Giá phân bón vẫn tiếp tục tăng
Tính đến hết tháng 1/2018 giá phân bón tăng ở cả thị trường trong nước và thế giới. Dự báo, thời gian tới giá sẽ chịu áp lực vì nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc – quốc gia sản xuất phân bón lớn trên thế giới.
- 15-01-2018Nguồn cung phân bón thế giới sẽ thiếu hụt trong quý 1/2018, thị trường Việt khó tránh khỏi tác động
- 01-01-2018Giá phân bón tăng mạnh, doanh nghiệp có được lợi?
- 25-12-2017Giá phân bón tăng mạnh
Tại thị trường trong nước, giá phân bón tăng nhẹ 50-150 đồng/kg (1%-2%), đạt 11.650 – 11.800 đồng/kg đối với DAP và Ure 6.600 – 6.850 đ/kg.
Nguyên nhân tăng do giá nguyên liệu đầu vào nhập từ các nước đều tăng, bên cạnh đó thuế nhập khẩu cao, kéo giá sản xuất trong nước tăng theo.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, trong kỳ 1 tháng 1/2018 cả nước đã nhập siêu 154,3 nghìn tấn phân bón các loại đạt 50,3 triệu USD.
Trong đó cả nước đã nhập khẩu 184,9 nghìn tấn trị giá 59,6 triệu USD, tăng 13,8% về lượng và 39,2% về trị giá so với kỳ 2 tháng 12/2017. Giá nhập bình quân tăng 39,22%, đạt 332 USD/tấn. Trong kỳ này phân Kali có lượng nhập về nhiều nhất 41,1 nghìn tấn, trị giá 11,3 triệu USD nhưng so với kỳ 2 tháng 12/2017 giảm 28,1% về lượng và 26% trị giá. Ngược lại, lượng phân NPK chỉ nhập 9,2 nghìn tấn với 2,4 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và 30,6% về trị giá.
Bên cạnh đó cả nước đã xuất khẩu 30,5 nghìn tấn đạt 27,9 nghìn USD, tăng 9,2% về lượng và 12,73% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 305,2 USD/tấn, tăng 3,2% so với kỳ 2 tháng 12/2017.
Trên thị trường thế giới, giá phân bón đã tăng 5% so với tháng 12/2017, giá bình quân đạt 485 USD/tấn, trong đó DAP 456 USD/tấn tăng 2,4%; MAP 491 USD/tấn tăng 13,3% và Ure 355 USD/tấn, tăng 2,6%.
Thị trường Ấn Độ nhu cầu phân bón trong tháng 1/2018 vẫn khá cao tại một số khu vực trong nước, trong khi nguồn cung thiếu hụt do sau phiên thầu cuối tháng 12/2017 Ấn Độ chỉ mua được 387.000 tấn Ure nguồn gốc từ Iran, khi tồn kho tính đến cuối tháng 12 chỉ khoảng 660.000 tấn.
Tại Indonesia, Pusri vừa chào 4 lô Ure hạt trong 5.000 tấn giao tháng 2/2018 đã bán hết cho Aries, Liven và Universai Harvester. Mặc dù chỉ bán được ở mức giá 290 USD/tấn, FOB, thấp hơn 20 USD/tấn so với mức giá bán tối thiểu đề ra trước đó là 310 USD/tấn FOB Paembang. Tuy nhiên, mức giá này cũng đã cao hơn 20-25 USD/tấn so với mức giá giao dịch Ure gần nhất tại nước này.
Thị trường Trung Quốc giá phân bón vẫn xu hướng tăng và đứng ở mức cao bởi nguồn cung cho thị trường nội địa thiếu hụt, do nước này cắt giảm công suất của các nhà máy sản xuất phân bón, tăng sử dụng khí (nguyên liệu sản xuất phân bón) trong chiến dịch sưởi ấm bằng khí đốt cho hàng triệu gia đình trong mùa đông năm 2018.
Giá phân bón xu hướng tăng, nhiều câu hỏi được đặt ra liệu người nông dân có thay đổi cách thức sử dụng phân bón cho cây trồng trong năm 2018 hay không. Họ sẽ sử dụng ít phân bón, thay đổi các dạng phân bón khác nhau thậm chí có thể thay đổi cây trồng để hạn chế nhu cầu chất dinh dưỡng. Điều này sẽ làm nhu cầu sụt giảm.
Dự báo, thời gian tới sự thiếu hụt Ure ở Châu Á và khoảng cách lớn giữa giá ở Trung Quốc và các thị trường khác có thể sẽ giữ giá Ure ở mức cao. Trong khi đó, Trung Quốc lại hầu như không xuất khẩu Ure nên người mua Châu Á phải tìm kiếm thu mua tại các thị trường khác, giá có thể sẽ còn tăng nữa.
Theo nguồn tin từ Reuters, để đảm bảo nguồn cung phân bón và giá ổn định cho thị trường nội địa phục vụ cho vụ xuân sắp tới, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NRDC) Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất than và khí đốt, bao gồm China National Petroleum Corp, Sinopec and CNOOC, ký ngay các hợp đồng giao hàng và tăng cường nỗ lực do mùa sưởi ấm sắp kết thúc, nhằm đảm bảo cả nguồn cung nhiên liệu lẫn đầu vào cho các nhà sản xuất phân bón. NRDC cũng yêu cầu các cơ quan đường sắt ưu tiên vận chuyển phân bón và nguyên liệu thô để chuẩn bị cho sản xuất nôg nghiệp vụ xuân.
Trung Quốc sẽ bổ sung thêm 5,5 triệu tấn phân bón vào kho dự trữ cho thời hạn sử dụng 2 năm, đề phòng trường hợp khan hiếm nguồn cung phân bón cho sản xuất vụ xuân trong tương lai. NDRC cũng yêu cầu chính quyền địa phương và các công ty hướng dẫn nông dân giảm sử dụng phân bón hóa học và chuyển sang phân bón hữu cơ. Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng trưởng 0% sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học đến năm 2020.
Với kế hoạch này của Chính phủ Trung Quốc, thời gian tới nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới sẽ thiếu hụt.
Trong nước, giá phân bón tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng vụ Xuân ở mức cao. Bên cạnh đó giá nhập khẩu cũng tăng, khi Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc trong khi giá tại thị trường này vẫn đứng ở mức cao.