Giá quặng sắt "điên cuồng" tăng tiếp 10%, chưa có dấu hiệu dừng lại
Giá quặng sắt đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay, trở thành mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu năm thứ 2 liên tiếp, giữa bối cảnh nhu cầu mua nhìn chung rất mạnh trên toàn cầu, nhất là ở Trung Quốc.
Phiên 21/12, quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng gần 10% do triển vọng nhu cầu sẽ còn tăng nữa trong năm 2021 và gia tăng mối lo ngại nguồn cung bị gián đoạn vì Covid-19.
Hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất trong phiên này đã tăng 9,7% lúc kết thúc phiên giao dịch, đạt 1.144,5 CNY (174,76 USD)/tấn, trước đó có thời điểm đạt tới 1.147 CNY/tấn, là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Trên sàn Singapore, quặng sắt cũng tăng 8,7% lên 176,2 USD/tấn.
Diễn biến giá quặng sắt năm 2020
Từ đầu quý IV đến nay, giá quặng sắt đã tăng 29,4%, trong đó riêng tháng 12 đã tăng 21%, và tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại là tăng 123%. Chỉ số giá quặng sắt hàm lượng 62% CFR Trung Quốc do Platts báo cáo đã tăng trên 72% trong năm nay.
Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt và sản xuất thép lớn nhất thế giới. Sản lượng thép thô của nước này dự kiến sẽ tăng trong năm 2021, thêm 1,4% lên 1.065 tỷ tấn, so với ước tính 1,05 tỷ tấn năm 2020.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures ở Bắc Kinh cho biết: "Thị trường rất lạc quan về triển vọng nhu cầu trong mùa Xuân tới".
Tương quan sản lượng thép Trung Quốc và giá quặng sắt tại sàn Đại Liên
Nhu cầu các sản phẩm thép ở Trung Quốc năm tới dự báo sẽ tăng 1% lên 991 triệu tấn, chậm hơn mức tăng 8,6% (đạt 981 triệu tấn) ước tính cho năm 2020, vì Chính phủ nước này đã cam kết duy trì hỗ trợ các chính sách kích thích kinh tế hồi phục, theo thông tin từ Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Hoạch định Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI), ông Li Xinchuang.
Trong báo cáo dự báo triển vọng ngành nguyên liệu thép công bố hàng quý, Chính phủ Australia dự báo: "Giá quặng sắt sẽ duy trì trên 100 USD/tấn đến giữa năm 2021, trước khi giảm dần xuống khoảng 75 USD/tấn vào cuối năm 2022, khi nguồn cung của Brazil hồi phục và Trung Quốc giảm bớt kích thích kinh tế".
Tham khảo: Reuters