Giá rẻ cùng thuế nhập khẩu 0%, ô tô Thái Lan ồ ạt đổ bộ Việt Nam trong năm 2023
Xe có xuất xứ từ Thái Lan chiếm gần 1 nửa tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam năm 2023.
- 19-01-2024BYD chính thức 'ra quân' tại Indonesia: chơi lớn giới thiệu đồng thời 3 mẫu xe điện, đối thủ cứng của VinFast VF 6 và VF 7
- 19-01-2024Xe máy điện 'made in Vietnam' Dat Bike tung phiên bản 'Rồng' đón Tết: chỉ giới hạn 100 chiếc, giá bán gần 53 triệu đồng
- 18-01-2024'Ông trùm' xe tải tại Việt Nam trình làng mẫu SUV có khả năng 'biến hình' thành bán tải, sở hữu công nghệ vệ tinh phủ sóng toàn cầu
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 118.942 ô tô nguyên chiếc, giá trị kim ngạch đạt 2,83 tỷ USD. So với 173.467 chiếc với tổng kim ngạch 3,84 tỷ USD của 2022, xe nhập khẩu năm vừa qua đã giảm mạnh 31,5% về lượng và giảm 26,3% về giá trị.
Về cơ cấu nguồn gốc của xe nhập khẩu, Thái Lan đã vươn lên giành lấy ngôi đầu của Indonesia trong năm 2023. Theo đó, ô tô sản xuất tại Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam với 53.942 xe với giá trị kim ngạch hơn 1,14 tỷ USD (giảm 25,1% về lượng và giảm 20,3% về giá trị kim so với 2022).
Lượng xe nhập từ Thái Lan chiếm 45,35% về lượng và chiếm 40,46% về giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước. Giá trị đơn chiếc trung bình của xe nhập khẩu từ Thái Lan là xấp xỉ 21.100 USD/chiếc (khoảng 520 triệu/chiếc).
Một số mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan được người Việt quan tâm như: Toyota Corolla Cross, Camry, Corolla Altis, Fortuner (một số phiên bản), Ford Everest, Honda HR-V, Civic, Mazda 2, CX-30, CX-3, Forester Subaru...
Indonesia bị tụt xuống vị trí thứ hai với 42.676 xe và kim ngạch 607,55 triệu USD (tương đương giảm 41,2% về lượng và giảm 42,1% về giá trị so với năm 2022).
Về thị phần, xe nhập khẩu từ Indonesia chiếm 35,88% về lượng và chiếm 21,47% về giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam. Giá trị đơn chiếc trung bình khá thấp, chỉ xấp xỉ 14.200 USD/chiếc (khoảng 350 triệu/chiếc)
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia bị sụt giảm một phần đến từ việc các hãng xe đã đưa một số dòng xe bán chạy về lắp ráp trong nước, ví dụ như Toyota Veloz Cross hay Hyundai Creta. Còn lại một số mẫu xe vẫn đang được nhập khẩu từ xứ sở vạn đảo như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Toyota Yaris Cross, Innova Cross, Wigo,... hay mới đây nhất là Mitsubishi Xforce.
Ô tô sản xuất tại Trung Quốc đứng thứ ba với 11.002 xe, kim ngạch 394,2 triệu USD (giảm 36,5% về lượng và 44,8% về giá trị so với 2022). Xe Trung Quốc chiếm 9,25% về lượng và chiếm 13,93% về giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước.
Khác với hai quốc gia ở trên, xe nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu xe tải, xe chuyên dụng nên có giá trị đơn chiếc khá cao, trung bình là 35.800 USD/chiếc (khoảng 880 triệu/chiếc).
Có thể thấy, 3 quốc gia lân cận là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc đã chiếm tới 90,48% tổng lượng ô tô nhập khẩu của cả nước trong năm 2023. Còn lại 9,52% thuộc về một số nước khác như Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,...
Giá rẻ là một lợi thế rất rõ ràng của ô tô nhập khẩu Thái Lan và Indonesia. Các loại ô tô nhập khẩu từ hai nguồn cung này đủ điều kiện về nội địa hóa đều được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Do vậy, từ thời điểm thuế nhập khẩu ô tô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á giảm về 0%, hàng loạt hãng xe đã chuyển sang nhập khẩu Thái Lan và Indonesia thay vì tiếp tục lắp ráp trong nước, biến thị trường Việt Nam thành đích tiêu thụ sản phẩm.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng xe ô tô được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ước năm 2023 đạt 347.400 chiếc, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong năm 2023 vừa qua, có tổng cộng khoảng 466.342 chiếc xe mới được bổ sung cho thị trường ô tô Việt Nam. Trong đó xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 74,5%; còn lại 22,5% là xe nhập khẩu.
Nhịp sống thị trường