dù giá nhập bình quân giảm 1,05% xuống còn 304,89 USD/tấn. Ngược lại, nhập từ thị trường Indonesia giảm mạnh 73,84% về lượng và 70,52% trị giá, tương ứng với 28,5 nghìn tấn 8,3 triệu USD, giá nhập bình quân 292,94 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra nhập từ thị trường Malaysia cũng tăng khá mạnh, gấp gần 2 lần cả về lượng và trị giá đạt 80,9 nghìn tấn, 22,7 triệu USD, giá nhập bình quân tăng 5,49% lên 280,52 USD/tấn.
Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay nhập khẩu phân bón từ hai thị trường Mỹ và Ấn Độ có giá đắt nhất, tương ứng với 1.474,88 USD/tấn và 1.907,67 USD/tấn, tuy nhiên so với cùng kỳ giá nhập bình quân từ Mỹ giảm 9,58% trong khi từ Ấn Độ lại tăng 3,98%.
Giá nhập bình quân từ 10 thị trường chủ lực trong 4 tháng 2018 – ĐVT: USD/tấn
Thời gian tới giá phân bón dự báo vẫn ở mức cao bởi giá trên thị trường thế giới bị tác động của giá dầu tăng. Theo OPEC, giá dầu Brent có thể sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng một lần nữa và khả năng nguồn cung dầu thô bị thiếu hụt trên toàn cầu, sau quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được ký kết trước đó.
Hiện giá phân bón DAP trên thế giới đã tăng 1,4% so với tháng 4 và tăng 11,2% so với cùng kỳ đạt 485 USD/tấn; Ure giảm nhẹ 0,5% so với tháng 4 nhưng tăng 4,8% so với cùng thời gian này năm trước đạt 368 USD/tấn; Các chủng loại khác như phân hỗn hợp 10-34-0, UAN 28 và UAN 32 đều tăng lần lượt 1,4%; 0,8% và 1,09% đạt tương ứng 431 USD/tấn; 241 USD/tấn và 277 USD/tấn.