MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia tộc Shinawatra, chuyện bây giờ mới kể

04-03-2024 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Tỉ phú Thaksin Shinawatra và gia tộc của ông vẫn duy trì ảnh hưởng to lớn ở Thái Lan suốt hai thập kỷ qua bất chấp hai cuộc đảo chính năm 2006 và 2014

Sự chú ý dành cho ông Thaksin cũng như gia tộc quyền lực Shinawatra tăng trở lại sau khi các đảng đối lập, bao gồm Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5-2023.

Tích lũy uy quyền

Shinawatra là một trong những gia đình gốc Hoa nổi bật nhất ở tỉnh Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan. Ông Thaksin chào đời vào tháng 7-1949. Thời niên thiếu, ông học tập tại Mỹ rồi trở về Thái Lan phục vụ trong ngành cảnh sát.

Sau đó, ông phát triển sự nghiệp trong ngành viễn thông. Ông thành lập một đại lý máy tính nhỏ vào năm 1987, từng bước xây dựng nó thành Tập đoàn viễn thông lớn nhất Thái Lan: Shin Corporation.

Thành công trong kinh doanh trở thành bệ phóng đưa ông Thaksin tham gia chính trường vào những năm 1990. Ông từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng.

Năm 1998, ở tuổi 48, ông thành lập Đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái, TRT) và lên nắm quyền thủ tướng sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2001. 

Bốn năm sau đó, với tư cách là lãnh đạo TRT, ông trở thành thủ tướng Thái Lan đầu tiên tái đắc cử một cách áp đảo. TRT cũng lập được chính phủ một đảng đầu tiên của Thái Lan kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Gia tộc Shinawatra, chuyện bây giờ mới kể- Ảnh 1.

Người ủng hộ chờ đón cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước hôm 22-8-2023, sau gần 16 năm ông lưu vong. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, năm 2006, làn sóng phản đối chính phủ của ông Thaksin - với cáo buộc tham nhũng, còn ông bị tố trốn thuế - tăng nhiệt nhanh chóng. 

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD), còn gọi là phe Áo vàng, xuống đường biểu tình vào tháng 9-2006. Cùng tháng đó, đảo chính quân sự xảy ra khi ông Thaksin đang họp tại Liên Hiệp Quốc ở New York - Mỹ, buộc ông phải lưu vong.

Năm 2007, TRT bị giải thể với lý do "vi phạm luật bầu cử", song được kế tục lần lượt bởi Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP - tiếp tục bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan giải thể cũng với tội gian lận bầu cử) và Pheu Thai.

Năm 2008, ông Thaksin quay về Thái Lan nhưng phải vội vã ra đi để tránh phiên tòa xử ông tội tham nhũng. Cũng trong khoảng thời gian này, phong trào "áo đỏ" ủng hộ cựu thủ tướng lúc âm ỉ lúc dữ dội trước khi đạt đỉnh vào năm 2010, với hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ làm gián đoạn hoạt động của đất nước.

Đầy ảnh hưởng, nhiều chia rẽ

Cựu thủ tướng 74 tuổi được xem là chính trị gia thành công nhất trong lịch sử bầu cử Thái Lan. Các đảng có liên hệ với ông đều giành được nhiều ghế nhất trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, trừ cuộc tổng tuyển cử mới nhất vào năm 2023 - dù Pheu Thai về nhì song lại là đảng dẫn đầu liên minh cầm quyền hiện nay.

Sở dĩ ông Thaksin duy trì được vị thế dường như không hề lung lay là vì có được sự ủng hộ từ nông dân nhờ những thành tựu kinh tế và chính sách cải cách được đặt theo tên ông "Thaksinomics".

Ông Thaksin là chính trị gia đầu tiên khai thác sức mạnh bầu cử ở nhóm cử tri nông thôn phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan, với lời hứa dùng đế chế kinh doanh của mình giúp họ thoát nghèo.

