MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp lãi lớn nhưng khó tham gia bình ổn

07-06-2022 - 19:34 PM | Thị trường

Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp lãi lớn nhưng khó tham gia bình ổn

Liệu có bài toán hài hoà lợi ích giữa bức tranh nông dân lao đao, còn doanh nghiệp lãi lớn?

Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu 2022 toàn vùng Nam bộ là 1.584 nghìn ha, năng suất ước đạt 56,78 tạ/ha và sản lượng 8.995 nghìn tấn. Trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có kế hoạch gieo sạ 1,520 nghìn ha; năng suất: 56,93 tạ/ha; Sản lượng 8.540 nghìn tấn.

Tính đến ngày 19/05/2022, vụ Hè Thu 2022 ở ĐBSCL đã xuống giống được 1,052 triệu ha/1,520 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch xong khoảng 25 ngàn ha với năng suất 5,5 tấn/ha.

Cũng theo Cục Trồng trọt, ngành nông nghiệp trong nước sử dụng trung bình hơn 10 triệu tấn phân hóa học/năm. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong số đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn, xuất khẩu 1,6 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.

Doanh nghiệp có thể giảm giá bán cho nông dân?

Ông Đặng Hữu Chơn, đại lý cấp 2 ở huyện Phú Tân cho biết, giá phân bón hiện nay đã cao nhất trong lịch sử của ngành này. Kể từ khi nông dân Việt Nam biết sử dụng phân hóa học cho sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ người nông dân mua phân bón giá cao như hiện nay. Mặc dù cũng có lúc giá dầu trên thị trường tăng lên 110 USD đến 120 USD/ thùng nhưng giá phân urê cũng chỉ khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/bao.

Cụ thể, vụ Hè Thu 2021 giá phân bón tăng lên từ 20 -30% so với vụ Hè Thu 2020, và vụ Hè Thu 2022 lại tiếp tục tăng dần và đến nay đã tăng trên 100% so với vụ Hè Thu 2019 (350.000 đồng/bao).

Với việc giá phân bón tăng khủng như hiện nay khiến người nông dân vô cùng chật vật. Trong khi, lợi nhuận của các công ty sản xuất kinh doanh phân bón đều báo tăng mạnh trong đó quý 1/2022, như đạm Phú Mỹ tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, Đạm Cà Mau lãi ròng cũng đạt kỷ lục hơn 1.500 tỷ, gấp 3 lần chỉ tiêu cả năm... Câu hỏi đặt ra, liệu các nhà sản xuất phân bón có thể chia sẻ khó khăn bằng cách giảm giá bán?

Theo chuyên gia ngành phân bón, trong lúc giá phân bón tăng cao như hiện nay các nhà sản xuất phân bón không thể giảm giá bán (trợ giá) để hỗ trợ nông dân, vì còn phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào của thế giới.

Thứ nữa, Việt Nam đã gia nhập WTO thì không thể có việc trợ giá, vì làm như vậy sẽ vi phạm luật cạnh tranh của WTO. Đó là chưa kể nếu bán giá thấp đại lý sẽ mua hàng vào mà không bán ra "găm" hàng trục lợi, còn doanh nghiệp kinh doanh phân bón đẩy mạnh mua vào và xuất khẩu ra các nước, như vậy giảm giá phân bón vô hình chung làm giàu cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phân bón và các đại lý.

Ngoài ra, nhiệm vụ Nhà nước giao cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón là phải mang lại hiệu quả cho đơn vị, nên buộc họ phải sản xuất kinh doanh có lời để hoàn thành nhiệm vụ.

Do vậy, trong điều kiện giá phân bón tăng cao doanh nghiệp chỉ có thể tri ân bà con bằng các chương trình an sinh xã hội, các chương trình hướng về người tiêu dùng...

Cần đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT

Nhằm góp phần giảm áp lực lên giá phân bón, về vĩ mô Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ này kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Thuế 71 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

Bởi thuế VAT là thuế gián thu, trong trường hợp với ngành sản xuất phân đạm thời gian qua thì khoản thuế này thực tế là "đánh" trên vai người tiêu dùng cuối cùng là nông dân.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể sáng ngày 2/6, ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) thẳng thắn đề nghị, Quốc hội sớm quyết định đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế VAT, nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp hiện đang rất cần được hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, phân DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên