MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá quặng sắt hồi phục mạnh, giá thép giảm phiên thứ 3 liên tiếp

17-05-2021 - 18:55 PM | Thị trường

Giá quặng sắt hồi phục mạnh, giá thép giảm phiên thứ 3 liên tiếp

Giá thép trên thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp, lùi xa hơn nữa khỏi mức cao kỷ lục lịch sử của tuần trước sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc để chặn cơn sốt giá.

Kết thúc phiên 17/5, giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải giảm 2,9% xuống 5.596 CNY (869,32 USD)/tấn. Hôm thứ Tư tuần trước (12/5), hợp đồng này lên tới 6.171 CNY/tấn.

Giá thép cuộn cán nóng hôm nay cũng giảm 5,1% xuống 5.949 CNY/tấn (mức cao kỷ lục lịch sử là 6.683 CNY/tấn cũng đạt tới hôm 12/5).

Các cơ quan quản lý ở Thượng Hải và Đường Sơn – các trung tâm sản xuất thép – đã cảnh báo về việc sẽ nghiêm khắc xử lý những đơn vị đã lợi dụng giá tăng, thông đồng hoặc có những hành vi bất thường khác gây phá vỡ thị trường. Động thái này nhằm bình ổn trở lại thị trường thép – đã trở nên quá nóng gần đây.

Sàn giao dịch Thượng Hải (ShFE) hôm 14/5 thông báo sẽ nâng mức kỹ quỹ bắt buộc đối với các hợp đồng thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng từ 8% lên 10% kể từ 18/5. Phí giao dịch của mỗi hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 – kỳ hạn đang giao dịch nhiều nhất – ngày 14/5 ở mức 0,02%

Giới hạn giao dịch trên các hợp đồng này sẽ được nâng lên 8% đến 6% cùng một lúc, sàn chứng khoán cho biết trong một tuyên bố.

Phí giao dịch cho hợp đồng thép cây tháng 10 SRBcv1, hoạt động tích cực nhất trong giao dịch ngày thứ Sáu, kể từ đêm 17/5 sẽ được đặt ở mức 0,02% trị giá hợp đồng.

Trái với việc giá thép tiếp tục giảm, giá quặng sắt phiên 17/5 đảo chiều hồi phục trở lại sau thông tin sản lượng thép Trung Quốc vẫn cao kỷ lục, cho thấy nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy thép nước này vẫn rất mạnh mẽ.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên hôm nay kết thúc phiên ở mức tăng 0,9% lên 1.198 CNY/tấn. Tương tự, giá than luyện cốc giao dịch trên sàn này hôm nay cũng tăng 1,2% lên 1.967 CNY/ tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 trên sàn Thượng Hải tăng 1% lên 15.285 CNY/tấn, và chỉ có một nguyên liệu là than cốc giảm 1% xuống 2.634 CNY/tấn.

Đáng chú ý, giá quặng sắt trên sàn Singapore sáng nay 17/5 đã tăng mạnh 2,4% tái vượt ngưỡng 200 USD lên 206,55 USD/tấn (ở phiên liền trước, giá quặng sắt trên sàn này giảm 11%).

Sản xuất thép ở Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bất chấp nhiều nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm thực hiện cam kết giảm khí thải, sản lượng thép thô của nước này tháng 4 vừa qua đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, Trung Quốc đã sản xuất 97,85 triệu tấn thép thô trong tháng 4, trong bối cảnh các nhà máy gia tăng sản xuất nhờ lợi nhuận cao.

Sản lượng thép tháng 4 như vậy tăng 4,1% so với tháng 3/2021 và cao hơn mức 85,03 triệu tấn của tháng 4/2020.

Sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của nước này trong tháng 4 tăng 7,5% so với tháng 3 lên 3,26 triệu tấn, cũng là mức cao trong lịch sử.

Sản lượng thép ở Trung Quốc đã tăng trong hai tháng liên tiếp, mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ đảm bảo sản lượng cả năm 2021 của nước này duy trì dưới mức 1,065 tỷ tấn của năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc sản xuất 374,56 triệu tấn thép thô, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu của NBS cho thấy.

Do sản lượng thép tăng mạnh, tồn trữ quặng sắt tại các cảng biển nước này đã giảm 3 tuần liên tiếp.

Không chỉ tồn trữ quặng sắt giảm, dự trữ thép của Trung Quốc cũng giảm do nhu cầu mạnh trong mùa xây dựng. Được biết, dự trữ thép thanh vằn của các hãng sản xuất thép và các nhà tiêu thụ đến ngày 13/5 là 11,1 triệu tấn, giảm 6,6% so với một tuần trước đó, và thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Fitch Ratings hôm nay cho biết họ hy vọng "đà tăng giá thép ở Trung Quốc sẽ chậm lại trong những tuần tới khi mùa hè đến gần, vì mùa này có xu hướng chứng kiến nhu cầu ở hạ nguồn giảm do hoạt động xây dựng giảm bớt bởi mưa nhiều."

Tuy nhiên, Morgan Stanley lại cho rằng: "Do sản lượng thép của Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng, biên lợi nhuận thép của nước này vẫn tăng và nguồn cung quặng sắt từ đường biển vẫn bị hạn chế, chúng tôi cho rằng giá quặng sắt có thể duy trì ở mức hiện tại cho đến hết quý II, nhưng có khả năng vẫn biến động mạnh".

Theo Giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu về quặng sắt của Pty., Philip Kirchlechner cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp vào thị trường thép, nhưng trên thực tế họ bị kẹt giữa chính sách đô thị hóa – vốn cần tiêu thụ nhiều thép và quặng sắt – với mong muốn kiểm soát ô nhiễm môi trường và kiểm soát giá quặng sắt.

"Yếu tố phức tạp đối với giá quặng sắt khi chúng tôi nghiên cứu là chúng tôi không biết thành phần đầu cơ đẩy giá là gì", ông Philip Kirchlechner nói, và "Nếu thành phần đầu cơ đủ lớn, bất kỳ tin đồn nào về những thay đổi trong chính sách của chính phủ đều có thể đẩy giá xuống một lần nữa. Đây là những gì có thể đang xảy ra ".

Mặc dù giá thép quốc tế "nhảy múa", giá thép trong nước hôm nay được các thương hiệu giữ nguyên giá bán các sản phẩm thép như phiên cuối tuần trước. Hòa Phát giữ giá thép cuộn CB240 trên thị trường miền Bắc ở mức 17.960 đồng/kg và thép D10 CB300 giá 17.810 đồng/kg; Việt Ý giữ giá thép CB240 ở 17.860 đồng/kg và D10 CB300 ở mức là 17.560 đồng/kg; tương tự Việt Đức, Kyoei, Thái Nguyên… cũng giữ nguyên giá bán.

Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định: Năm 2021, nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 7-10% so với năm 2020, và sản xuất thép của Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài.

Tham khảo: Engineeringnews, Bloomberg

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên