Giá quặng sắt sẽ tiếp đà tăng - lên 150 USD/tấn?
Các nhà phânt tích cũng như ngành khai thác mỏ toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của giá quặng sắt sau khi biến động mạnh gần đây.
- 15-11-2023Tăng 64% từ đáy, quặng sắt vụt sáng trên thị trường hàng hóa
- 12-11-2023Giá quặng sắt đạt ‘đỉnh’ 2 năm, có thể sẽ còn tăng nữa
Giá quặng sắt đã tăng 5 tuần liên tiếp trong bối cảnh t ồn kho quặng sắt ở cảng biển Trung Quốc hiện thấp nhất trong vòng 7 năm, và kết quả khảo sát của Reuters vừa công bố cho thấy các nhà phân tích nhận định giá sẽ đạt 150 USD/tấn trong nửa đầu năm 2024 do các biện pháp kích thích kinh tế Trung Quốc đưa ra gần đây.
Con số trên cao hơn đáng kể so với mức 130 USD/tấn trong cuộc khảo sát trước đó cũng như so với mức giá 132 USD/tấn hiện nay. Tuy nhiên, mức đó vẫn thấp hơn nhiều so với giá kỷ lục cao 232,5 USD/tấn đạt được vào tháng 5 năm 2021, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Steelhome.
Triển vọng lạc quan này trái ngược với những dự đoán thận trọng trước đó từ các nhà kinh tế ngành ngân hàng. Mặt hàng quặng sắt hiện đang được giao dịch ở mức cao hơn gấp sáu lần chi phí sản xuất, cho thấy thu nhập sắp tới của các công ty khai thác mỏ khi họ chuẩn bị công bố báo cáo định kỳ 6 tháng/lần.
Giá quặng sắt từ đầu năm đến nay đã dao động từ 99 USD đến 137 USD/tấn, với mức trung bình trong 11 tháng là 119 USD/tấn.
BMI đã nâng triển vọng giá trung bình trong năm tới thêm 20% lên 120 USD, trong khi Goldman Sachs đã tăng mức dự báo thêm 22% lên 110 USD. Dự đoán của Wood Mackenzie cũng được điều chỉnh tăng 8% lên 108 USD.
Ngân hàng Citi đã nâng dự báo giá nguyên liệu thép lên 140 USD/tấn. Theo các nhà phân tích của Citi, chính sách tập trung vào tái phát triển làng đô thị của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi số lượng các công trình bất động sản được khởi công xây dựng, với mức tăng trưởng ước tính là 8% vào năm 2024. Sáng kiến này dự kiến sẽ tạo ra hoạt động xây dựng đáng kể, hướng tới phát triển khoảng một tỷ mét vuông diện tích mặt sàn trong 5 năm tới. Citi khuyến nghị nên mua quặng sắt khi thị trường sụt giảm trước Tết Nguyên đán, bất chấp tín hiệu về tình trạng mua quá mức gần đây. Dữ liệu lịch sử cho thấy giai đoạn trước Tết giá tường tăng mạnh, với mức tăng trung bình lần lượt là +21,1%, +14,4% và +18,3% trong 5, 10 và 15 năm qua.
Về phía Trung Quốc, bất chấp việc các cổ phiếu liên quan đến tài nguyên và chi phí nguyên liệu thô cao như than luyện kim sụt giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất thép, các nhà phân tích luyện kim Trung Quốc kỳ vọng giá quặng sắt sẽ ổn định ở mức trung bình 115 USD/tấn vào năm 2024.
Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát lần này, các nhà phân tích dự đoán phạm vi rộng hơn, từ 90 USD đến 150 USD/tấn trong năm tới, một phần do sự không chắc chắn về giới hạn sản lượng thép và khả năng can thiệp của Chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã hạn chế sản xuất thép vào năm 2021 và 2022 để làm giảm lượng khí thải carbon, nhưng vẫn chưa thực hiện chính sách này trong năm nay trong bối cảnh lo ngại về nền kinh tế.
