Giá tôm nguyên liệu ở mức thấp nhất từ đầu năm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng). Hiện giá tôm đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.
- 16-06-2023Giá tôm giảm mạnh, người nuôi "treo ao"
- 07-05-2023Giá tôm thẻ giảm mạnh, ngư dân nuôi công nghệ cao điêu đứng
- 30-01-2023Sau Tết giá tôm thẻ tăng vọt, người nuôi lãi lớn
Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 19.300 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 187.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg ở mức 150.000 đồng/kg (giảm 22.000 đồng/kg), cỡ 40 con/kg giữ mức 130.000 đồng.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40 con/kg giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 95.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg còn 73.300 đồng/kg, cỡ 100 con/kg 67.000 đồng/kg (giảm 1.400 đồng/kg).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá tôm liên tiếp sụt giảm do hiện tại đang vào mùa vụ nuôi tôm chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn tập trung ở các nước nuôi tôm khác như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, trong khi tình hình xuất khẩu bị đình trệ.
Trong tháng 7, diện tích thu hoạch tôm tăng do giá thu mua tôm tại các nhà máy lớn ổn định và có xu hướng tăng. Mặt khác, xuất khẩu tôm có những tín hiệu tích cực. Sản lượng tôm tháng 7 ước đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, sản lượng tôm 7 tháng ước đạt 590.100 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, sản lượng tôm sú đạt 147.700 tấn, tăng 1,3%; tôm thẻ chân trắng ước đạt 404.600 tấn, tăng 5%.
Về cá tra, giá cá nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long giữ ổn định trong tháng 7/2023, dao động trong khoảng 26.500 - 27.500 đồng/kg cho cá cỡ từ 0,8 - 1 kg/con. Lượng thu hoạch của các công ty lớn ở mức thấp trong hệ thống ao nhà hoặc liên kết. Người nuôi cá tra gặp khó khăn do giá thành nuôi cá tra vẫn còn cao, người nuôi không có lãi, một số hộ tạm treo ao sau khi xuất bán. Sản lượng cá tra 7 tháng ước đạt 922.300 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động thu mua cá nguyên liệu trên thị trường suy yếu nên giá cá tra giống tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, hiện chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với tháng 6/2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thuỷ sản 7 tháng đạt đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%.
Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại và đến từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm; các nước có thế mạnh tôm nuôi bước vào cuối vụ.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD - bằng mức trước dịch COVID-19.
Với cá tra, cuối năm nay, kỳ vọng lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.
Ngoài ra, một số thị trường duy trì mức tăng trưởng dương trong suốt nửa đầu năm nay như Đức, Singapore, Anh… vẫn được coi là điểm đến khả quan cho ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam khi tăng từ 3 - 52%.
Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được coi là điểm đến tiềm năng khi nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn.
Báo tin tức