MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị

07-08-2020 - 19:07 PM | Tài chính quốc tế

Tài sản của gia tộc Kwok sụt giảm nặng nề, trong bối cảnh Hồng Kông chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997.

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị - Ảnh 1.

Nếu có một thời điểm tồi tệ để sở hữu nhà phát triển lớn nhất trong thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, thì đó chính là bây giờ. Hãy nhìn vào gia đình Kwok ở Hồng Kông. Trong 12 tháng vừa qua, gia tộc đứng đằng sau đế chế bất động sản lớn nhất Hồng Kông đã chứng kiến khối tài sản giảm gần 8 tỷ USD. Đây là tốc độ giảm mạnh nhất trong số các gia tộc châu Á thuộc bảng xếp hạng của Bloomberg.

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất Hồng Kông ít nhất là kể từ năm 1997, cổ phiếu của Sun Hung Kai hiện đang giao dịch ở mức thấp hơn 1 nửa so với giá trị tài sản của công ty.

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị - Ảnh 2.

Tập đoàn Sun Hung Kai được sáng lập bởi doanh nhân Kwok Tak-seng vào năm 1969. Ông sinh ra tại Quảng Đông (Trung Quốc) và chuyển đến sinh sống tại Hồng Kông sau Thế chiến II. Khi IPO vào năm 1972, thương vụ này đã mang đến khối tài sản khổng lồ cho gia đình Kwok khi ông Tak-seng nắm giữ vị trí chủ tịch. Tuy nhiên, ông đã để lại tài sản cho 3 người con là Walter, Thomas và Raymond khi qua đời vì bệnh tim vào năm 1990.

3 anh em nhà Kwok sở hữu 26% cổ phần công ty khi đó và người anh cả - Walter, giữ chức CEO. Tuy nhiên, sau vụ bắt cóc vào năm 1997, khiến nhà Kwok phải trả tiền chuộc gần 80 triệu USD, ông Walter bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm. Đến năm 2008, Thomas và Raymond đã đẩy anh trai ra khỏi vị trí lãnh đạo với lý do ông không đủ sức khỏe về tâm lý. 10 năm sau, Walter qua đời vì đột quỵ. Năm 2011, Thomas và Raymond cùng giữ chức vụ chủ tịch của Sun Hung Kai. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Thomas là người lãnh đạo đế chế bất động sản. 

Là gia tộc giàu nhất Hồng Kông, nhưng 2 anh em nhà Kwok rất hiếm khi nhận trả lời phỏng vấn hay tiết lộ thông tin về cuộc sống cá nhân trước công chúng.

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị - Ảnh 3.

Đà bán tháo cổ phiếu không chỉ là tin xấu đối với gia tộc giàu có nhất Hồng Kông – khiến tổng tài sản của họ giảm 30 tỷ USD, mà việc này còn phải ánh một viễn cảnh nghiêm trọng đối với cả thành phố.

Với các mảng kinh doanh bao gồm các tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và khu chung cư, Sun Hung Kai đã gặt hái được nhiều thành công hơn so với hầu hết các công ty khác ở Hồng Kông. Diễn biến ảm đạm của cổ phiếu công ty này, đặc biệt lại xảy ra trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu đang leo dốc, đã chỉ ra mối lo ngại của các nhà đầu tư rằng thời kỳ hoàng kim trung tâm tài chính toàn cầu đã đi đến hồi kết, khi Trung Quốc siết chặt giám sát hơn bao giờ hết.

Trong khi gia đình Kwok nhiều lần bày tỏ sự tin tưởng vào Hồng Kông và chủ tịch của tập đoàn này đã công khai ủng hộ luật an ninh quốc gia mới vốn gây nhiều tranh cãi, họ cũng đang thực hiện những bước đi nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, đặc biệt là vào Trung Quốc đại lục.

Sun Hung Kai đã bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị đến từ đại lục đầu tiên vào tháng 8/2019. Hiện tại, tập đoàn này đang xây dựng một trong những dự án thương mại lớn nhất từ trước đến nay tại Thượng Hải. Công ty này trong năm ngoái cũng chi 1,9 tỷ USD để mua một khu đất tại thành phố ven biển Quảng Châu. Thương vụ đầu tư mới lớn nhất ở Hồng Kông hiện cũng đang nhắm đến Trung Quốc. Hồi tháng 11, tập đoàn này đã chi khoản tiền kỷ lục 5 tỷ USD cho một khu đất nằm trên nhà ga đường sắt xuyên biên giới mới.

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị - Ảnh 4.

Theo Jackson Wong – giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital, động thái thúc đẩy tăng cường mối liên hệ với đại lục của Sun Hung Kai là điều dễ hiểu khi họ đang gặp nhiều thách thức ở Hồng Kông. Wong cho hay, nhà phát triển bất động sản từ lâu đã đối mặt với khó khăn khi tạo ra lợi nhuận vượt trội ở Trung Quốc, một phần là vì họ thiếu những mối quan hệ cá nhân, hay còn gọi là "guanxi". Đây là yếu tố đóng vai trò nền tảng cho hoạt động kinh doanh thành công ở đại lục.

Phản hồi email đặt câu hỏi từ Bloomberg, ông Sun Hung Kai cho biết tập đoàn này vẫn tập trung vào hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông và đóng vai trò trong việc thúc đẩy vị thế là trung tâm tài chính của thành phố này. Hiện tại, 80% tài sản của nhà phát triển bất động sản đều ở Hồng Kông và phần còn lại là ở Trung Quốc đại lục.

Trước đây, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và dịch SARS đã khiến Hồng Kông rung chuyển, khiến nơi này trở thành một trong những thị trường bất động sản tồi tệ nhất và rơi vào thị trường gấu vào năm 1998 cho đến năm 2003. Khi đó, gia tộc này đã mạnh tay đầu tư để xây dựng International Finance Centre. Đây là khu phức hợp bao gồm cả văn phòng và trung tâm thương mại tọa lạc tại quận trung tâm của thành phố, hiện là một trong những tài sản mang tính biểu tượng của Sun Hung Kai với mức giá cho thuê thuộc hàng cao nhất thế giới.

Joseph Fan – giáo sư ngành tài tại Đại học Trung văn Hương Cảng, nhận định, với rất nhiều tài sản giá trị, khối tiền mặt khổng lồ và những khu đất có diện tích gần 1.200 ha giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, gia đình Kwok có thể vượt qua những "cơn gió ngược" của thị trường bất động sản. Ông cho hay: "Gia đình và tập đoàn này có tài chính vững chắc, cho phép họ sống sót trong một mua đông kéo dài và lạnh lẽo. Việc có nhiều tiền quả thực rất hiệu quả."

Dẫu vậy, trong ngắn hạn, Hồng Kông vẫn đối diện với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, hậu quả của tình trạng biểu tình và dịch Covid-19 lây lan. Thành phố này đã rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc nhất từ trước đến nay, khi tỷ lệ văn phòng không có người sử dụng ở mức tồi tệ nhất trong 15 năm qua, giá thuê trung tâm mua sắm cũng lao dốc và giá nhà giảm mạnh từ mức cao nhất mọi thời đại.

Ngay cả khi những "cơn gió" ngược sẽ thổi nhẹ dần, thì rủi ro lâu dài đối với nhà Kwok là vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc đại lục đối với Hồng Kông. Bởi lẽ, việc này sẽ khiến sự hấp dẫn của thành phố với vị thế là trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu sẽ bị phai nhạt. 

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị - Ảnh 5.

Do đó, nhà Kwok sẽ phải ứng phó với tất cả những yếu tố này, trong khi đó vẫn phải giải quyết một số vấn đề phức tạp liên quan đến quyền thừa kế.

Nắm giữ vị trí lãnh đạo của Sun Hui Kang kể từ tháng 12/2011, các nhà phân tích không cho rằng vị trí chủ tịch của ông Raymond sẽ sớm có sự thay đổi, nhưng những điều không chắc chắn về thế hệ lãnh đạo tiếp theo của công ty đã dần nổi lên trong những năm gần đây. Ông Walter đã qua đời vào năm 2018, để lại tài sản của mình ở Su Hung Kai cho 2 người con. Trong khi đó, Thomas gần đây đã trở lại làm việc tại 1 công ty con sau một thời gian ngồi tù vì nhận hối lộ.

Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị - Ảnh 6.

Trong khi một số thành viên thế hệ thứ ba của gia tộc này nắm giữ vai trò quan trọng trong Sun Hung Kai, nhưng hiện vẫn không rõ liệu ai sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí lãnh đạo. Con trai của Thomas là Adam đang điều hành mảng kinh doanh bất động sản ở miền nam Trung Quốc đại lục, trong khi con trai của Walter là Geoffrey điều hành mảng khách sạn. Con trai lớn của Raymond – Edward đang là giám đốc dự khuyết, còn người em trai là Christopher giám sát mảng sale, quản lý dự án, cho thuê bất động sản thương mại và nhà ở.

Theo Fan – giáo sư tại Đại học Trung văn Hương Cảng, hồ sơ về quản trị doanh nghiệp của gia đình Kwok rất phức tạp. Ví dụ, năm 2008, một số mâu thuẫn nội bộ đã khiến cả công ty náo loạn và dẫn đến việc Walter trở thành chủ tịch của Sun Hung Kai. Ông nhận định: "Vẫn phải xem xét liệu thế hệ thứ 3 có khả năng đối phó với những thách thức phía trước hay không."

Thiết kế: Hoài Linh - Bài: Lục Lam

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên