Giá than có thể vượt 500 USD/tấn trong năm 2022
Rystad Energy dự đoán giá than có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022, khi giá khí đốt tăng mạnh có thể khiến các nước châu Âu chuyển sang sử dụng than.
- 09-03-2022Giá phân bón lập đỉnh trong 50 năm, nông dân than trời
- 05-03-2022Giá than tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm
- 03-03-2022Giá than tăng 46% trong một ngày, chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 10/3, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp để thúc đẩy một hành động đáp trả chung đối với hành động quân sự của Nga tại Ukraine, với các quan điểm khác nhau về mức độ phải tiến bao xa của các lệnh trừng phạt kinh tế, tốc độ cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga và liệu có nên cho Ukraine gia nhập vào khối này một cách nhanh chóng hay không.
Công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho rằng: "Nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động thương mại than đá với Nga hoặc hoạt động vận tải đường sắt và đường biển gặp sự gián đoạn về mặt vật lý, thì sẽ không có giới hạn nào với giá than đá."
Giá than nhiệt tham chiếu trên thị trường thế giới hôm 5/3 tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, có lúc đạt 446 USD/tấn, trong khi đầu năm 2022 giá chào bán chỉ là 175 USD/tấn.
Than của Nga chiếm khoảng 30% nhập khẩu than luyện kim của châu Âu và gần 70% nhập khẩu than nhiệt của châu Âu. Các khách hàng ở Bắc Á, là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng tiếp xúc đáng kể với than của Nga - chiếm 20% nhập khẩu của Hàn Quốc và hơn 10% của Nhật Bản; trong khi than luyện kim của Nga chiếm lần lượt hơn 15% và 5% nhập khẩu của các thị trường Bắc Á.
Nga là nhà sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới, đã xuất khẩu 223 triệu tấn vào năm 2021. Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 90 triệu tấn than nhiệt của Nga và 25 triệu tấn than luyện kim của Nga vào năm 2021. Trung Quốc là khách hàng than lớn nhất của Nga. Than của Nga chiếm 17,6% nhập khẩu than của Trung Quốc năm 2021, là 324 triệu tấn.
Những loại than mà Nga xuất khẩu chủ yếu là than nhiệt năng lượng cao và than PCI - không thể thay thế được khi thị trường cung cấp toàn cầu hiện đang rất eo hẹp do dịch Covid-19 gây thiếu hụt nhân lực trong ngành khai thác than ở nhiều nơi. Than nhiệt của Nga chiếm 17% thương mại than toàn cầu, trong khi than luyện cốc chiếm 9%.
Trong một diễn biến làm gia tăng các lo ngại, Australia mới đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với các trận lũ mang tính tàn phá dọc theo bờ biển phía Đông, ảnh hưởng đến các vùng sản xuất than đá của nước này.
Ông Plamen Natzkoff, chuyên gia thương mại cấp cao của công ty VesselsValue, cho biết những sự gián đoạn liên quan đến thời tiết như trên đã làm giảm 15% tổng lượng hàng xuất khẩu từ cảng Port Kembla Coal Terminal của Auutralia trong hai tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, từ tháng 1/2022, Indonesia cấm xuất khẩu than sau khi công ty điện lực quốc doanh Perusahaan Listrik Negara phải đối mặt với tình trạng kho dự trữ ngày càng cạn kiệt, dẫn tới nguy cơ thiếu điện của hàng chục triệu người.
Indonesia là nhà sản xuất than nhiệt hàng đầu thế giới. Quyết định này đã ngay lập tức khiến giá than toàn cầu tăng cao hơn và kèm theo đó sự phản đối của những quốc gia trong khu vực, bao gồm Nhật Bản và một số khách hàng Trung Quốc.
Tham khảo: Reuters