MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón sẽ ra sao, sau một năm tăng 'phi mã'?

30-01-2022 - 12:17 PM | Thị trường

Giá phân bón sẽ ra sao, sau một năm tăng 'phi mã'?

So với cách đây một năm, giá các loại phân bón đều đi lên, một số loại tăng hơn 100% như kali, ure.

Bão giá phân bón thế giới trong năm 2021

Thị trường phân bón thế giới năm 2021 trải qua cơn bão giá trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng mạnh do khủng hoảng lượng và tắc nghẽn vận chuyển. Tiêu thụ tăng mạnh đến từ nhu cầu cao đối với hàng loạt nông sản sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đẩy giá các loại phân bón lên cao.

Còn trong năm nay, theo DTN, trong tuần kết thúc vào ngày 14/1, giá DAP là 863 USD/tấn, ure là 913 USD/tấn. Các loại khác như phân lót 10-34-0, phân khô (anhydrous), UAN28, UAN32 lần lượt là 796 USD/tấn, 1.430 USD/tấn, 584 USD/tấn và 679 USD/tấn.

Giá phân bón sẽ ra sao, sau một năm tăng phi mã? - Ảnh 1.

Diễn biến giá kali. Nguồn: DTN

Tại Việt Nam, ure là mặt hàng biến động mạnh nhất, tăng 130% trong năm 2021

So với cách đây một năm, giá các loại phân bón đều đi lên, một số loại tăng hơn 100%. Cụ thể, MAP, 10-34-0, DAP tăng lần lượt là 69%, 70% và 78%. Kali, ure, UAN32, UAN28, phân khô lần lượt tăng 116%, 145%, 175%, 178% và 202%.

Tại thị trường Việt Nam, theo báo của của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), so với thời điểm đầu năm 2021, giá sản xuất trong nước và nhập khẩu đã tăng 80-130%. Trong đó, ure là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15,5-16 triệu đồng/tấn tại TP HCM.

Giá phân bón sẽ ra sao, sau một năm tăng phi mã? - Ảnh 2.

Diễn biến giá phân bón trong nước. Nguồn: Agromonitor, BSC Research


Bên cạnh đó, giá DAP cũng tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm. Thậm chí, vào những tháng cuối năm nhiều đại lý đã rơi vào tình trạng khan hiếm hàng để giao trên thị trường.

Về giá nhập khẩu trong cả năm 2021, giá trung bình 319,7 USD/tấn, tăng 27,8% về giá so với 2020.

BSC đưa ra 3 nguyên nhân khiến giá trong nước tăng. Thứ nhất, giá nguyên liệu đầu vào và cước vận tải tăng mạnh. Giá khí tự nhiên tăng 103% và than cao hơn 226% so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung. Bên cạnh đó, cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua do tác động của dịch bệnh cũng góp phần đẩy chi phí sản xuất (chủ yếu là chi phí vận chuyển) đi lên.

Thứ hai, nhu cầu phân bón trên thế giới phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và đẩy mạnh tích trữ lương thực dẫn đến tình trạng cung không kịp đáp ứng thị trường. Thứ ba, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lên cao.

Nhiều ý kiến trái chiều về giá phân bón 2022

Về thị trường phân bón năm nay, có nhiều nhận định khác nhau. Dưới tác động của Covid-19, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy giá phân bón lên cao trong năm 2021. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khi Covid-19 đang dần được kiểm soát, những yếu tố thúc đẩy giá phân bón sẽ dần biến mất. Do đó, giá phân bón được dự báo sẽ hạ nhiệt vào năm 2022.

Theo những diễn tiến thị trường gần đây nhất, bước sang năm 2022, thị trường phân bón thế giới có dấu hiệu giảm. Cụ thể, chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 21/1 là 871,5 tấn Mỹ (short ton), giảm 3,8% so với tuần kết thúc vào ngày 14/1 và giảm 9,8% so với tuần đầu của năm nay.

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ lại nóng lên, giá khí gas và than đá vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá dầu Brent ngày 21/1 ở mức trên 87 USD/thùng, tăng gần 13% tính từ đầu năm. Giá than xuất khẩu tại Newscatle, Australia ngày 21/1 là 225 USD/tấn, tăng gần 33%.

Giá phân bón sẽ ra sao, sau một năm tăng phi mã? - Ảnh 3.

Diễn biến giá than xuất khẩu tại Newcastle, Australia. Nguồn: Trading Economics


Trước tình hình trên, các chuyên gia trong ngành cho rằng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải mất một thời gian nữa mới được khơi thông về mức bình thường trong khi nhu cầu nông sản tiếp tục mạnh sẽ khiến tình trạng mất cân đối cung - cầu phân bón còn tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng.

Theo Đỗ Lan

NDH

Trở lên trên