Giá quặng sắt giảm tiếp 6% sau khi Trung Quốc cảnh cáo các nhà máy thép lợi dụng giá tăng
Các cơ quan quản lý ở các thành phố Thượng Hải và Đường Sơn (Trung Quốc) ngày 14/5 đã cảnh cáo các công ty thép địa phương về việc lợi dụng giá tăng, thông đồng và lan truyền thông tin sai lệch để bán giá cao kiếm lời, sau khi giá sắt thép tăng cao kỷ lục trong những ngày gần đây.
- 14-05-2021Tiêu thụ thép tăng mạnh hơn 40% trong 4 tháng đầu năm
- 14-05-2021Giá quặng sắt vừa giảm 10% trong ngày 13/5, ANZ dự báo giá sẽ xuống 150 USD/tấn
- 13-05-2021Sàn Đại Liên (Trung Quốc) cân nhắc chấp nhận loại quặng sắt thấp cấp hơn để hạn chế giá tăng
Hãng Reuters đưa tin, cơ quan quản lý thị trường thành phố Thượng Hải đã ra thông báo về việc đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác làm việc với các nhà máy thép, yêu cầu họ "báo giá bán hợp lý" và phối hợp trong việc ổn định giá sắt thép.
"Các công ty sản xuất và kinh doanh thép ... không được bịa đặt hoặc tung tin tăng giá để gây rối trật tự thị trường", thông báo này nêu rõ.
Ngoài ra, thông báo cũng cấm việc tăng giá quá mạnh, trừ khi "có những thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất".
Theo các cơ quan quản lý thì giá thép tại Trung Quốc đã tăng vượt mức tăng chi phí sản xuất.
Trung tâm thép Đường Sơn của Trung Quốc – nơi sản xuất ra nhiều thép hơn cả Ấn Độ - nước sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới – cũng đã đưa ra một thông báo sau khi đã làm việc với tất cả các nhà máy thép trong thành phố. Đường Sơn cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc những nhà sản xuất thép bị phát hiện đã thao túng giá thị trường hoặc găm hàng tích trữ.
Sau khi Đường Sơn và Thượng Hải ra những thông báo trên, giá sắt thép giảm mạnh, kéo dài phiên giảm thứ 2 liên tiếp.
Theo đó, giá thép thanh vằn – chủ yếu dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 10, kết thúc phiên 14/5 giảm 6% xuống 5.640 CNY (876,61 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng – chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực sản xuất – cũng giảm 6% xuống 6.135 CNY/tấn, đưa mức giảm tổng cộng trong 2 phiên vừa qua của cả 2 loại lên khoảng 9%.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần này, giá thép vẫn tăng trên 2%; tính từ đầu năm đến nay thì giá 2 loại thép này đều tăng lần lượt 34% và 43%. -
Giá thép lao dốc gây áp lực giảm giá lên các nguyên liệu sản xuất thép.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên phiên cuối tuần giảm 7,5% so với phiên trước đó, xuống 1.173 CNY/tấn; đưa mức giảm trong 2 phiên vừa qua lên 17%.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá quặng sắt vẫn tăng 4,4%.
Giá quặng sắt nhập khẩu giao tới cảng biển Trung Quốc (hàm lượng 62%) cùng phiên cũng giảm 12 USD xuống 220,5 USD/tấn; giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 5% xuống 1.922 CNY/tấn, trong khi than cốc giảm 6,4% xuống 2.615 CNY/tấn.
Trong bối cảnh giá sắt thép ngừng tăng, bắt đầu xuất hiện những dự báo kém lạc quan về triển vọng giá trong thời gian tới.
Bộ phận Dịch vụ đầu tư của Moody’s cho biết giá quặng sắt tăng cao gần đây nhưng khó duy trì cao một cách bền vững. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo các yếu tố cơ bản của thị trường quặng sắt sẽ vẫn mạnh trong năm nay, do nguồn cung vẫn hạn chế.
Theo bà Barbara Mattos, Phó chủ tịch cấp cao của Moody’s: "Nhu cầu thép gia tăng sẽ duy trì giá quặng sắt ở mức hoặc cao hơn khoảng giá 70 – 100 USD/tấn".
Công suất sản xuất quặng sắt của hãng Vale năm 2021 dự báo sẽ khoảng 315 – 330 triệu tấn, cao hơn mức 300 triệu tấn của năm 2019 cũng như 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 380 USD/tấn của năm 2018.
Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất quặng sắt đều có xu hướng duy trì khối lượng sản xuất ở mức như hiện tại. Các hãng BHP, Rio Tinto, Vale và Fortescue Metals Group, kiểm soát tổng cộng trên 70% thị trường quặng sắt toàn cầu, đều đang tập trung vào giữ vững nguồn cung, làm gia tăng những rủi ro về việc tuân thủ các quy chế môi trường, xã hội và quản lý đối với các dự án mới.
Ngân hàng ANZ ngày 13/5 cũng hạ mức dự báo về giá quặng sắt ở thời điểm cuối năm 2021 xuống 150 USD/tấn với lý do Trung Quốc sẽ dần dần loại bỏ các biện pháp kích thích, hoạt động xây dựng sắp qua mùa cao điểm và rất ít khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp kiềm chế nhập khẩu quặng sắt Australia.
Tham khảo: Reuters