MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá sắt thép phế liệu thế giới tăng cao kỷ lục do nhu cầu mạnh

24-05-2021 - 17:36 PM | Thị trường

Giá sắt thép phế liệu thế giới tăng cao kỷ lục do nhu cầu mạnh

Do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu mạnh trên khắp toàn cầu khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19, giá thép phế liệu nói riêng và kim loại phế liệu nói chung đã tăng mạnh trong thời gian qua, hiện ở mức cao kỷ lục.

Sau một năm kinh doanh khó khăn, ngành phế liệu thép đang bước vào giai đoạn bùng nổ khi giá sắt thép tăng vọt kéo giá phế liệu tăng theo.

Công ty kim loại phế liệu Australia, Total Auto Recyclers đang báo giá với các khách hàng của mình mức tăng vọt, trong bối cảnh các chuyên gia trong ngành cho biết giá sẽ chưa thể hạ xuống ít nhất trong ngắn hạn.

Năm ngoái, giá phế liệu kim loại do Total Auto Recyclers báo ra trung bình là 425 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của 10 năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá đã lên tới 554 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá thép phế liệu cũng tăng mạnh. Kết quả khảo sát mới nhất của Mysteel cho thấy, giá thép phế ở hầu hết các khu vực trên khắp châu Á đã tăng trở lại trong tuần từ ngày 7 – 14/5/2021 do nhu cầu ổn định ở mức cao. Theo đó, chỉ số giá thép phế liệu do Mysteel công bố trong tuần 7 - 14/5/2021 tăng 460,CNY/tấn (71,5 USD/tấn) lên 4.043,3 CNY/tấn (đã bao gồm 13% VAT), do nguồn cung phế liệu thép trên thị trường hiện không có nhiều.

Giá thép phế của Nhật cũng tăng do nhu cầu mạnh từ Hàn Quốc. Theo Fastmarkets, mặc dù giá sắt thép ở Trung Quốc tuần qua giảm nhưng giá ở Nhật Bản vẫn tăng ở tất cả các chủng loại.

Tokyo Steel tuần qua đã nâng giá chào mua phế liệu trong nước thêm 1.000 – 1.500 JPY (9,18 – 13,77 USD)/tấn cho tất cả các nhà máy của mình.

Trong tuần tới 19/5, một công ty lớn của Hàn Quốc mua khối lượng lớn thép phế liệu Nhật Bản kỳ hạn giao trong 6 tháng cuối năm nay với giá 45.000 – 50.000 JPY (459 USD)/kg, FOB Nhật Bản, trong khi một nhà máy khác của Hàn Quốc mua với giá 55.000 JPY/tấn thép phế liệu vụ và 55.500 – 56.000 JPY/tấn thép phế liệu tấm (HS) (giá FOB).

Khách hàng Hàn Quốc luôn ưa chuộng phế liệu thép của Nhật bởi chất lượng cao. Fastmarkets cũng cho biết nhu cầu nhập khẩu phế liệu của Hàn Quốc dự báo sẽ còn tiếp tục tăng bởi "nhu cầu rất mạnh" đối với một số chủng loại thép.

Tuy nhiên, ở thị trường Đài Loan, giá phế liệu thép bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Số liệu từ Fastmarkets công bố cho thấy giá thép phế liệu đóng trong container, loại HMS 1 & 2 (80:20) của Mỹ, cfr cảng chính của Đài loan hôm 21/5 là 465-470 USD/tấn, giảm khoảng 5 – 109 USD/tấn so với ngày 20/5 và giảm khoảng 10 USD/tấn so với mức 475-480 USD/tấn hôm 7/5.

Sau những động thái quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường sắt thép, giá sắt thép tại Trung Quốc bắt đầu dần. Và từ ngày 19/5, trên thị trường nguyên liệu thép Trung Quốc vắng bóng người mua bởi đa số các khách hàng chờ đợi giá giảm hơn nữa mới mua vào.

Giá chào của người bán từ chỗ ở mức 480 – 485 USD/tấn hôm 15/5 (cfr Đài Loan) giảm xuống 465-470 USD/tấn cfr Đài Loan hôm 21/5. Đa số các hợp đồng giao dịch trong khoảng thời gian này chốt ở mức giá 476-480 USD/tấn cfr Đài Loan.

Tuy nhiên, trên thị trường Đài Loan, một nhà máy thép lớn vẫn nâng giá thu mua phế liệu nội địa lên 600 đô la Đài Loan (21,45 USD)/tấn đối với phế liệu 3mm, và nâng giá phế liệu góc thép (busheling) lên 300 TWD/tấn.

Tuần qua, đã có khoảng 6.000 tấn phế liệu thép tấm & thép kết cấu (P&S) của Đài Loan đã được chào bán cho miền bắc Trung Quốc đại lục với giá 570 USD/tấn cfr, trong đó khoảng 3.000 tấn đã được chốt bán.

Nhìn chung, các nhà nhập khẩu phế liệu Châu Á vẫn muốn mua phế liệu xuất xứ Mỹ, nhất là trong bối cảnh phế liệu Nhật vẫn đang tăng lên.

Giá sắt thép phế liệu thế giới tăng cao kỷ lục do nhu cầu mạnh - Ảnh 1.

Nhu cầu phế liệu tăng mạnh

Trong khi nguồn cung kim loại phế liệu ngày càng bị thắt chặt trên khắp thế giới thì nhu cầu lại ngày càng mạnh mẽ.

Các công ty trên toàn cầu đang chạy đua với thời gian để bù đắp cho những tháng năm trì trệ và qua, từ đó đẩy nhu cầu kim loại phế liệu tăng mạnh.

Mấy tháng qua, các nước trên thế giới tích cực triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19. Điều đó, cộng với những chương trình kích thích kinh tế và thương mại gia tăng trên toàn cầu cũng tác động tích cực tới ngành kim loại phế liệu, giúp ngành này phục hồi nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Các ngành sản xuất sản phẩm từ điện tử đến thiết bị gia dụng đều chứng kiến nhu cầu tăng rất mạnh khi những chính sách chống Covid-19 dần được nới lỏng và người dân có xu hướng chi tiêu bù đắp cho những tháng kiềm chế vừa qua.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 76.250 tấn thép phế liệu trong tháng 4 vừa qua, tăng 67,5% so với tháng 3, trong đó 71% từ Nhật Bản (54.057 tấn).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kể từ khi Trung Quốc hạ thuế nhập khẩu phế liệu về 0, nhập khẩu phế liệu thép vào nước này đạt tổng cộng 131.606 tấn đã được nhập khẩu, tăng gấp nhiều lần so với 5.379 tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Tương tự xu hướng chung, nhập khẩu phế liệu sắt thép về Việt Nam trong quý I năm nay cũng tăng 3,5% về lượng, tăng 55,4% kim ngạch và tăng 50% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phế liệu sắt thép các loại trong tháng 3/2021 đạt 649.328 tấn, tương đương 262,41 triệu USD, giá trung bình 404,1 USD/tấn, tăng 70,9% về lượng, tăng 64,8% về kim ngạch nhưng giảm 3,5% về giá so với tháng 2/2021; so với cùng tháng năm 2020 thì tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 29,8%, 108,3% và 60,5%.

