Giá sầu riêng cao ngất ngưởng dù xuất sang Trung Quốc chưa bao nhiêu
Người tiêu dùng khó có cơ hội ăn sầu riêng giá rẻ khi mặt hàng này cung vẫn chưa đủ cầu, bất chấp nhiều cảnh báo về việc diện tích sầu riêng tăng nhanh gần đây
- 03-10-2022Phòng tránh hành vi gian lận nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà biếu, tặng
- 03-10-2022Trung Quốc đang tích cực bán dầu cho châu Âu
- 02-10-2022Xe điện có bền như xe chạy xăng?
Ghi nhận thị trường TP HCM những ngày gần đây mặt hàng sầu riêng không có nhiều, chỉ được bán ở một số điểm có thế mạnh về mặt hàng này. Giá bán lẻ sầu riêng nguyên trái hiện ở mức phổ biến từ 120.000 – 150.000 đồng/kg; cơm sầu riêng tươi ở mức từ 450.000 – 550.000 đồng/kg - mức giá không dành cho người có thu nhập thấp.
Trên nhóm "Hội trồng sầu riêng Đắk Lắk" với gần 50.000 thành viên trên mạng xã hội, các vườn chào giá sầu riêng đẹp tại vườn lên đến 80.000 đồng/kg (giá sỉ), các vườn khác chất lượng thấp hơn cũng rao giá từ 65.000 đồng/kg trở lên.
Sầu riêng tiếp tục đắt đỏ
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng cho biết hiện ở vùng thu hoạch chính tại Đắk Lắk và một số vùng trồng nghịch vụ tại Cái Bè (Tiền Giang), Châu Thành (Bến Tre), giá mua tại vườn từ 65.000 – 85.000 đồng/kg. So với cách đây gần 2 tháng, sầu riêng đã tăng giá thêm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xác nhận thông tin giá sầu riêng đang cao ngất ngưởng và dự báo trong vài năm tới giá sầu riêng khó giảm.
"Giá thấp cũng ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg, khó bị dội chợ, rơi xuống vài ngàn đồng/kg như thanh long. Lý do là sầu riêng có rải vụ quanh năm khi miền Tây (ĐBSCL) sầu riêng sớm tháng 1, 2 đã có – đến tháng 3-5 chính vụ. Khi ĐBSCL hết chính vụ thì lại đến miền Đông Nam Bộ rồi đến Tây Nguyên. Do hàng không rộ mùa nên không gặp áp lực về tiêu thụ cùng một lúc. Ngoài ra, sầu riêng còn có thể cấp đông, chế biến thành nhiều món ăn có giá trị cao nên không bị áp lực bán tươi" – ông Nguyên phân tích.
Sầu riêng Musang King nguyên trái có giá 500.000 đồng/kg
Về thị trường Trung Quốc, ông Nguyên cho hay sản lượng xuất khẩu chính ngạch còn rất nhỏ, chỉ khoảng vài trăm tấn trong khi nhu cầu thị trường này rất lớn. Khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam với đối thủ Thái Lan khá tốt nhờ hàng có quanh năm, vận chuyển gần với chi phi phí thấp hơn. Ngoài Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khác như: Mỹ, Úc, Nhật Bản,… và tiềm năng thị trường vẫn còn lớn.
Theo Cục Trồng trọt, cả nước hiện có khoảng 85.000 ha trồng sầu riêng với hơn 50% đã cho thu hoạch, tổng sản lượng sầu riêng cả nước là hơn 670.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích sầu riêng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ lệ rất thấp. Dù vậy, qua đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu của đối tác Trung Quốc lên đến 1,3 triệu tấn/năm cho thấy nguy cơ cung vượt cầu vẫn còn xa. Tuy nhiên, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn phải nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng quy định thị trường để bảo đảm phát triển bền vững.
NLĐ