Giá thép tăng kỷ lục: Lực cản tiến độ
Nhiều dự án giao thông cấp bách của Hà Nội nguy cơ không hoàn thành tiến độ do ảnh hưởng của giá sắt thép tăng cao kỷ lục.
- 15-06-2021Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì cơn "bão giá thép"
- 11-06-2021Phân khúc BĐS nào sẽ tăng giá mạnh nhất dưới tác động của giá thép tăng?
- 08-06-2021Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng phi mã
Đại diện nhà thầu Trung Chính tại dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (cầu Vĩnh Tuy 2) thông tin, trong phương án dự thầu thời điểm năm 2019 - 2020 giá thép dự toán có giá trung bình 1,1 triệu đồng/tấn, tuy nhiên từ đầu năm nay giá thép bất ngờ tăng vọt lên 1,8 đến 1,9 triệu đồng/tấn (khoảng 40%), gây khó khăn lớn cho nhà thầu tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Đại diện nhà thầu Tổng Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, giá thép tăng cao làm cho nhà thầu bị "vỡ" phương án tài chính ở các dự án. Cách đây 2 tháng, nhà thầu dành khoảng 100 tỷ đồng để mua thép vật liệu, nhưng nay con số này cần phải chi tăng thêm 40%. "Với nhà thầu có hàng chục dự án khác nhau thì đây là con số tăng chi phí không tưởng. Việc giá thép tăng phi mã khiến phương án tài chính về giá thép xây dựng tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2 trong 2 tháng qua của nhà thầu bị thay đổi, phải bổ sung từ các nguồn tài chính khác", đại diện nhà thầu Vinaconex, nói.
Theo đại diện Ban Giao thông, việc điều chỉnh giá vật liệu tại các dự án xây dựng thành phố cũng giao cho liên ngành (Tài chính - Xây dựng) khảo sát, thực hiện thường xuyên, tuy nhiên chu kỳ để điều chỉnh này là 3 tháng/lần, giai đoạn này giá thép tăng đến 40% trong thời gian ngắn nên liên ngành Tài chính - Xây dựng sẽ xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.
Tại các dự án giao thông khác trên địa bàn Hà Nội do ảnh hưởng của giá thép tăng cao, trong khi quỹ dự phòng không nhiều, một số nhà thầu phải tạm dừng thi công hoặc chuyển sang làm các gói thầu không liên quan đến vật liệu thép. Đơn cử, dự án cầu vượt thép (dành cho xe máy) thuộc dự án cầu cạn Vành đai 3 vượt hồ Linh Đàm, theo kế hoạch cầu thép tại đây hoàn thành vào quý 2 năm nay. Tuy nhiên do giá thép tăng cao, một số loại đặc thù để làm dầm cầu lại khó nhập về nên nhà thầu phải đề xuất lùi tiến độ đến cuối năm 2021.
Giải pháp nào tháo gỡ?
Theo thông tin khảo sát của PV Tiền Phong, giá sắt thép tại các cửa hàng, đại lý lớn trên đường Đê La Thành, Giảng Võ, Cát Linh…, với giá thép xây dựng loại D10, thời điểm đầu năm 2020 có giá 11 triệu đồng/tấn, nhưng đến tháng 7 năm nay loại thép này có giá 18 triệu đồng/tấn, tăng 38%. Tuy nhiên nhiều chủ đại lý tại đây còn cho biết, hiện nay cứ từ 1 đến 3 tuần, họ lại nhận được thông báo của nhà cung cấp, thông báo giá thép sẽ tăng thêm từ 0,5 đến 1,5%.
Lý giải nguyên nhân giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thép trong nước cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, dẫn đến việc nhập khẩu nguyên liệu, giá phôi thép khó khăn. Cùng với đó chi phí vận tải cao nên giá thép trong nước tăng cao.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ dự án giao thông tránh việc vỡ dự toán, đình trệ thi công, ông Đỗ Việt Thắng, đại diện nhà thầu chính Vinaconex tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2 cho biết, trước việc giá thép xây dựng tăng kỷ lục thời gian qua, các nhà thầu đã có kiến nghị với chủ đầu tư đề nghị thành phố Hà Nội có phương án hỗ trợ bằng việc cho tính toán lại giá thép sát với giá thị trường. "Việc này vừa giúp nhà thầu yên tâm thi công vừa giúp không bị vỡ các phương án tài chính tại dự án", ông Thắng nói.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông), chủ đầu tư các dự án cầu Vĩnh Tuy 2, cầu cạn Vành đai 3 vượt hồ Linh Đàm, hầm chui Lê Văn Lương… cho biết, đơn vị đã nhận được các đề xuất của một số nhà thầu tại dự án giao thông và cũng đã có kiến nghị với UBND thành phố xem xét.
Tiền phong