Giá quặng sắt đảo chiều lao dốc, mất ngay hơn 7%
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc sáng nay 13/5 đảo chiều lao dốc sau khi người mua tạm dừng cuộc chơi – đã khiến giá quặng tăng vọt liên tiếp lập những kỷ lục mới trong nhiều phiên liên tiếp.
- 13-05-2021Hạn chế xuất khẩu các loại thép trong nước đang có nhu cầu
- 13-05-2021Sàn Đại Liên (Trung Quốc) cân nhắc chấp nhận loại quặng sắt thấp cấp hơn để hạn chế giá tăng
- 12-05-2021"Nỗi sợ hãi" có thể đẩy giá quặng sắt lên 250 USD/tấn
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên – hợp đồng giao dịch nhiều nhất – sáng nay đột ngột giảm 7,2% xuống 1.221 CNY/tấn, sau đó hồi phục nhẹ lúc gần trưa, nhưng vẫn giảm 6,4% so với phiên trước, xuống 1.231 CNY (190,76 USD)/tấn.
Cùng xu hướng đó, giá thép thanh vằn, dùng trong xây dựng, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,6% xuống 5.936 CNY/tấn (kỳ hạn tháng 10); thép cuộn cán nóng sáng nay giảm 1,9% xuống 6.483 CNYt/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 giảm 2% xuống 15.265 CNY/tấn.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác sáng nay cũng giảm. Theo đó, giá than bùn luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 3,8% xuống 1.990 CNY/tấn, than cốc giảm 2,9% xuống 2.758 CNY/tấn.
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá quặng sắt đã tăng 23%, tương đương 248,5 CNY/tấn do lo ngại về việc Chính phủ sẽ hạn chế sản xuất thép giữa bối cảnh nhu cầu đang trong mùa cao điểm và lo ngại lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư hối hả mua hàng hóa, trong đó có quặng sắt.
Sản lượng thép thanh vằn theo kế hoạch của các nhà luyện thép sử dụng công nghệ lò cao trong tháng 5 này ước tính tăng 3,2% so với tháng 4, đạt 8,68 triệu tấn.
Erik Hedborg, nhà phân tích của CRU, cho biết: "Chúng tôi không thấy thị trường quặng sắt quá khan hiếm, kể cả hiện tại cũng như tương lai. Chúng tôi thấy có rất ít yếu tố khiến giá sẽ còn tăng hơn nữa lên mức cao hơn quá nhiều so với chi phí của nhà sản xuất".
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm 12/5 cho biết sẽ tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và các chính sách khác để duy trì hoạt động kinh tế ổn định và đối phó với tình trạng giá hàng hóa tăng nhanh.
Tham khảo: Reuters