Khi lên nắm quyền, ông đưa ra các chính sách cải thiện sinh kế như chăm sóc sức khỏe toàn dân, xóa nợ và cho nông dân vay, phụ cấp nhiên liệu, kích thích kinh tế địa phương bằng quỹ làng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp… để vực dậy đất nước sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á thời điểm đó. Nhiều người ủng hộ ông cho rằng thời gian tại vị của ông gắn liền với sự thịnh vượng về kinh tế.

Gia tộc Shinawatra, chuyện bây giờ mới kể- Ảnh 2.

Ông Thaksin Shinawatra và em gái Yingluck Shinawatra lần lượt bị lật đổ trong các cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và 2014. Ảnh: FACEBOOK

Được tung hô là thế, song ông Thaksin cũng là nhân vật cực kỳ gây tranh cãi. Tầng lớp thượng lưu và bảo thủ của đất nước tố cáo ông theo đường lối dân túy nguy hiểm, song song đó là những cáo buộc dai dẳng liên quan đến tham nhũng, lạm dụng quyền lực và xúc phạm chế độ quân chủ.

Đáng chú ý là vụ Tập đoàn Shin Corporation bán 49% cổ phần miễn thuế cho Công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore. Ngoài ra, còn có những tranh cãi về "cuộc chiến" chống ma túy mà chính phủ của ông phát động từ năm 2003, bị cáo buộc gây ra cái chết của hơn 2.000 người.

"Đối thủ của ông Thaksin đã làm mọi cách - kể cả đảo chính quân sự, không chỉ một mà những hai lần nhằm vào ông ấy (năm 2006) và người em gái là cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra (năm 2014). Các đảng liên quan đến ông Thaksin cũng bị giải tán hai lần" - ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư về khoa học chính trị tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), chỉ ra.

Hai năm sau đảo chính, ông Thaksin bị tòa án Thái Lan kết tội xung đột lợi ích khi đương chức và kết án vắng mặt 2 năm tù.

Theo Reuters, đến năm 2010, tòa án đã tịch thu tài sản trị giá 1,4 tỉ USD của gia đình Shinawatra và kết luận ông Thaksin che giấu cổ phần của Shin Corporation cũng như điều chỉnh chính sách để mang lại lợi ích kinh doanh cho mình. 

Triết lý của Thaksin

Ông Thaksin Shinawatra tự nhận mình có niềm tin khác với những người mà ông mô tả là "bảo thủ". "Tại sao lại không giúp người nghèo? Họ thoát nghèo đồng nghĩa cả nước thịnh vượng. Đất nước giàu lên thì tầng lớp tinh hoa còn hưởng lợi hơn nữa! Nhưng họ không hiểu, họ cứ muốn giữ nguyên hiện trạng" - ông chia sẻ với tờ Independent (Anh) năm 2011.

Ông cho rằng việc em gái mình, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, gặp rắc rối với chính sách hỗ trợ giá gạo sau hơn 1 năm cầm quyền là do "phe phái chính trị đố kỵ". Ông nói: "Họ sợ chúng tôi có thêm sức mạnh từ tầng lớp nông dân. Một nhóm khác phản đối chính sách này là các nhà xuất khẩu gạo. Chính phủ mua gạo của nông dân, sau đó bán rẻ cho các nhà xuất khẩu và họ tiếp tục bán ra thị trường thế giới với giá rẻ".

Tính đố kỵ, theo ông, cũng là nguyên nhân khiến ông dính các cáo buộc tham nhũng hay xung đột lợi ích. "Các cổ phiếu khác cũng tăng giá chứ không riêng cổ phiếu của tôi. Nhưng họ đánh lạc hướng dư luận. Họ nói tôi trốn thuế. (...) Bán cổ phiếu thông qua sàn chứng khoán ở Thái Lan được miễn thuế. Luật là như thế, song họ biết điểm yếu của xã hội là hay đố kỵ" - ông lập luận.

(Còn tiếp)

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên