MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá than đảo chiều tăng vọt 14%, kết thúc chuỗi giảm dài nhất 6 năm

03-11-2021 - 19:05 PM | Thị trường

Giá than đảo chiều tăng vọt 14%, kết thúc chuỗi giảm dài nhất 6 năm

Giá than nhiệt trên thị trường Trung Quốc đảo chiều tăng trở lại sau 10 ngày giảm liên tiếp, do nhu cầu nhiên liệu dự kiến sắp tăng để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng lên trong bối cảnh nhiệt đột dự báo sắp giảm.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo trong hai ngày tới, ở miền Bắc Trung Quốc sẽ có đợt lạnh sâu và có tuyết rơi, nhiệt độ cuối tuần dự báo giảm mạnh ở khu vực tây bắc, tây nam và hầu hết các khu vực miền Trung và miền Đông Trung Quốc.

Giá than nhiệt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn Trịnh Châu ngày 3/11 đã tăng 8,86% lên 978 nhân dân tệ (152,85 USD)/tấn, hồi phục mạnh mẽ sau khi giảm hơn 50% từ mức cao kỷ lục 1.982 nhân dân tệ đạt được vào ngày 19 tháng 10, sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành một loạt các biện pháp để hạ nhiệt giá cả.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá than nhiệt ở Trung Quốc vẫn tăng 39% trong năm 2021.

Giá than kỳ hạn tương lai ở Trung Quốc vừa trải qua chuỗi giảm giá dài nhất kể từ năm 2015, sau khi Bắc Kinh nỗ lực hạ nhiệt thị trường than bằng việc tăng sản lượng và điều chỉnh giá để giảm bớt tình trạng thiếu điện.

Giá than đảo chiều tăng vọt 14%, kết thúc chuỗi giảm dài nhất 6 năm - Ảnh 1.

Giá than tại Trung Quốc biến động mạnh.

Giá than cốc và than luyện cốc cũng đồng loạt tăng trở lại, có thời điểm tăng hơn 14% trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.

Theo đó, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1 trên Sàn Đại Liên ngày 3/11 có thời điểm tăng 14,1% lên 2.507 nhân dân tệ (391,80 USD)/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/11/2016, kết thúc phiên giá vẫn tăng 12,7%, chốt ở mức 2.477 nhân dân tệ/tấn. Giá than cốc cũng tăng mạnh, có lúc tăng 9,5%, kết thúc phiên vẫn cao hơn 8% so với phiên liền trước, đạt 3.215 nhân dân tệ/tấn.

Nguồn cung than ở thời điểm hiện tại vẫn rất khan hiếm, thể hiện qua việc giá than cốc kỳ hạn giao ngay cao hơn khoảng 1.100 nhân dân tệ/tấn so với kỳ hạn giao tháng 1 năm sau, trong khi than luyện cốc giao ngay cao hơn khoảng vài trăm nhân dân tệ so với kỳ hạn tháng 1/2021, dữ liệu từ Huatai Futures cho biết. Do đó, chi phí sản xuất thép hiện tại vẫn rất cao, tác động đến giá thép Trung Quốc.

Giá thép cuộn cán nóng, dùng trong lĩnh vực sản xuất, kết thúc phiên 3/11 tăng 1,6% lên 4.782 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh vằn, dùng trong xây dựng, trên Sàn Thượng Hải giảm 0,1 xuống 4.385 nhân dân tệ/tấn, thép không gỉ kỳ hạn tháng 12 giảm 0,9% còn 18.565 nhân dân tệ/tấn.

"Chúng tôi tin rằng nhu cầu sưởi ấm mạnh mẽ và việc khôi phục các nhà máy nhiệt điện than có thể là lý do dẫn tới đợt hồi phục giá lần này, sau đợt gí lao dốc từ mức cao kỷ lục lịch sử", các nhà phân tích của ANZ cho biết.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đang cam kết giảm giá, bao gồm cả khả năng áp mức giá trần - yếu tố có thể khiến than giảm giá.

Các nhà phân tích của ANZ cho rằng nếu Trung Quốc giữ sản lượng nội địa hàng ngày trong khoảng 11,5 đến 12 triệu tấn, cùng với nhập khẩu hàng tháng từ 20 đến 25 triệu tấn thì sẽ đủ đáp ứng nhu cầu than cho mùa đông này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cảnh báo về khả năng sẽ có biến động nhiều hơn nữa trên thị trường than, tùy thuộc vào các biện pháp kiểm soát của chính phủ.

"Ví dụ, việc yêu cầu các mỏ than phải dành một phần sản lượng nhất định cho các nhà máy điện với giá thấp hơn giá thị trường sẽ khiến nguồn cung than trên thị trường sụt giảm, khi đó, nếu mùa đông lạnh giá hơn bình thường và nhu cầu sưởi ấm vượt mức mong đợi, một đợt tăng giá nóng khác như đợt vừa qua rất có thể sẽ xảy ra", Alex Whitworth, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Năng lượng và Năng lượng tái tạo Châu Á Thái Bình Dương của Wood Mackenzie cho biết.

Các nhà máy điện lớn của Trung Quốc có kết nối trực tiếp với mạng lưới đường sắt quốc gia - trữ lượng than nhiệt tương đương 19,1 ngày sử dụng, tính đến cuối tháng 10, tăng 5,1 ngày so với một tháng trước đó, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết.

Tập đoàn đường sắt đã vận chuyển 122 triệu tấn than nhiệt vào tháng 10/2021, cao hơn 25% so với một năm trước đó và hơn 21% so với tháng 9/2021, tờ Paper của chính quyền Thượng Hải đưa tin.

Theo Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc, sản lượng tại khu vực khai thác quan trọng của Ordos đã tăng 15% trong tháng 10 so với tháng liền trước, lên 2,23 triệu tấn/ngày. Hiệp hội cho biết sản lượng than đã vượt quá mức tiêu thụ của nhà máy điện trong 25 ngày liên tiếp và tồn kho đã tăng 36% kể từ cuối tháng 9.

Tuy nhiên, hầu hết các khu vực của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có nhiệt độ lạnh hơn bình thường cho đến giữa tháng 11, sẽ khiến nhu cầu gia tăng đối với điện và năng lượng sưởi ấm.

Giá than tại Trung Quốc năm nay đã tăng mạnh do việc ngừng nhập khẩu than Australia và giá khí tự nhiên tăng vọt trên toàn cầu. Việc giá than tăng vọt đã buộc nhiều nhà máy điện than tại Trung Quốc tuyên bố tạm ngưng hoạt động để "bảo trì" nhưng thực chất để hạn chế lỗ, khiến tình trạng thiếu điện bùng phát. Điện than chiếm tới hơn 60% tổng nguồn cung điện tại Trung Quốc.

Tham khảo: Bloomberg, Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên