Giá than châu Á lập kỷ lục cao mới do cơn "khát" nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện Trung Quốc và Ấn Độ
Trong vòng một năm qua, giá than nhiệt Australia loại chất lượng cao tăng gần 400%, chất lượng trung bình tăng 295%; than Indonesia chất lượng thấp tăng 439%...
- 10-10-2021Trung Quốc, Ấn Độ thiếu than ảnh hưởng sao đến kinh tế thế giới?
- 10-10-2021Thủ phủ than của Trung Quốc lại "đóng băng" vì mưa lớn
- 06-10-2021Khủng hoảng năng lượng buộc Trung Quốc phải giải phóng lượng than Australia mắc kẹt ở kho ngoại quan
Giá than nhiệt trên thị trường Châu Á tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục do ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu than thế giới tăng vẫn không đủ làm dịu bớt lo ngại về tình trạng thiếu than ở những nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới, là Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá than Australia giao tại cảng Newcastle được báo bởi cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus - tham chiếu cho giá than toàn cầu - đã tăng 12,5% trong tuần kết thúc vào ngày 8/10 so với tuần trước đó, kết thúc tuần ở mức 229,11 USD/tấn. So với tuần kết thúc vào ngày 30/4/2021, chỉ số này đã tăng 160%. Ở thời điểm đó, giá than Australia giao tại cảng Newcastle là 88,52 USD/tấn, và đó cũng là tuần cuối cùng giá giảm so với tuần liền trước, kể từ đó là chuỗi những tuần giá liên tiếp tăng không ngừng nghỉ.
Trong tuần qua, giá than Australia có lúc đạt 280 USD/tấn.
Giá than loại tiêu chuẩn 6.000 kilocalorie (kcal)/kg than - phổ biến nhất đối với các công ty điện lực của Nhật Bản và Hàn Quốc, đã tăng gần 400% kể từ tháng 9 năm ngoái - thời điểm giá thấp nhất trong 14 năm, lúc kinh tế Châu Á ở trong giai đoạn đình trệ nhất do đại dịch Covid-19.
Không chỉ than nhiệt của Australia tăng giá, than chất lượng thấp hơn của Indonesia - 4.200 kcal/kg cũng tăng giá mạnh. Theo báo giá của Argus, giá than nhiệt Indonesia trong tuần kết thúc vào ngày 8/10 cũng đạt 122,08 USD/tấn, tăng 439% so với mức thấp nhất năm 2020, là 22,65 USD/tấn, chủ yếu bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc sau khi các thương nhân và công ty dịch vụ chuyển đổi từ than Australia sang than Indonesia sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm không chính thức đối với việc mua hàng hóa Australia trong bối cảnh tranh chấp chính trị với Canberra - hiện vẫn đang diễn ra.
Ngay trên thị trường trong nước của Indonesia, giá than cũng tăng chóng mặt. Lo ngại về nguồn cung cho thị trường nội địa, Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp than và năng lượng Indonesia (ASPEBINDO), Anggawira, đã yêu cầu các nhà cung cấp than quan tâm đến nguồn cung cho nhu cầu trong nước, đề nghị Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản phối hợp với ASPEBINDO để các ngành sản xuất trong nước không gặp khó khăn vì giá than tăng quá cao.
Giá tham chiếu than Australia và Indonesia.
Đối với than nhiệt, Australia từng là nhà cung cấp lớn thứ hai của Trung Quốc sau Indonesia, loại phổ biến nhất là 5.500 kcal/kg than.
Với việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu từ Australia nhưng lại tăng cường nhập khẩu từ Indonesia, thị trường châu Á đã xảy ra hiện tượng chuyển đổi vị trí, theo đó Australia chuyển hướng sang tăng cường cung cấp loại 5.500 kcal/kg than cho Ấn Độ, nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Do Ấn Độ là khách hàng nhạy cảm với giá hơn Trung Quốc nên giá than Australia loại 5.500 kcal/kg không tăng mạnh, mặc dù cũng đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại trong tuần vừa qua lên 138,60 USD/tấn, tăng 295% so với mức thấp kỷ lục của năm 2020.
Việc giá than nhiệt loại 5.500 kcal/kg của Australia có mức tăng chỉ bằng một nửa so với loại than chất lượng cao hơn của Australia và thấp hơn của Indonesia phản ánh sự miễn cưỡng của khách hàng Ấn Độ trong việc trả giá cao hơn. Lịch sử cho thấy, các nhà máy điện chạy bằng than thà cắt giảm sản lượng điện còn hơn là bán điện với giá lỗ, vì giá than nhiên liệu quá cao trong khi giá điện có mức quy định.
Với lý do đó, nhập khẩu than của Ấn Độ có xu hướng chậm lại kể từ tháng 6. Những số liệu gần đây do nhà tư vấn hàng hóa Kpler cho thấy khối lượng nhập về đã giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong tuần bắt đầu từ ngày 13/9, nhập khẩu than vào Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, chỉ là 1,46 triệu tấn. Trong tuần gần đây nhất, bắt đầu từ ngày 4/10, nhập khẩu đạt 2,67 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 3,99 triệu tấn nhập cùng kỳ năm ngoái, và càng thấp xa so với tuần nhập nhiều nhất trong năm nay, là 3,83 triệu tấn trong tuần bắt đầu từ ngày 3/5.
Trái ngược với sự suy giảm nhu cầu thấy rõ ở Ấn Độ, nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong những tuần gần đây, mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh cao hồi mua đông năm ngoái và trong giai đoạn nhu cầu cao điểm ở mùa Hè.
Theo Kpler, nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc trong tuần bắt đầu từ 4/10 đạt 3,29 triệu tấn, tăng so với 1,47 triệu trong cùng tuần năm ngoái.
Kpler dự báo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 4,50 triệu tấn trong tuần bắt đầu từ 11/10, và sẽ đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 9.
Tình hình nhập khẩu than nhiệt của châu Á.
Nhưng đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ, nhập khẩu đóng vai trò thứ yếu trong nguồn cung cấp than tiêu thụ nội địa. Ngành khai thác than trong nước rộng lớn mới là yếu tố quan trọng hơn quyết định đến nguồn cung nhiên liệu sản xuất ở hai thị trường này.
Cả hai quốc gia đều đang cố gắng tăng sản lượng trong nước. Trung Quốc ra lệnh mở lại các mỏ mà họ đã đóng cửa trước đó vì lý do an toàn. Trong khi đó, công ty khai thác mỏ do nhà nước kiểm soát của Ấn Độ, Coal India, đang cố gắng khôi phục sản lượng bị suy giảm mấy tháng gầy đây do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Thành công của những nỗ lực này sẽ giúp xác định mức nhập khẩu cần thiết của Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng tới, mặc dù giá than vận chuyển qua đường biển có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi sản lượng than trong nước của cả hai thị trường này tăng đủ để thỏa mãn cơn "khát than" của các nhà máy điện của họ.
Tham khảo: Reuters, Voi