Giá sầu riêng ở Cần Thơ 'hạ nhiệt'
Hiện sầu riêng ở Cần Thơ đang bước vào vụ thu hoạch. So với cách nay 20 ngày, giá sầu riêng đã giảm một nửa nhưng theo các nhà vườn hiện giá bán vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và người trồng sầu riêng vẫn có lợi nhuận. Giá sầu riêng tăng, giảm cũng xảy ra một số bất cập trong mua, bán sầu riêng giữa nhà vườn và thương lái.
- 13-04-2024Cà phê tăng giá, doanh nghiệp 'bấm bụng' chịu lỗ
- 12-04-2024Châu Âu săn lùng loại gia vị đắt thứ 3 thế giới từ Việt Nam: Thu gần 5 triệu USD trong quý 1, trồng trên 3 năm mới cho thu hoạch
- 10-04-2024Giá sầu riêng giảm mạnh, nhà vườn vẫn lãi
Quả đủ tuổi, đẹp, tròn, đều hộc, sầu riêng Ri6 của anh Chương Văn Tuấn, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền được thương lái thu mua giá 65.000 đồng/kg. Với giá bán này, theo anh Tuấn đã giảm so với đầu tháng.
Tuy nhiên, anh vẫn phấn khởi vì dù sầu riêng "tuột giá" nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo anh Tuấn tính toán, vườn sầu riêng 1.500 m2 mới năm đầu cho thu hoạch đã đạt 2 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, anh Tuấn lãi 100 triệu đồng.
Theo các nhà vườn ở Phong Điền, đầu tháng 4, giá sầu riêng được thương lái mua "xô" tại vườn có giá 110.000 đồng - 120.000 đồng/kg sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong có giá 170.000 - 180.000 đồng/kg. Hiện sầu riêng không còn sốt giá cao nhưng với mức giá dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, người trồng sầu riêng vẫn có lời.
Bà Võ Thị Chi, xã Nhơn Ái có 2.800 m2 trồng được 75 cây sầu riêng Ri6. Cuối tháng 3, thương lái thu mua sầu riêng của bà Chi với giá 90.000 đồng/kg.
Theo bà Chi, thời điểm sầu riêng của gia đình đủ tuổi bán là lúc sầu riêng chưa vào vụ nên được giá cao. Với giá bán 90.000 đồng/kg, sầu riêng của bà được mua cao hơn các vườn khác khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg vì quả to nhiều (từ 5kg/quả trở lên).
Ngoài bán nghịch vụ, nhờ năm nay sầu riêng đạt, sản lượng cao 10,2 tấn nên bà Chi lợi nhuận trên 800 triệu đồng. Trong khi đó, vườn sầu riêng Ri6 của em trai bà Chi vừa được thương lái thu mua với giá 75.000 đồng/kg. Nhờ biết cách chăm sóc, tiết kiệm chi phí, sầu riêng cho năng suất cao nên 1ha sầu riêng của em trai bà Chi cũng lợi nhuận cao.
Theo nhà vườn, khoảng 20 ngày trước, sầu riêng chưa vào vụ nên các vườn được thương lái "săn đón" tấp nập mỗi ngày. Giá sầu riêng cũng vì thế mà được "đẩy" tăng mạnh. Tuy nhiên, khi sầu riêng vào vụ, xảy ra tình trạng thương lái "bỏ cọc", "ép giá" nông dân.
Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho biết, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng của người dân, khi này thương lái sẽ đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với người dân. Khi đến ngày thu hoạch thương lái sẽ cắt trái đủ với số tiền đặt cọc, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá. Nếu nhà vườn không bán thì thương lái không mua nữa.
"Nếu sầu riêng đã cắt một đợt trái mà muốn bán cho thương lái khác thì giá lại tiếp tục giảm so với giá đã thỏa thuận trước đó. Như vậy, thua thiệt tiếp tục thuộc về người dân, điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà vườn", ông Hoảnh cho biết.
Do đó, các nhà vườn chủ yếu bán theo thỏa thuận, chốt giá trước ngày cắt khoảng 5 - 10 ngày và nhận cọc mức giá cao để tránh thương lái "bẻ kèo".
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, để tránh tình trạng thương lái ép giá, bỏ cọc giữa chừng, khi chốt giá với thương lái, ông sẽ nhờ giám đốc Hợp tác xã và cán bộ xã làm chứng. Ngoài ra, để chắc chắn thương lái không bỏ cọc, ông Thọ tính toán sẽ nhận cọc với giá cao, mỗi tấn khoảng 50 triệu đồng.
Thành phố Cần Thơ hiện có gần 5.000 ha trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu tại huyện Phong Điền với trên 3.500 ha. Cần Thơ hiện có 42 mã số vùng trồng được cấp với tổng diện tích 953,77 ha tập trung tại huyện Phong Điền, Ô Môn và Thới Lai; trong đó, có 37 mã số với diện tích trên 887 ha được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại 5 mã số với diện tích 175 ha đã được cấp mã số nội địa, đang chờ nước nhập khẩu cấp mã số xuất khẩu.
Thời gian qua, việc liên kết tiêu thụ sầu riêng vẫn được ngành chức năng Cần Thơ đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã, nông dân. Tuy nhiên, thực tế, mối liên kết vẫn còn lỏng lẻo.
Theo ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, vì luật không cấm vùng trồng được cấp mã số thì không được bán cho thương lái bên ngoài. Nên thời gian qua, ở Cần Thơ vẫn xảy ra tình trạng nông dân vì lợi nhuận vẫn bán sầu riêng được cấp mã số vùng trồng cho thương lái trả giá cao hơn. Ngoài ra, còn có trường hợp doanh nghiệp thiếu hàng sẽ vào vườn sầu riêng chưa đủ tuổi "cắt đại" nâng giá lên để mua đủ hàng.
Vì thế, nếu sầu riêng xuất khẩu chính ngạch phải có hợp đồng giữa doanh nghiệp và người dân ngay từ đầu. Nếu không, khi giá cao, nông dân sẽ "bẻ kèo" bán sầu riêng cho người khác; doanh nghiệp có thể sẽ "ép giá" nếu giá sầu riêng hạ.
Thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Cần Thơ là từ cuối tháng 3/2024 đến 7/2024. Năm 2024, ước sản lượng sầu riêng ở Cần Thơ cung ứng ra thị trường trên 30.000 tấn, chủ yếu là sầu riêng Ri6.
Báo Tin tức