Giá quặng sắt sẽ giảm trong 5 năm tới
Việc Trung Quốc chuyển hướng tập trung tăng trưởng kinh tế từ công nghiệp nặng sang dịch vụ sẽ khiến nhu cầu nguyên liệu thô sản xuất thép giảm.
- 18-02-2018Dự báo giá quặng sắt, than cốc, phân bón, cao su, đường sẽ giảm trong năm nay
- 31-01-2018Giá quặng sắt tăng trở lại nhưng vẫn gần đáy 1 tháng
- 18-01-2018Giá quặng sắt giảm 5 ngày liên tiếp
Đà tăng giá quặng sắt mạnh trong vài tháng trở lại đây được dự đoán sẽ không kéo dài thêm lâu nữa do nền kinh tế Trung Quốc không còn tập trung nhiều vào công nghiệp nặng, khiến nhu cầu nguyên liệu thô sản xuất thép này giảm. Đây là nhận định của bộ phận BMI Research thuộc Fitch Group.
Giá quặng sắt tăng mạnh hơn so với kỳ vọng trong những tháng đầu năm 2018, nối tiếp đà tăng 2 tháng cuối năm 2017 do giá thép tăng.
Chính vì điều này, BMI Research nâng dự báo giá quặng sắt trong năm 2018 từ 50 USD/tấn lên 55 USD/tấn. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng trong vài năm tới giá quặng sắt sẽ mất đà do Trung Quốc chuyển hướng tập trung phát triển kinh tế từ ngành công nghiệp nặng sang dịch vụ khiến nhu cầu kim loại công nghiệp giảm.
Sản lượng thép trong 3 tháng cuối năm 2017 tại Trung Quốc giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời là quý có sản lượng thấp nhất trong năm kéo theo nhu cầu quặng sắt cũng giảm.
Tương tự, mặc dù lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc trong cả năm 2017 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng trong 6 tháng cuối năm lượng nhập khẩu giảm 0,6%. Bên cạnh đó, trữ lượng quặng sắt ở các cảng Trung Quốc vẫn đang giữ ở gần ngưỡng cao kỷ lục đạt 153 triệu tấn tính đến tháng 2/2018. Điều này cho thấy nguồn cung quặng sắt vẫn đang rất dồi dào.
Về dài hạn, BMI dự đoán giá quặng sắt trong năm 2019 giảm từ 48 USD/tấn xuống 44 USD/tấn trong năm 2021 do triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc kém khả quan hơn kỳ vọng.
GDP thực tế của Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2017 tuy nhiên BMI dự báo con số này sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2018. Đà giảm vẫn tiếp diễn ở những năm sau đó (6,2% vào năm 2019 và 5,8% trong năm 2020) kéo theo nhu cầu thép cũng giảm và dẫn đến tình trạng thừa thép trên thị trường toàn cầu và giá vật liệu xây dựng này đi xuống.
Hơn thế nữa, về phía nguồn cung quặng sắt, việc biên lợi nhuận lớn và chi phí khai thác thấp (chỉ dưới 20 USD/tấn) sẽ kích thích các ông lớn như Australia và Brazil tăng sản lượng và thực hiện các dự án khai thác mới. Điều này càng làm giảm giá quặng sắt trong 5 năm tới.
Cũng theo BMI, nhu cầu nhập khẩu quặng sắt mạnh trong nửa đầu năm 2017 sẽ giảm nhiệt trong vài năm tới do tăng trưởng ngành sản xuất thép giảm.
Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ là điểm sáng trong triển vọng nhu cầu quặng sắt trong thời gian tới do ngành thép nước này đang đẩy mạnh sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu của Mỹ và Hàn Quốc vẫn thấp do hoạt động sản xuất thép các quốc gia này tăng trưởng chậm.
Tính chung trên toàn thế giới, sản lượng quặng sắt giai đoạn 2018-2027 tăng khá khiếm tốn từ 3,26 tỷ tấn lên 3,38 tỷ tấn, tương đương tăng 0,5%/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2008-2017 là 4,8%.
Người đồng hành