Tính chung cả 3 tháng đầu năm 2021 nhập khẩu phế liệu sắt thép đạt gần 1,44 triệu tấn, trị giá 569,42 triệu USD, giá trung bình 395,6 USD/tấn, tăng 3,5% về lượng, tăng 55,4% kim ngạch và tăng 50% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu từ Nhật Bản - thị trường lớn nhất trong 3 tháng đạt 613.670 tấn, tương đương 259,95 triệu USD, giá trung bình 423,6 USD/tấn, giảm 23,8% về lượng nhưng tăng 11,6% về kim ngạch và tăng 46,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 42,6% trong tổng lượng và chiếm 45,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Mỹ là thị trường lớn thứ 2 đạt 268.252 tấn, tương đương 106,98 triệu USD, giá 398,8 USD/tấn, chiếm gần 19% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng 41,1% về lượng, tăng 96,9% về kim ngạch và tăng 39,5% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Sau đó là thị trường Australia đạt 146.328 tấn, tương đương 61,96 triệu USD, giá 423,4 USD/tấn, tăng mạnh 285,8% về lượng, tăng 457,9% về kim ngạch và tăng 44,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Thực trạng nguồn cung phế liệu

Trong năm qua, ngành công nghiệp tái chế ô tô cũng phải đối mặt với thách thức giống như nhiều ngành công nghiệp khác. Đại dịch Covid-19 đã buộc các cảng phải đóng cửa, làm chậm lại dòng chảy thương mại quốc tế và những nhà cung cấp những mặt hàng không thiết yếu như sắt vụn cảm nhận ngay ảnh hưởng của sự cố này.

Đại dịch cũng làm ngưng trệ những hoạt động sản xuất các vật liệu mà quy trình sản xuất tạo ra phế liệu, chẳng hạn như chất bán dẫn, chuỗi cung ứng ô tô…

Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt ở Mỹ cũng đồng nghĩa với việc ngành kim loại có nhiều thời gian phải tạm dừng sản xuất.

Ngay tại chính những nước xuất khẩu phế liệu lớn, nguồn cung cũng trở nên khan hiếm, buộc họ phải hạn chế xuất khẩu.

Malaysia từ 19/3 đã áp dụng thuế suất 15% đối với phế liệu sắt xuất khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép địa phương khi họ rất cần nguồn nguyên liệu thô.

Mới đây nhất, ngày 21/5, Nga thông báo có thể tăng thuế xuất khẩu đối với phế liệu kim loại đen lên 5% nhưng không thấp hơn 90 euro/tấn, từ mức 45 euro/tấn hiện nay, trong thời gian 180 ngày.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nga, Viktor Yevtukhov, cho biết động thái này "Có tính đến xu hướng tăng trên toàn cầu. Chúng tôi tin rằng việc đặt thuế hải quan đối với xuất khẩu phế liệu kim loại đen từ Liên bang Nga sang các nước không phải là thành viên của EAEU ở mức 5% nhưng không thấp hơn 90 euro là rất hợp lý. Khoảng thời gian áp thuế mới 180 ngày nhằm ổn định giá phế liệu kim loại đen và ngăn chặn đà tăng giá tiếp theo đối với các sản phẩm thép trên thị trường Nga".

Lần Nga tăng thuế gần đây nhất là ngày 31/1/2021, khi đó thuế được nâng lên mức 5% nhưng không thấp hơn 45 euro/tấn, cũng áp dụng trong 180 ngày.

Tình hình logistics kim loại phế liệu

Về logistic, những tuyến đường thương mại mới được mở ra, trực tiếp hơn, nhanh hơn để vận chuyển kim loại phế liệu từ người bán đến người mua với chi phí thấp hơn.

Trong khi việc vận chuyển kim loại phế liệu từ Australia với Trugn Quốc trước đây mất 30 ngày thì các tuyến đường mới dự kiến sẽ giúp giảm thời gian xuống còn 13 ngày.

Mặc dù người mua kim loại phế liệu có thể đang gặp khó khăn do giá mặt hàng này tăng, song đang là thời điểm tốt cho người bán. Đã đến lúc hãy loại bỏ những thứ đồ cũ không còn sử dụng được như ô tô hỏng… để tận dụng cơ hội bán kim loại vụn với giá cao.

Tổng hợp từ các nguồn: Mysteel, Metalbulletin, PRNewswire, Spglobal

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên