Gia tăng lao động mất việc, bỏ nghề
Ba tháng đầu năm 2023, lĩnh vực bán lẻ, bất động sản (BĐS), sản xuất chứng kiến “làn sóng” cắt giảm lao động, giờ làm. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu; doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất thận trọng với chiến lược kinh doanh, thu hẹp quy mô hoạt động; môi giới BĐS chán nản bỏ nghề hàng loạt.
- 05-05-2023Cứ 10 thanh niên có 1 thanh niên thất nghiệp
- 07-03-2023Tỉnh có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và thấp nhất Việt Nam
- 19-02-2023TP HCM: Lao động có trình độ nghề thất nghiệp thấp
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động có quý thứ 2 liên tiếp cắt giảm lượng lớn lao động. Lợi nhuận quý 1 của doanh nghiệp này cũng thấp nhất trong 1 thập kỷ. Lợi nhuận sau thuế giảm 97%, chỉ còn 20,7 tỷ đồng.
Kinh doanh gặp khó, quy mô nhân sự của Thế giới di động lập tức bị thu hẹp đáng kể. Quý 1/2023, hơn 5.200 lao động bị cắt giảm việc làm. Qua nửa năm, nhân sự biến động giảm hơn 12.000 người. Thế nhưng, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Thế giới di động cho biết, chưa từng có chủ trương thực hiện kế hoạch sa thải nhân viên. Vị đại diện doanh nghiệp khẳng định, biến động hàng nghìn nhân viên trong một tháng với Thế Giới Di Động là tự nhiên, hoàn toàn bình thường. Số lao động được thống kê bao gồm cả cộng tác viên, nhân viên thời vụ. Doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển thêm 2.500 nhân viên cho hệ thống Bách hóa Xanh.
“Những năm trước, số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới, tuy nhiên, do tình hình kinh tế và sức mua giảm sút từ thời điểm cuối năm ngoái tới đầu năm nay, chúng tôi tạm ngừng tuyển dụng thay thế”, đại diện doanh nghiệp thông tin.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1 vừa qua, cả nước có gần 150.000 lao động bị mất việc (chưa tính 300 ngàn lao động bị giãn, giảm việc).
Làn sóng sa thải nhân viên địa ốc cũng tiếp tục kéo dài khi thị trường BĐS chưa phục hồi. Loạt doanh nghiệp BĐS lớn cắt giảm lao động ở nhiều vị trí, từ môi giới kinh doanh, truyền thông cho đến cả công nghệ thông tin. Tại Vinhomes, hơn 1.500 nhân sự bị cắt giảm. Đất Xanh giảm 1.384 lao động, Phát Đạt giảm 111 nhân sự...
Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS hiện đang gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, có doanh nghiệp giảm đến 50% số lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho hay, trong quý 1/2023 đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động kéo theo hàng nghìn lao động mất việc. Trên thị trường hiện nay đang chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên nhiều nhất từ trước tới giờ, với hàng nghìn nhân sự, chủ yếu thuộc bộ phận kinh doanh, môi giới.
Theo ông Đính, thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực để cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn, tức chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án ghi nhận tỉ lệ cắt giảm 20-25% nhân sự cùng với giảm lương theo cấp bậc.
Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Xoay trở qua khe cửa hẹp
Bị sa thải do công ty thiếu việc làm từ hồi cuối năm 2022 đến nay, nhưng nhiều lao động tại TPHCM vẫn chưa tìm được “bến đỗ” mới. Để mưu sinh, họ bươn chải bằng nhiều nghề thời vụ.
Thoăn thoắt gọt những trái thơm một cách thành thục tại một quầy hàng rau trong chợ Phú Lâm (quận 6), anh Lê Văn Tình (35 tuổi, quê Bến Tre) cười hiền lành cho biết: “Lúc trước tôi không biết nghề này đâu, nhưng gần một năm qua, ngày nào cũng gọt cả trăm trái thơm nên quen tay, quen việc”. Anh Tình vốn là công nhân công ty sản xuất mì ăn liền hiệu Mama nhưng thất nghiệp từ giữa năm 2022.
Sau nhiều tháng xin việc tại nhiều công ty khác ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) không thành, anh quyết định ra chợ xin làm bốc vác, phụ sơ chế rau củ… “Tôi làm việc suốt ngày vì đây là sạp rau sỉ lẻ nên hầu như không ngơi tay, ăn ngủ đều tranh thủ chứ không có giờ giấc cố định. Việc nhiều nhưng thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, không được đóng BHXH, BHYT… Nhiều lúc muốn tìm việc khác nhưng lao động phổ thông lúc này gần như không có DN tuyển dụng”, anh Tình bộc bạch.
Cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, quý 1/2023, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp, 150 nghìn lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc.
Cũng gặp khó khi không thể xin được sau khi bị Công ty Tỷ Hùng sa thải, chị Lâm Thị Hương Giang (quê Phú Yên) gom hết tiền mua chiếc xe bánh mì cũ rồi đứng ở một góc chợ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) bán suốt buổi sáng. “Do mới ra bán nên chưa có nhiều khách, mỗi ngày chỉ được hơn chục ổ bánh mì. Tôi nấu thêm 2 kg xôi để đa dạng hơn. Mỗi món ăn có giá 15.000 đồng, chủ yếu phục vụ công nhân, người lao động, kiếm được 50.000 đồng/ngày lo tiền cơm nước hằng ngày”, chị Giang nghèn nghẹn nói.
Mong muốn của nữ công nhân này là muốn tìm việc liên quan đến gia công giày dép, nghề trước đây chị đã từng làm ở công ty cũ. Theo lời chị Giang, dệt may, da giày đều gặp khó vì không có đơn hàng xuất khẩu, muốn tìm việc làm khác thì lại không có tay nghề.
Dù đã cố gắng hết sức tìm đơn hàng để giữ việc cho lao động, vậy nhưng từ tháng 7/2022 đến nay, Công ty TNHH Đại Thành Huy chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu sang châu Âu vẫn buộc phải tạm hoãn hợp đồng với khoảng 100 công nhân. Mất việc tạm thời nên phần lớn công nhân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người phải bán vé số để mưu sinh.
Ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, trong quý 1/2023, số lượng người lao động nộp hồ sơ nhận BHTN là 30.317 người, giảm 7% so với quý 1/2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 29.853 người; số người đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 27.411 người.
Uyên Phương
Sáng 8/5, tại Bảo hiểm xã hội TPHCM, khá đông lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tìm việc làm mới. Anh Hoàng Văn Minh (48 tuổi, công nhân một công ty chuyên may đồ bảo hộ xuất khẩu ở quận 12) thở dài, vì nhiều tháng qua công việc bấp bênh, thu nhập giảm. “Không thể tăng ca nên lương chỉ 4 triệu đồng/tháng, cầm cự hết khả năng, tôi đành nghỉ việc rồi ra ngoài chạy xe ôm, chở hàng thuê… Tôi muốn tìm việc làm ở DN nhưng lớn tuổi, lại chưa tốt nghiệp lớp 12 khiến cơ hội ngày càng thu hẹp”, anh Hoàng buồn thiu, nói.
Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty CP gỗ Lâm Việt cho biết, dù đã vào giữa quý II nhưng số lượng đơn hàng vẫn rất khan hiếm, chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 40% công suất. Trong khi đó, nhà máy phải hoạt động đạt ít nhất 70% công suất thiết kế thì doanh nghiệp mới huề vốn và giữ được việc làm cho người lao động. “Nhiều DN sau thời gian cắt giảm giờ làm, không tăng ca vẫn không thể gồng được chi phí buộc phải cắt giảm dần nhân công, chờ tín hiệu đơn hàng mới”, ông Liêm nói.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM thừa nhận, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ ngành dệt may đang duy trì hoạt động 2-3 ngày/tuần để giữ chân lao động. Một số DN buộc phải đóng cửa vì không có đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, một số DN trên địa bàn quận khó khăn về đơn hàng, trong đó có 11 DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, khoảng 1.500 công nhân bị giảm việc làm.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã rà soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động - việc làm tại 3.795 DN. “Kết quả cho thấy, cần chú ý đảm bảo việc làm cho người lao động tại các DN nhưng chưa đến mức bi quan”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM nói và cho biết thêm, thành phố đang tập trung thực hiện chính sách để hỗ trợ người lao động bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống khi bị mất việc.
Tiền phong