Giá than sẽ còn giảm nữa dù đang ở mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ?
Giá than chở bằng đường biển tại châu Á đã mất 23% trong 6 tháng đầu năm 2020 và đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ do nhập khẩu vào những thị trường hàng đầu trong khu vực, nhất là Ấn Độ, giảm sút nghiêm trọng vì kinh tế suy yếu bởi dịch Covid-19. Đáng lo ngại là xu hướng giảm giá dự báo sẽ còn tiếp diễn.
- 13-01-2020Một châu Á quá “khát” than đá sẽ gây hại cho toàn cầu?
- 22-06-2019Giá than đá thấp nhất 2 năm, cung đang vượt cầu
Giá than nhiệt của Australia (chỉ số giá than Newcastle hàng tuần, do Argus công bố) đã giảm xuống 48,14 USD/tấn trong tuần kết thúc vào 26/6/2020, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2006 và thấp hơn 31% so với mức cao nhất của năm 2020 (là 69,59 USD/tấn, đạt được giữa tháng 1/2020).
Giá than cốc của Australia cũng giảm mạnh. Cụ thể, than cốc giao dịch trên sàn Singapore kết thúc ngày 29/6/2020 giá 111,43 USD/tấn, không cách xa mấy so với mức thấp 106 USD/tấn của ngày 1/6/2020 – mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016.
Than nhiệt Indonesia hàm lượng năng lượng 4.200 kilocalories/kilogram - chất lượng thấp hơn so với than Australia, trong tuần kết thúc vào ngày 26/6 là 23,89 USD/tấn, thấp nhất kể từ khi Argus bắt đầu công bố giá than vào tháng 8/2008.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì thị Ấn Độ - nhà nhập khẩu than hàng đầu Châu Á – đã và đang giảm mạnh lượng nhập khẩu.
Nhập khẩu cả than luyện cốc và than nhiệt của Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2020 đều thấp nhất kể từ khi Refinitiv bắt đầu theo dõi số liệu tàu chở hàng và hàng lưu kho ở cảng – tháng 1/2015. Chỉ có 8,08 triệu tấn than được bốc dỡ lên bãi tập kết ở các cảng biển Ấn Độ tính từ đầu tháng 6/2020 đến ngày 29/6; và ước tính cả tháng 6/2020 không vượt quá mức 10,3 triệu tấn của tháng 5/2020, càng thấp hơn nữa nếu so với mức trung bình 17,05 triệu tấn/tháng của 4 tháng đầu năm 2020.
Ấn Độ đã phong tỏa toàn quốc trong hơn hai tháng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khiến nhu cầu điện ở nước này giảm mạnh, kéo theo nhu cầu than giảm sút giữa bối cảnh than vốn đang phải cạnh tranh khó khăn với các năng lượng tái tạo có giá thành rẻ hơn.
Ấn Độ đã nhập khẩu 3,1 triệu tấn than Indonesia trong 29 ngày đầu tháng 6/2020, mức thấp nhất kể từ khi Refinitiv bắt đầu thu thập số liệu này – năm 2015, chưa bằng một nửa mức 8 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 2/2020 và là tháng nhập ít nhất trong năm nay.
Australia – nhà cung cấp gần như toàn bộ than luyện cốc cho Ấn Độ - cũng bị giảm mạnh lượng xuất khẩu khi Ấn Độ chỉ nhập 1,56 triệu tấn trong 29 ngày đầu tháng 6/2020, giảm mạnh so với mức cao nhất của năm nay là 3,7 triệu tấn (tháng 1/2020).
Dự báo, trong những tháng tới nhu cầu than của Ấn Độ sẽ bắt đầu hồi phục, song phải mất một thời gian không ít để nhập khẩu than tăng trở lại, nhất là khi các chính sách của Chính phủ hướng tới việc giảm dần nhập khẩu để hỗ trợ ngành than trong nước.
Các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm nhu cầu
Một khi thị trường Ấn Độ gây thất vọng cho các nhà xuất khẩu than đá trong khu vực thì tình hình ở hầu hết các thị trường lớn khác cũng khó có thể khả quan.
Trung Quốc – nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than lớn nhất thế giới – có thể sẽ giảm nhập khẩu trong những tháng tới, khi mà Chính phủ đang nỗ lực hạn chế nhập khẩu than để giữ cho giá than nội ở mức đủ cao để mang lại lợi nhuận cho các công ty khai mỏ.
Hiện đã có một số dấu hiệu cho thấy nhập khẩu than vào Trung Quốc chậm lại. Theo dữ liệu của Refinitiv, trong 29 ngày đầu tháng 6/2020, có 22,65 triệu tấn than được bốc xếp lên các cảng Trung Quốc, chứng tỏ nhập khẩu than qua đường biển vào nước này cả tháng 6 chỉ tương đương mức 23,28 triệu tấn của tháng 5/2020 và thấp hơn nhiều so với mức 26,06 triệu tấn của tháng 6/2019.
Nhật Bản, nước nhập khẩu than lớn thứ 3 châu Á, đã có lượng nhập khẩu ổn định trong suốt 5 tháng đầu năm, với tổng lượng nhập khẩu trong 5 tháng là 75,27 triệu tấn. Tuy nhiên, dữ liệu của Refinitiv cho thấy nhập khẩu của Nhật Bản trong tháng 6/2020 là 11,5 triệu tấn, giảm so với mức 12,6 triệu của tháng 5/2020 và cũng là mức thấp nhất hàng tháng kể từ khi Refinitiv bắt đầu thu thập dữ liệu - tháng 1/2015.
Hàn Quốc, nước nhập khẩu lớn thứ 4 ở Châu Á, đã bốc dỡ 7,3 triệu tấn than trong tháng 6/2020, giảm so với 8,83 triệu tấn của tháng 5/2020 và thấp hơn mức 9,08 triệu tấn tháng 6/2019.
Nhìn chung, tiêu thụ cả than nhiệt và than cốc ở Châu Á đều đang ế ẩm do các chính sách bảo hộ ở Trung Quốc và Ấn Độ, đại dịch Covid-19 và đang mùa nhu cầu thấp (giao thời giữa mùa Đông và mùa Hè).
Mặc dù kinh tế khu vực Châu Á có thể bắt đầu hồi phục, song những thay đổi về cơ cấu loại năng lượng ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể khiến xu hướng giảm giá và nhu cầu than sẽ còn kéo dài.
Tại Hội thảo trực tuyến về ngành than Australia, nhà phân tích Ghee Peh thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho biết, lý do dự báo giá than sẽ thấp đến cuối năm vì nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước nhập khẩu than nhiệt lớn nhất khu vực – sẽ còn yếu đến hết năm nay.
Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội sản xuất than Indonesia, Hendra Sinadia, cho biết, các nước sản xuất, nhất là Indonesia và Australia, hiện vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào. Tại Indonesia, một số nhà sản xuất than có thể cắt giảm sản lượng trong những tháng tới, song nhiều nhà sản xuất khác không muốn làm như vậy vì lo ngại mất thị phần. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa lượng than xuất khẩu của Indonesia, trong đó khách hàng Trung Quốc sẽ chỉ mua khi giá giảm thấp.
Như vậy, giá than sẽ chịu áp lực giảm từ nay đến cuối năm 2020, không chỉ do nhu cầu yếu mà còn bởi nguồn cung duy trì ở mức cao.