Giá thu mua sắn nguyên liệu tăng
Giá thu mua sắn nguyên liệu hiện đã tăng 17,8% so với đầu tháng 9 và tăng gấp rưỡi so với thời điểm cùng kỳ năm 2016. Dự báo, đầu vụ sắn 2017-2018, giá thu mua sắn tiếp tục đạt ở mức cao do sức mua của thị trường Trung Quốc tăng.
- 20-09-2017Bộ Tài chính từ chối nhiều đề xuất xin ưu đãi cho cây sắn
- 26-06-2017“Xin” ưu đãi cho cây sắn
- 08-05-2017Nhà máy 'khát' nguyên liệu sắn, mía
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9/2017 xuất khẩu sắn và sản phẩm tiếp tục tăng trưởng cả lượng và trị giá so với tháng 8 - đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp – tăng lần lượt 8,3% và 17,9%, đạt tương ứng 309,4 nghìn tấn, trị giá 84,3 triệu USD, giá xuất bình quân tăng 8,6% lên 272,5 USD/tấn, nâng lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2017 lên 2,8 triệu tấn, đạt 727,9 triệu USD, tăng 4,9% về lượng nhưng giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ 2016.
Tính riêng xuất khẩu sắn, tháng 9 tuy lượng và trị giá đều giảm so với tháng 8 nhưng giá xuất bình quân lại tăng. Cụ thể, lượng sắn xuất khẩu đạt 109,2 nghìn tấn, kim ngạch 19,8 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm 14,8% về trị giá, giá xuất tăng 8,6% lên 272,5 USD/tấn, tính chung 9 tháng 2017 đã xuất 1,2 triệu tấn sắn, trị giá 207,9 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ.
Mặc dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn chủ lực kể từ đầu năm đến nay, chiếm trên 80% tổng lượng sắn xuất khẩu, đạt 2,5 triệu tấn trị giá 75,3 triệu USD, tăng 5,63% về lượng nhưng kim ngạch giảm 1,76%, giá xuất bình quân giảm 6,9% so với cùng kỳ 2016 xuống 251,3 USD/tấn. Thị trường xuất chiếm thị phần lớn đứng thứ hai là Nhật Bản, chiếm 2,6% đạt 75,3 nghìn tấn, trị giá 13,6 triệu USD, tăng 20% về lượng và tăng 12,84% về trị giá so với 9 tháng 2016. Đặc biệt, xuất sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tuy lượng xuất chỉ có 26,2 nghìn tấn, giảm 7,85%, nhưng giá xuất bình quân đạt ở mức cao 441,4 USD/tấn, tăng 18,6% nâng kim ngạch lên 11,6 triệu USD, tăng 9,32% so với cùng kỳ.
Cùng với giá xuất khẩu, những ngày cuối tháng 9/2017 giá sắn nguyên liệu tăng mạnh tại tất cả các khu vực. Cụ thể, giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) tại Tây Ninh (mỳ Campuchia và Nội địa) cuối tháng 9 đã tăng 330 – 430 đồng/kg (tăng tương ứng 17,8%) so với đầu tháng 9 lên 2.180 – 2.200 đ/kg, so với cùng kỳ 2016 giá đã tăng gấp rưỡi. Tương tự, tại Đăk Lăk giá đạt 1.800 – 1.850 đồng/kg; Phú Yên 1.750-1.800 đ/kg và Kontum: 1.750-1.800 đ/kg.
Theo Hiệp hội sắn Việt nam, nguyên nhân tăng do thiếu nguyên liệu nên các nhà máy phải nâng giá thu mua, tuy nhiên nguyên liệu chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất chạy máy. Hiện giá tinh bột sắn được Nhà máy báo đã tăng khoảng 400 đồng/tấn so với thời điểm giữa tháng 9.
Dự báo, thời điểm đầu vụ sắn 2017-2018, giá thu mua sắn lát cũng sẽ ở mức cao so với mức giá bình quân vụ 2016-2017 và sắn lát xuất khẩu tăng giá, bởi sức mua của thị trường Trung Quốc tăng mạnh, trong khi nguồn hàng vụ 2016-2017 của Việt Nam cũng như Thái Lan còn ít. Thêm vào đó, giá sắn củ tươi đang ở ngưỡng cao.
Theo tin từ Hiệp hội sắn Thái Lan, ngày 26/9/2017, Hiệp hội đã công bố giá bán tinh bột sắn giữ nguyên so với giá công bố đầu tháng 9 ở mức 345 USD/tấn FOB Bangkok. Sản lượng sắn tại Thái Lan vụ 2017-2018 giảm tới 7,7% (tương đương gần 2,5 triệu tấn) so với vụ 2016-2017, do diện tích trồng sắn giảm.