Gia tộc kinh doanh lâu đời nhất Ấn Độ "sa lầy": Từ biểu tượng quốc gia đến những quyết định sai lầm và bài toán khó thời Covid-19
Tata Sons đang đứng trước nhiều khó khăn xuất phát từ cả cấu trúc nội tại và sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ bên ngoài.
- 20-09-2020Chân dung gia tộc đứng sau siêu thị BigC và bí quyết lạ lùng để tránh đấu đá nội bộ trong gia đình
- 13-09-2020Chân dung gia tộc đứng sau CP Group và tỷ phú giàu nhất Thái Lan
- 07-09-2020Làm giàu từ nông nghiệp, gia tộc này đã sản sinh 14 tỷ phú USD và chi phối chặng đường từ nông trại đến bàn ăn trên khắp thế giới
Trong những ngày đầu tiên đầy hoảng loạn sau khi Ấn Độ áp dụng lệnh phong toả trên toàn quốc để ngăn chặn Covid-19, nước này có thể trông cậy vào 1 tổ chức đáng kính. Tata, tập đoàn 152 năm tuổi, đã mua một lượng lớn các vật tư y tế trị giá hàng triệu USD phục vụ cho các phòng khám và bệnh viện trên cả nước. Dù phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tập đoàn không hề sa thải bất cứ nhân viên nào. Tập đoàn còn lập 1 chi nhánh mới theo đuổi mục tiêu phát triển bộ test virus sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene và cho ra kết quả chỉ sau 1 giờ.
Đó vẫn là những gì mà người Ấn Độ kỳ vọng sẽ nhận được từ Tata kể từ khi nó ra đời năm 1868. Công ty mẹ Tata Sons và 7 quỹ từ thiện hiện đang sở hữu 66% cổ phần của tập đoàn Tata đã luôn đóng vai trò trụ cột trong hoạt động từ thiện của Ấn Độ với khoản đóng góp 156 triệu USD trong năm tài khoá 2019. Xuyên suốt lịch sử của mình, Tata Sons đã góp phần không nhỏ giúp Ấn Độ vượt qua những thách thức.
Có một giai thoại rằng Jamsetji Tata, ông tổ của tập đoàn qua đời từ năm 1904, đã quyết định xây dựng khách sạn tráng lệ Taj Mahal ngay sau khi ông bị từ chối thuê phòng tại một trong những khách sạn đắt đỏ nhất ở Bombay chỉ bởi vì ông là người Ấn Độ chứ không phải người châu Âu. Ngày nay Indian Hotels, tập đoàn sở hữu Taj Mahal, là chuỗi khách sạn lớn nhất Nam Á.
Trong khi đó Tata Power và Tata Steel ra đời để giải quyết tình trạng thiếu điện kinh niên của Ấn Độ cũng như phát triển ngành công nghiệp nặng của đất nước. Câu chuyện cũng tương tự đối với Tata Chemicals (sản xuất đủ loại hoá chất từ soda khan đến các loại hạt giống lai), Tata Motors (xe hơi và xe tải) và Tata Consumer Products (sản xuất các mặt hàng tiêu dùng từ trà đến củ nghệ). Tata Consultancy Services (TCS) hiện là công ty công nghệ thông tin hàng đầu ở ấn Độ, ra đời năm 1968 với nhiệm vụ quản lý hệ thống tiền lương và hàng tồn kho cho tập đoàn đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Cái tên Tata gắn liền với gần như mọi mặt đời sống của người Ấn Độ.
Năm tài khoá 2018-2019, tổng doanh thu của tập đoàn đạt 113 tỷ USD. Hiện mới chỉ có 28 trên tổng số 96 công ty con niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng giá trị vốn hoá của các công ty này đạt 160 tỷ USD tính đến ngày 31/3/2019.
Tuy nhiên tập đoàn này cũng đang đối mặt với khá nhiều vấn đề xuất phát từ cả cấu trúc nội tại và sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ bên ngoài.
Hãy bắt đầu với cấu trúc. Tata Sons chỉ nắm giữ một phần các công ty thành viên. Trong cơn khát vốn thời kỳ những năm 1920, chính tay Tata đã "gieo mầm" cho 1 rắc rối mà đến nay vẫn là vấn đề đau đầu nhất đối với tập đoàn, cũng là căn nguyên của cuộc chiến giữa hai gia tộc kinh doanh lâu đời nhất ở Ấn Độ.
Tập đoàn xây dựng lâu đời SP Group đã cho Tata vay 1 khoản tiền mà sau này chuyển thành sở hữu cổ phần tại Tata. SP là tập đoàn xây dựng lâu đời có tên tuổi gắn liền với những công trình nổi tiếng nhất ở Mumbai, trong đó có nhà ga trung tâm và trụ sở của NHTW Ấn Độ. Giống như Tata là 1 công ty gia đình, SP thuộc sở hữu của gia tộc Mistry. Hai gia tộc này vẫn gắn kết chặt chẽ với nhau (thông qua cả kết hôn) có nghĩa là khi Tata muốn bán cổ phần thì Mistry sẽ là khách hang được ưu tiên. Ngày nay SP Group đang sở hữu 18,4% cổ phần ở Tata Sons.
Năm 2012, Ratan Tata, hiện là người cao tuổi nhất trong gia tộc, rời ghế Chủ tịch Tata Sons. Ông bổ nhiệm Cyrus Mistry (khi đó đang lãnh đạo SP Group) làm người kế nhiệm. Ratan đã nợ nhà Mistrys 1 ân huệ từ đầu nhiệm kỳ, khi tiền của nhà Mistry giúp loại bỏ những đối thủ sừng sỏ cạnh tranh với tập đoàn Tata trong giai đoạn Ấn Độ mở cửa nền kinh tế những năm 1990.
Tuy nhiên, Ratan đã để lại 1 mớ hỗn độn. Trong những năm 2000, ông đã tận dụng nguồn vốn giá rẻ khi kinh tế Ấn Độ bùng nổ như Trung Quốc để thực hiện một loạt vụ thâu tóm. Năm 2007, ông mua hãng thép Corus Steel của Anh với giá 12 tỷ USD. 1 năm sau ông chi 2,3 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất xe hơi Jaguar Land Rover (JRL). Ông cũng chi hàng trăm triệu USD để phát triển mạng lưới viễn thông, các dự án nhà máy điện và xây một số khách sạn.
Nhiều thương vụ đã trở thành trái đắng. Tata Steel hiện vẫn đang lỗ. JRL vẫn đang cố gắng để chinh phục thị trường vốn cạnh tranh rất khốc liệt. Dự án nhà máy điện chạy bằng than ở Gujarat được khởi công năm 2006 với sự khuyến khích của chính phủ nhưng vẫn đang lỗ nặng.
Kể từ năm 2007 đến nay, giá trị vốn hoá của Tata Steel đã lao dốc từ 14,5 tỷ USD xuống còn 5,4 tỷ USD; Tata Motors giảm từ 7,3 xuống 5,7 tỷ USD; Tata Power từ 7,4 xuống còn 2,3 tỷ USD và Indian Hotels từ 2,4 xuống 1,5 tỷ USD. Ngày nay 90% giá trị của Tata Sons gắn liền với số cổ phần đang sinh lời tại TCS, công ty lớn thứ hai ở Ấn Độ xét theo giá trị vốn hoá.
Năm 2016, Mistry bị chính Ratan loại khỏi ghế Chủ tịch. Người kế nhiệm Natarajan Chandrasekaran – cũng là người đứng đầu TCS - tiếp tục dọn sạch những rắc rối. Tata thoái vốn khỏi mảng viễn thông, giảm sản lượng thép và bán bớt những tài sản thua lỗ.
Kể cả nếu như kế hoạch cải tổ của Chandrasekaran thành công, 1 vấn đề khác nổi lên và Tata không hề dễ chi phối. Cấu trúc của Tata khiến các mảng khó có thể liên kết với nhau – ví dụ như kết hợp khách sạn, hàng không với 1 chuỗi café liên doanh với Starbucks. Cạnh tranh với Taj Mahal không còn là khách sạn ở Mumbai mà là chuỗi Four Seasons. Tata Motors phải đối mặt với BMW.
Trong thời bình thường, Tata có thể từ từ giải quyết những thách thức này. Tuy nhiên tình trạng ảm đạm của kinh tế Ấn Độ - mà càng nghiêm trọng hơn dưới sự tác động của Covid-19 - khiến tình thế trở nên khó khăn hơn nhiều. SP Group cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi bất động sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Và quan trọng hơn là mối quan hệ giữa hai bên đang rất xấu.
Sau khi mất chức, Mistry đã đưa ra hàng loạt cáo buộc về hành vi sai trái của Tata. Vốn được coi là một doanh nghiệp có tiêu chuẩn đạo đức cao, danh tiếng của Tata chịu nhiều tổn hại từ cuộc chiến tranh giành quyền lực.
Nhà Mistry đã tìm cách cầm cố cổ phần của mình tại Tata Sons để trả những khoản nợ lớn cho tập đoàn của họ. Nhưng những nỗ lực này bị cản trở bởi nhà Tata, gia tộc này cũng khẳng định họ là đối tượng đầu tiên có quyền mua lại cổ phần của gia đình Mistry. Cuối tháng 9 vừa qua, SP Group cho biết họ sẽ rời khỏi Tata Group.
Một lựa chọn dành cho Tata là huy động nguồn vốn hoàn toàn mới. Danh mục tài sản của tập đoàn sẽ được 1 quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hoặc 1 quỹ đầu tư quốc gia đánh giá cao. Tuy nhiên các nhà đầu tư bên ngoài có thể yêu cầu nhà Tata phải thoái bớt vốn, giảm bớt quyền điều hành. Có lẽ đó là cái giá để gìn giữ 1 biểu tượng quốc gia.
Tham khảo Economist