MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thép cây tại Trung Quốc cao nhất 3 năm

05-07-2017 - 14:27 PM | Thị trường

Giá thép cây (rebar steel) trên thị trường Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất hơn 3 năm trong ngày 4/7/2017 do lo ngại nguồn cung khan hiếm sẽ đẩy giá lên cao nữa sau khi đã tăng 27% trong năm nay.

“Các nhà máy bắt đầu vào giai đoạn bảo dưỡng thiết bị định kỳ hàng năm, nguồn cung sẽ trở nên khan hiếm hơn trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc quyết liệt ngăn chặn sản xuất thép kém chất lượng”, Reuters dẫn lời một thương gia ở tỉnh Phúc Kiến cho biết.

Thép cây hợp đồng giao sau trên sàn Thượng Hải đã tăng lên 3.448 NDT/tấn trong ngày 4/7, mức cao chưa từng có kể từ tháng 2/2014. So với đầu năm, giá đã tăng 27%.

Do giá tăng, số hợp đồng mở đối với mặt hàng thép cây trên sàn Thượng Hải đã lên mức cao kỷ lục, đạt 5,63 triệu hợp đồng vào ngày 3/7, tương đương 237 triệu tấn.

Giá thép cây tăng cũng đẩy giá quặng sắt trên sàn Đại Liên lên mức cao nhất 6 tuần trong phiên 4/7, là 493 USD/tấn, mức chưa từng có kể từ 23/5.

Để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và sản xuất thép dư thừa, đến cuối tháng 6 vừa qua Trung Quốc đã buộc đóng cửa toàn bộ những cơ sở sản xuất thép chất lượng kém sử dụng công nghệ lò nung cảm ứng. Tháng 8 tới chính quyền các địa phương sẽ cử các đội giám sát đến kiểm tra kết quả chiến dịch đóng cửa nói trên để đảm bảo các cơ sở đó không sản xuất trở lại.

Khối lượng thép cây mà các thương gia Trung Quốc dự trữ đã giảm xuống 2,73 triệu tấn tính đến 30/6, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với mức thấp nhất trong vòng 6 tháng chạm tới hồi đầu tháng 6, theo số liệu điều tra của SteelHome. Lưu trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc tuần vừa qua ở mức 140,3 triệu tấn, giảm 1,15 triệu tấn so với 141,45 triệu tấn tuần trước đó – mức cao nhất kể từ năm 2014, cũng théo số liệu của SteelHome.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu sản phẩm thép của nước này tháng 5 vừa qua đã giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 6,98 triệu tấn, và tính chung trong 5 tháng giảm 25,9% xuống 34,19 triệu tấn. Trái lại, nhập khẩu thép trong tháng 5 tăng 300.000 tấn so với tháng trước đó và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,11 triệu tấn, đưa tổng nhập khẩu trong 5 tháng lên 5,67 triệu tấn, tăng 6,5% so theo năm.

Nguyên nhân bởi công suất sản xuất thép chất lượng thấp trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm trên 120 triệu tấn.

Dự báo về giá thép tăng càng được củng cố khi Bộ Kinh tế Nhật Bản cho biết sản lượng thép thô của nước này quý 3/2017 có thể giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước xuống 26,29 triệu tấn. Trong khi đó, Morgan Stanley mới đây dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm nay lên 1,6 tỷ tấn, sau đó tăng tiếp 1% lên 1,62 tỷ tấn vào năm 2018.

Thị trường thép thế giới đang hướng tới sự cân bằng hơn sau chiến dịch cắt giảm mạnh sản lượng của Trung Quốc, mặc dù các chuyên gia đánh giá rằng có thể sẽ không bền vững.

Báo cáo của Morgan Stanley dự báo sản lượng thép thô toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm 2017 lên 1,65 tỷ tấn, và tăng thêm 1% trong năm 2018 lên 1,67 tỷ tấn. Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất toàn cầu sẽ trung bình 86% trong năm nay, tăng 11% so với 2016, trước khi tăng tiếp lên 89% vào năm tới.

Theo ngân hàng này, giá thép trung bình của Trung Quốc năm nay sẽ là 440 USD/tấn, còn thép châu Âu và Mỹ sẽ lần lượt 539 USD/tấn và 657 USD/tấn. Giá năm 2018 được dự báo sẽ tăng lên 470 USD/tấn tại Trung Quốc nhưng sẽ giảm xuống 455 USD/tấn ở châu Âu. Thép Mỹ sẽ giảm 22 USD/tấn trong năm tới xuống 635 USD/tấn.

Morgan Stanley tiên đoán Trung Quốc sẽ sản xuất 825 triệu tấn thép thô/năm trong 2 năm tới, cần tới 1,2 tỷ tấn quặng sắt, trong đó nhập khẩu 1 tỷ tấn, còn lại sản xuất trong nước. Từ năm 2025, sản xuất của Trung Quốc có thể giảm 2,5% mỗi năm.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên