“Giá trị” của người phụ nữ đảm trách nội trợ trong gia đình: Góc nhìn từ số liệu ngành tư pháp tại Hàn Quốc
Đôi khi, giá trị của những người phụ nữ làm nội trợ tại nhà vẫn chưa được đánh giá đúng mức, dù công sức họ bỏ ra cho gia đình hoàn toàn không hề kém người chồng.
Tình yêu là nét phác thảo tinh tế trong một bức tranh đẹp, nhưng hôn nhân là hiện thực. Đối diện với hiện thực, có những người kiên trì dắt dìu nhau tới cuối con đường, nhưng cũng có những người hụt hơi trên con đường dựng xây một "hôn nhân vĩnh cửu". Sự vĩnh cửu ấy đã nói lời chia tay với gia đình Đặng Lê Nguyên Vũ – nhân vật chính trong "bi kịch ly hôn" cà phê Trung Nguyên vốn đang lan tỏa sức nóng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây.
Một mối tình đẹp đã chấm dứt, kèm theo đó là những hệ lụy để lại. Kết cục chia tay của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có lẽ đã an bài, nhưng cuộc tranh luận về chia tài sản vẫn chưa dẫn đến hồi kết. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm cổ phần vẫn nhận được sự quan tâm của số đông độc giả.
Trong lúc chờ đợi một "kết cục", cùng nhìn nhận số liệu từ ngành tư pháp Hàn Quốc - "người hàng xóm" có nhiều sự tương đồng trong văn hóa với Việt Nam - trong việc chia tài sản chung cho người phụ nữ đóng vai trò nội trợ trong gia đình.
Trong diễn biến xét xử vụ ly hôn nghìn tỉ của gia đình Đặng Lê Nguyên Vũ, Viện kiểm sát nêu nhận định: "Xét công sức ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp năm 1996, giấy phép ban đầu cấp chỉ đứng tên ông Vũ; bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh. Từ khi thành lập đến nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ hầu như quản lý, điều hành tập đoàn".
Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng cho rằng xét công sức bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi kết hôn và sinh con, bà Thảo có tham gia vào điều hành, hoạt động kinh doanh. Vì vậy, dựa trên thực tế về "sức lao động" của bà Thảo, Hội đồng xét xử được kỳ vọng sẽ đưa ra một tỉ lệ phân chia hợp lý.
Vậy nếu ở Hàn Quốc, một vụ ly hôn tương tự sẽ được xử ra sao?
Những con số biết nói đáng "giật mình"
Trong hai mươi năm gần đây, Hàn Quốc chứng kiến sự thay đổi từ "tỉ lệ kết hôn cao, ly hôn thấp" sang "tỉ lệ kết hôn thấp, ly hôn cao". Năm 1991, con số kết hôn và ly hôn lần lượt là 420.000 và 50.000. Khi bước sang năm 2011, tỉ lệ này đã thay đổi. Tỉ lệ kết hôn giảm 21% (330.000) trong khi tỉ lệ ly hôn tăng 132% (111.000).
Tuy nhiên, theo thống kê của Cơ quan thống kê dữ liệu năm 2014, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động gần như không đổi, ở mức tương đương 50%.
Điều này đặt ra một thử thách đối với Tòa án xứ Hàn: Làm thế nào để đánh giá được "giá trị sức lao động" của phụ nữ đảm trách công việc "tề gia nội trợ" trong gia đình, dù công việc này không trực tiếp tạo ra tài sản chung của vợ-chồng?
Bình đẳng – lời giải cho bài toán ly hôn của nhữg người vợ làm nội trợ
Điều 839-2 của Bộ luật Dân sự Hàn Quốc chi phối sự phân chia của tất cả tài sản khi ly hôn theo thỏa thuận. Điều luật quy định rằng mỗi người phối ngẫu có quyền đối với tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua "sự hợp tác". Điều 839-2 đã dành cho người phối ngẫu đảm trách công việc nội trợ trong gia đình, thông thường là người vợ, một "đặc quyền" đề nghị phân chia tài sản dựa theo sự đóng góp với sự hình thành tài sản chung của vợ chồng.
Theo đạo luật này, trừ trường hợp đạt được thỏa thuận, tòa án có quyền quyết định những tài sản được chia. Để xác định phương pháp phân chia, tòa án sẽ xem xét nguồn gốc và "quá trình" hình thành tài sản.
Tuy nhiên, đối với người phụ nữ làm công việc nội trợ trong gia đình và không "trực tiếp" tạo ra tài sản, Tòa án phải xác định liệu người vợ có "hợp tác" trong việc tích lũy tài sản hay không để quyết định việc chia tài sản một cách công bằng.
Bên cạnh đó, Điều 11.1 Hiến Pháp Hàn Quốc quy định: "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội hay văn hóa do giới tính, tôn giáo, hoặc địa vị xã hội". Vì vậy, nhìn trong mối tương quan với Hiến pháp – đạo luật gốc có giá trị pháp lý tối cao, pháp luật dân sự sẽ "buộc" phải thừa nhận "sự bình đẳng" trong nguyên tắc phân chia tài sản chung tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của vợ-chồng.
Điều 839-2 Bộ luật Dân sự Hàn Quốc dành cho Tòa án gia đình một "sân chơi", một quyền quyết định phương thức chia tài sản, và không định rõ cách thức phân chia. Khi phân chia, Tòa án sẽ xem xét những yếu tố như: tuổi của người vợ, thời gian chung sống, khoảng cách tuổi tác giữa vợ - chồng, sự tham gia thị trường lao động của người vợ/chồng,...
Tuy nhiên, từ số liệu về tỉ suất sinh khá thấp và có xu hướng giảm trong những năm gần đây, dường như vai trò của người phụ nữ thường được đánh giá chưa bình đẳng theo đúng tinh thần của Hiến Pháp và điều này được thể hiện trong một số phán quyết của tòa án Hàn Quốc trong lịch sử. Trên thực tế, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã tuyên bố các phán quyết của tòa án cấp dưới khẳng định lao động gia đình của một người phối ngẫu phải được tính công bằng khi áp dụng quy tắc này.
Việc đánh giá giá trị của người vợ trong hôn nhân tại Hàn Quốc dựa trên nguyên tắc bình đẳng về mọi mặt.
Phụ nữ xứng đáng được tôn trọng hơn, bởi phía sau thành công của đàn ông luôn có bóng dáng họ
Các Tòa án Hàn Quốc trong lịch sử đã đánh giá thấp sự đóng góp của những người phối ngẫu cung cấp việc nhà bằng cách cho họ ít tài sản hơn trong việc phân chia tài sản hôn nhân có được. Khi người phụ nữ đảm nhận nội trợ trong gia đình, tỉ lệ phân chia tài sản dừng lại ở con số 41,6% trong tổng giá trị tài sản chung. Trường hợp người đó tham gia vào thị trường lao động, tỉ lệ tăng lên 46,8% - một con số vẫn thấp hơn kỳ vọng 50% - nhằm đảm bảo cuộc sống cho người phụ nữ sau ly hôn.
Một ví dụ, tại Hàn Quốc, tranh chấp về chia trợ cấp hưu trí của người chồng sau khi ly hôn khá phổ biến. Trong một tranh chấp về phân chia khoản trợ cấp hưu trí "trong tương lai" mà người chồng có thể nhận được sau khi ly hôn, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết số 2002S36, trong đó khẳng định khoản trợ cấp hưu trí "trong tương lai" người chồng có thể nhận được (tính từ thời điểm ly hôn) không nằm trong tài sản phải chia với người vợ.
Phán quyết này của Tòa án Tối cao vào thời điểm đó chưa phản ánh được xu hướng "ly hôn tuổi xế chiều" tại Hàn Quốc. Do vậy, phán quyết này chưa hẳn đã hợp lý vì ba lý do. Thứ nhất, việc không chia khoản trợ cấp hưu trí có thể nhận được trong tương lai của người chồng đã vô hình chung đánh giá thấp vai trò đóng góp của người phụ nữ trong gia đình, đi ngược lại tinh thần tại Điều 839-2 Bộ luật Dân sự. Thứ hai, nó dẫn đến hạn chế quyền tự do ly hôn xuất phát từ lý do kinh tế. Ngoài ra, khoản trợ cấp "trong tương lai" được thừa nhận là "tài sản" theo pháp luật.
Tuy nhiên, kể từ năm 2007 đến nay, người phụ nữ Hàn Quốc đã và đang được hưởng nhiều đặc quyền hơn trong vấn đề pháp lý. Năm 2014, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra quyết định rằng những người phụ nữ sau ly hôn sẽ được sở hữu một phần trong số tiền lương hưu và tiền thanh toán hợp đồng làm việc của chồng cũ.
Thật khó để gán giá trị cho các giá trị "sức lao động" của người vợ khi không có tiền được trả cho các dịch vụ đó. Việc nội trợ và sinh con dường như là những công việc không tên dành cho người phụ nữ và "chỉ" người phụ nữ. Xuất phát từ lịch sử và quan niệm được hình thành từ đạo Nho, người phụ nữ đôi khi phải chịu một vài "thành kiến" và thiệt thòi, mặc dù bản thân họ đã và đang thực hiện những sứ mệnh thiêng liêng. Vì vậy, khi xem xét phân chia tài sản sau ly hôn, những mong những người cầm cân nảy mực sẽ đánh giá một cách khách quan và công bằng.
Những người phụ nữ sau ly hôn sẽ được sở hữu một phần trong số tiền lương hưu của chồng cũ.
Vụ ly hôn của "gia đình Trung Nguyên" có lẽ sẽ đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ, nhưng "cuộc phiêu lưu" của bản thân thương hiệu Trung Nguyên – một thương hiệu quốc gia được hàng triệu người tin tưởng mới là khởi đầu. Liệu vai trò người vợ của bà Thảo sẽ được pháp luật Việt Nam nhìn nhận như thế nào, chúng ta chỉ còn cách chờ xem phiên tòa diễn ra vào ngày 1/3 sắp tới mà thôi.