Quặng sắt đã tăng giá trong những tuần gần đây sau khi chính phủ Trung Quốc công bố một loạt biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt là thị trường bất động sản đang khủng hoảng - một thị trường tiêu thụ thép quan trọng.
Trung Quốc mua hơn 2/3 lượng quặng sắt của thế giới và nhu cầu của quốc gia này quyết định giá cả toàn cầu cũng như kế hoạch sản xuất của các công ty khai thác hàng đầu như BHP và Vale.
Giá quặng sắt năm nay đã vượt qua kỳ vọng do xuất khẩu thép của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến và nhu cầu ngày càng tăng từ các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sản xuất - phần nào bù đắp cho sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản.
Báo cáo nghiên cứu của BMI viết: “Khả năng giá sẽ tiếp tục phục hồi nhờ tâm lý tích cực được thúc đẩy bởi hy vọng Trung Quốc đại lục sẽ tăng cường kích thích kinh tế, tồn kho quặng ở các cảng biển giảm và nhu cầu mạnh mẽ từ các lĩnh vực phi tài sản của nước này, bao gồm máy móc, vận chuyển, ô tô và cơ sở hạ tầng”.
Các công ty khai thác mỏ lớn như Fortescue Metals Group Ltd và Mineral Resources tự tin về nhu cầu ổn định từ Trung Quốc đối với xuất khẩu quặng sắt của họ. Trong khi đó, Rio Tinto dự báo mức sản xuất thép của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Theo một số nhà phân tích, nhập khẩu quặng sắt năm 2023 của Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục, trong khi phần lớn những nhà phần tích khác cho rằng có thể đạt mức cao thứ hai kể từ năm 2020, khi sản lượng thép đạt đỉnh cao, 1,065 tỷ tấn.
Ngoài Trung Quốc, ngành khai thác mỏ cũng đang hướng tới nhu cầu thép ngày càng tăng của Ấn Độ và các thị trường tiềm năng ở Đông Nam Á như những nguồn nhu cầu thay thế cho Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu của CICC, nguồn cung quặng sắt đường biển toàn cầu có thể tăng tới 3,8% trong năm 2024. Nhưng các nhà phân tích nói thêm rằng nhu cầu bên ngoài Trung Quốc cũng đang tăng lên, dẫn đến cạnh tranh về vận chuyển.
David Cachot, giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie cho biết: “Bên ngoài Trung Quốc, nhu cầu quặng sắt vào năm 2024 dự kiến sẽ cải thiện, nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Ấn Độ và sự phục hồi sau 2 năm sụt giảm ở châu Âu”.
Giá cũng sẽ được hỗ trợ bởi nguồn cung dự báo sẽ tương đối khan hiếm trong năm tới.
Pei Hao, nhà phân tích của công ty môi giới quốc tế FIS, cho biết Trung Quốc cũng có thể chỉ thấy nguồn cung thép phế liệu tăng nhẹ trong năm tới. Ông lưu ý rằng các nhà máy Trung Quốc không có nhiều chính sách hỗ trợ để mua nhiều nguyên liệu hơn từ nước ngoài. Phế liệu là nguyên liệu chính trong sản xuất thép dựa trên lò hồ quang điện (EAF) và được sử dụng trong sản xuất thép dựa trên lò cao oxy (BF-BOF).
Các nhà phân tích dự đoán giá sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024 khi nhập khẩu dự kiến tăng lên và đặc biệt nếu Bắc Kinh quyết định hạn chế sản lượng thép. Commbank cũng lên tiếng thận trọng khi lưu ý rằng các biện pháp hỗ trợ trước đây của Chính phủ Trung Quốc không ngăn được sự thất bại của các công ty bất động sản như Country Garden.
Tham khảo: Investment, Reuters
Nhịp sống thị trường