MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá quặng sắt thấp nhất 7 tuần, dự đoán sẽ còn giảm nữa

06-06-2024 - 05:49 AM | Thị trường

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm 5 phiên liên tiếp, chạm mức thấp nhất 7 tuần do nhu cầu thép chững lại và dự kiến nhập khẩu sẽ tăng trong tháng 6.

Giá quặng sắt thấp nhất 7 tuần, dự đoán sẽ còn giảm nữa- Ảnh 1.

Phiên thứ Tư (5/6), giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc giảm 1,84% xuống 825 nhân dân tệ (113,86 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 16/4.

Trên Sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2024 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,21% xuống 106,35 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 11/4.

Thị trường lúc này tập trung chú ý vào các yếu tố cơ bản, với nguồn cung có thể sẽ duy trì ở mức cao trong tháng 6, trong khi sự lạc quan về nhu cầu tăng nhờ các gói kích thích kinh tế cũng giảm dần, cho thấy không có nhiều khả năng giá sẽ tăng do nhu cầu.

Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết, việc tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép và sản lượng kim loại nóng cùng giảm, trong khi tồn kho ở cảng tiếp tục tăng, khiến giá quặng chịu áp lực đi xuống.

Dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin Zhaogang cho thấy mức tiêu thụ các sản phẩm thép tấm cỡ trung, thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng giảm mạnh trong tuần này giảm mạnh hơn các tuần trước. Đồng thời, việc đình chỉ các hoạt động xây dựng để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia sắp tới ở nhiều thành phố của Trung Quốc cũng hạn chế nhu cầu thép. Nhìn chung, dữ liệu xấu hơn dự kiến khiến nhiều người cho rằng giá sẽ còn giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, nhà phân tích Cheng Peng của Sinosteel cho biết: “Một số nhà máy thép có thể quay trở lại dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong Lễ hội Thuyền rồng sắp tới sau khi giá giảm liên tục, điều này có thể hạn chế giá giảm mạnh”.

Thị trường tương lai Trung Quốc sẽ đóng cửa vào ngày 10/6 để nghỉ lễ.

Giá giảm bất chấp các động thái kích thích kinh tế ở Trung Quốc

Dự báo về triển vọng giá quặng sắt nhìn chung nghiêng về phía giảm bất chấp những bước đi gần đây nhất của nước này nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản - đang gặp khó khăn.

Một loạt các biện pháp kích thích được công bố vào đầu tháng 5/2024 sẽ giúp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, trị giá lên tới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) và nới lỏng các quy định thế chấp và cho phép chính quyền địa phương mua một số căn hộ để giải quyết các khoản nợ quá hạn.

Tuy nhiên, thị trường sắt thép Trung Quốc không vui mừng được lâu, giá quặng sắt kể từ đó đã giảm xuống.

Vấn đề đối với thị trường là việc hỗ trợ thêm cho lĩnh vực bất động sản sẽ chuyển thành nhu cầu thép tăng nhanh đến mức nào, từ đó sẽ tác động ra sao tới nhu cầu quặng sắt?

Điều đáng lo ngại là kể cả khi các biện pháp kích thích mới này cho kết quả thành công trong việc hồi sinh một lĩnh vực từng chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, thì sẽ phải mất ít nhất vài tháng, thậm chí có thể lâu hơn nữa để việc xây dựng nhà mới mới đủ mạnh để có thể thúc đẩy nhu cầu thép tăng mạnh.

Điều này có nghĩa là nhu cầu quặng sắt ở Trung Quốc, quốc gia mua gần 75% khối lượng vận chuyển bằng đường biển toàn cầu, sẽ phụ thuộc phần lớn vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, các thông tin về những lĩnh vực này lại trái ngược nhau, với một số khu vực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoạt động tốt, trong khi những khu vực khác tiếp tục gặp khó khăn.

Lợi nhuận công nghiệp trong tháng 4 tăng trưởng trở lại, tăng 4,0% sau khi giảm 3,5% trong tháng 3, đưa tổng lợi nhuận trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tăng lên khi sản lượng công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ trong tháng 4, phần lớn là nhờ xuất khẩu mạnh mẽ.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ vẫn yếu, chỉ tăng 2,3% trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 12, trong khi tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 giảm hơn dự kiến ​​xuống 730 tỷ nhân dân tệ, giảm từ mức 3,09 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 3.

Giá quặng sắt thấp nhất 7 tuần, dự đoán sẽ còn giảm nữa- Ảnh 2.

Diễn biến giá và nhập khẩu quặng sắ của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024.

Triển vọng giá không lạc quan vì các yếu tố cơ bản không thuận lợi

Các tín hiệu kinh tế không chắc chắn có nghĩa là thị trường quặng sắt có thể sẽ chịu tác động nhiều hơn từ các yếu tố cơ bản (cung – cầu), mà bức tranh này còn lâu mới lạc quan.

Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tháng 5 ước tính ổn định so với tháng 4, theo Kpler sẽ ở mức 101,48 triệu tấn, so với con số chính thức của tháng 4 là 101,82 triệu tấn.

Tuy nhiên, bên trong khối lượng ổn định đó có một số tín hiệu giảm giá, với tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc tăng, công ty tư vấn SteelHome cho biết đã đạt 144,65 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 24 tháng 5. Con số này tăng so với mức 144,50 triệu của tuần liền trước và gần với mức cao nhất 2 năm, là 145,15 triệu đạt được trong tuần tính đến ngày 10 tháng 5.

Điều đáng chú ý là dự trữ quặng sắt theo mùa thường giảm trong quý 2 do các nhà máy thép thường tăng sản lượng trước giai đoạn xây dựng cao điểm vào mùa hè.

Nhưng sản xuất thép vẫn yếu, với sản lượng thép thô giảm xuống 85,94 triệu tấn trong tháng 4, giảm 2,6% so với tháng 3 và 7,2% so với tháng 4 năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc sản xuất 343,67 triệu tấn thép, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng tháng 5 ước tính phục hồi khi các nhà máy tăng sản lượng với kỳ vọng nhu cầu mùa hè mạnh lên, nhưng liệu điều đó có đủ để khơi dậy sự lạc quan mới về quặng sắt hay không?

Trung Quốc tăng sản lượng quặng sắt nội địa

Trung Quốc, nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới và nhập khẩu hơn 2/3 nhu cầu mặt hàng này, đặt mục tiêu sản xuất 370 triệu tấn quặng sắt trong nước vào năm 2025 để giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép này.

Dữ liệu từ Hiệp hội Mỏ luyện kim Trung Quốc (MMAC) cho thấy, nước này đã sản xuất 72,07 triệu tấn quặng sắt trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng 4% so với năm ngoái. MMAC không đưa ra tổng sản lượng của năm 2023, nhưng theo một thông tin của hãng CISA công bố cuối tháng 4 thì tổng sản lượng quặng sắt của nước này năm 2023 tăng 4,1% lên 298,34 triệu tấn.

CISA dự báo sản lượng quặng sắt của Trung Quốc sẽ tăng 5 đến 10 triệu tấn trong năm 2024 so với năm 2023.

Dự án quặng sắt khổng lồ Simandou ở Guinea, được coi là mỏ quặng sắt mới lớn nhất và cao cấp nhất thế giới, sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2025 và sẽ bổ sung sản lượng hàng năm khoảng 120 triệu tấn quặng sắt chất lượng cao khi đạt đến công suất tối đa sau đó.

CISA cho biết thêm: “Dù trong ngắn hạn hay trung và dài hạn, nguồn cung quặng sắt toàn cầu sẽ tương đối đủ và không có cơ sở để giá quặng sắt tăng cao trong tương lai”.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên