Giá quặng sắt Trung Quốc tăng ‘điên cuồng’, vượt 1.000 CNY/tấn
Những con tàu đang chờ bốc xếp quặng sắt tại bến tàu Fortescue ở Cảng Hedland, vùng Pilbara, miền Tây Australia (nguồn: Reuters)
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc gần đây liên tục tăng vùn vụt do nguồn cung eo hẹp trong khi nhu cầu tăng rất mạnh.
Phiên 11/12 giá tăng gần 10% lên vượt 1.000 CNY (152,95 USD)/tấn lần đầu tiên trong lịch sử do lo ngại nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thép tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bùng nổ.
Trong phiên này, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 – đang được giao dịch nhiều nhất – trên sàn Đại Liên có thời điểm tăng 9,9% lên 1.042 CNY/tấn, lúc đóng cửa vẫn còn tăng 4,4% so với phiên liền trước, và tính chung cả tuần tăng 6,4%, là tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Trong vòng một tháng qua, giá quặng sắt đã tăng 25%, còn so với thời điểm này năm ngoái thì hiện cao hơn 65%.
Trong khi đó, giá quặng sắt Australia (quặng 62%) nhập khẩu vào Trung Quốc đã lên tới 156,58 USD/tấn, còn quặng 65% của Brazil đạt trên 170 USD/tấn. Đây là những mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2013. Tính từ đầu năm đến nay, giá 2 loại quặng này đã tăng khoảng 70%.
Các nhà kinh doanh quặng sắt ở Trung Quốc cho biết, bất cứ sự gián đoạn nào vè nguồn cung sẽ đều gây ảnh hưởng rất lớn bởi nhu cầu trên thi trường này hiện đang rất mạnh.
Trong khi đó, từ tháng 12 đến cuối tháng 2 là mùa bão ở Australia, có thể ảnh hưởng đến sản lượng của nước này.
Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang bùng nổ và xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11 tăng mạnh nhất trong gần ba năm do nhu cầu trên toàn cầu tăng mạnh đối với các thiết bị nặng - bằng thép. Nhu cầu nội địa ở Trung Quốc cũng tăng cao do các chương trình kích thích kinh tế hướng vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở.
Nhu cầu đó vượt qua cả dự báo của nhiều hãng sản xuất thép, khiến ngành thép Trung Quốc đang phải chật vật để đáp ứng đủ nhu cầu. Lượng thép thành phẩm trong các kho trữ ở Trung Quốc đã giảm gần 38% kể từ tháng 9 đến nay.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng 13%, và với đà này, sản lượng cả năm 2020 sẽ tăng ít nhất 6%, sau khi đã tăng 8% trong năm 2019.
Sản lượng thép của các quốc gia khác trên thế giới cũng đang hồi phục sau cú sốc Covid-19, hiện đã đạt mức tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, vấn đề nguồn cung quặng sắt ngày càng trở nên đáng lo ngại. Ngành thép Trung Quốc giờ chỉ mong muốn mặt hàng quặng sắt không nằm trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia – đang ngày càng căng thẳng, đã khiến nhiều mặt hàng như thịt bò và một số sản phẩm khác bị ảnh hưởng.
Được biết, hơn 60% lượng quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Australia.
Trong khi đó, công ty Vale của Brazil đang rất khó khăn trong việc khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất sau vụ võ đập khiến cho xuất khẩu quặng sắt từ nước này giảm xuống dưới 30 triệu tấn lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Mục tiêu của Vale đưa ra cho năm 2020 là sản xuất hơn 310 triệu tấn quặng sắt, nhưng gần như chắc chắn sẽ không đạt, mà có thể chỉ khoảng 300 – 305 triệu tấn.
Bất chấp nguồn cung từ Brazil và Australia nhiều lúc bị gián đoạn, nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm nay vẫn tăng khoảng 8% và dự báo sẽ tăng khoảng 12% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với 2019.
Với việc kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục hồi phục khi các vắc xin phòng Covid-19 phát huy hiệu quả và khả năng Mỹ sẽ bổ sung các chương trình kích thích kinh tế, quặng sắt sẽ có cơ hội giữ giá ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng hơn nữa.
"Với việc giá thép vẫn ổn định và lượng thép tồn kho (cả trong giới thương nhân và nhà máy thép) chỉ tăng ở mức khiêm tốn, có vẻ như nhu cầu thép sẽ vẫn hỗ trợ cho giá quặng sắt ít nhất là trong nửa đầu năm 2021", ngân hàng Westpac của Austalia nhận định.
Westpac mới đây đã nâng dự báo về giá quặng sắt thế giới năm 2021 và 2022. Theo đó, dự báo giá quặng sắt ở thời điểm tháng 3/2021 sẽ đạt 130 USD/tấn (trước đây dự báo là 105 USD/tấn), cuối năm 2021 sẽ đạt 112 USD/tấn (trước đây dự báo là 90 USD/tấn), và cuối năm 2022 sẽ ở mức 100 USD/tấn (so với dự đoán trước là 85 USD/tấn).
Tuy nhiên, thị trường sắt thép cũng có yếu tố tác động tiêu cực, đó là cuộc chiến thương mại giữa Canberra và Bắc Kinh, đồng thời sẽ có thêm nguồn cung mới từ những nơi khác, bao gồm dự án quặng sắt khổng lồ Simandou ở Guinea, Châu Phi.
Tham khảo: Reuters, Fxstreet, Mining