MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón tăng, sao không dừng xuất khẩu?

22-06-2021 - 08:36 AM | Thị trường

Giá phân bón tăng, sao không dừng xuất khẩu?

Giá phân bón tăng cao ngoài việc nguyên liệu sản xuất đầu vào và chi phí vận tải tăng, thì cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ từ các nhà phân phối. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra…

Trước thực trạng giá phân bón liên tục tăng cao, một số ý kiến cho rằng Chính phủ nên xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất để đảm bảo nguồn cung trong nước.

 GIÁ NGUYÊN LIỆU TĂNG CAO

Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và chi phí vận tải tăng chính là lí do đẩy giá phân bón tăng. Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP.

Hiện nay giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn tăng lên 208 USD/tấn và giá amoniac tăng 31,4% tương đương mức tăng 120 USD/tấn. Cộng với giá vận chuyển tăng từ 3 đến 5 lần…

Đại diện Bộ Công Thương còn nhấn mạnh, hiện nay 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP của Việt Nam có công suất 710.000 tấn/năm, trong khi đó nhu cầu phân bón DAP và MAP của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn/năm, do đó cơ bản 3 nhà máy này đã đáp ứng được như cầu của thị trường trong nước.

Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Duy Hải – Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam cho rằng việc giá phân bón tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng và chi phí vận tải tăng là đúng. Hiện nay giá phân bón trên thị trường thế giới cũng tăng nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đã chính thức áp thuế xuất khẩu phân bón lên đến 30% cũng làm ảnh hưởng đến gía phân bón tại Việt Nam. Nguyên do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 46% sản lượng nhập khẩu phân bón trong 4 tháng đầu năm 2021.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, 3 nhà máy sản xuất DAP, MAP của Việt Nam có công suất 710.000 tấn/năm nhưng thực tế không nhà máy nào chạy hết công suất. Như nhà máy DAP Đình Vũ năm 2020 sản xuất được 207.000 tấn trong khi tổng công suất thiết kế là 330.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem năm 2020 sản xuất được 260.000 tấn trong khi công suất thiết kế 330.000 tấn/năm. Còn Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang hiện có sản lượng 100.000 tấn/năm.

Ngoài ra, không phải tất cả phân DAP và MAP của 3 nhà máy này sản xuất ra chỉ để tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu. Do đó nhu cầu nhập khẩu phân bón của thị trường Việt Nam vẫn rất cao.

KHÔNG LOẠI TRỪ YẾU TỐ ĐẦU CƠ CỦA NHÀ PHÂN PHỐI

Theo lời ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam, Chính phủ nên cho dừng xuất khẩu phân bón tạm thời điểm này để dồn lực phục vụ thị trường trong nước, tránh cho người nông dân phải trả chi phí cao.

“Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đang được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách của Chính phủ. Những chính sách này được Chính phủ đưa ra nhằm mục tiêu lớn nhất là bình ổn giá khi thị trường có biến động, giúp người nông dân tiếp cận được giá phân bón rẻ vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 70% là nông dân… Đây là lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần chia sẻ khó khăn với người nông dân, không nên thấy giá phân bón thế giới tăng cao mà đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Vũ Duy Hải nhấn mạnh.

Về việc dừng xuất khẩu, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng từng đề xuất tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/3/2021.

Ông Hoàng Trung nhấn mạnh, Chính phủ nên xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất.

Đồng tình với đề xuất của Cục Bảo vệ thực vật, ông Vũ Duy Hải kiến nghị thêm nên bỏ hoặc hạ mức thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu để người nông dân có thể tiếp cận được giá phân bón phù hợp.

“Không loại trừ việc giá phân bón tăng mạnh ở thị trường trong nước thời gian quan là do yếu tố đầu cơ đẩy giá lên của các nhà phân phối tại thị trường nội địa. Do đó cơ quan quản lý  Nhà nước phải yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây. Phải làm rõ trách nhiệm bình ổn giá phân bón cho người nông dân…”, ông Vũ Duy Hải thẳng thắn.

Theo Kông Lý

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên