Giá trông giữ xe ở trung tâm Hà Nội tăng đột ngột: Vội vàng và thiếu lộ trình?
Ngày 1.1.2018, giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội chính thức được áp dụng mức thu phí mới, đối với xe máy, vé ngày là 5.000 đồng/xe, vé tối là 8.000 đồng/xe, phí gửi xe cả ngày và đêm là 13.000 đồng. Còn với ôtô, phí đỗ 2 tiếng đầu là 50.000 đồng/xe, sang tiếng thứ 3, 4 là 35.000 đồng/xe/h, bắt đầu từ tiếng thứ 5 trở đi là 45.000 đồng/xe/h, phí gửi cả ngày là 300.000 đồng/xe.
- 04-01-2018Hà Nội: Giá trông giữ xe cao ngất, dịch vụ Grab và Uber càng nở rộ?
- 04-12-2017Hà Nội đề xuất tăng giá trông giữ xe ở các quận trung tâm lên gấp 2 lần
- 23-03-2017Hà Nội dự kiến từ ngày 1/5 sẽ thu phí trông giữ xe qua di động
- 06-02-2017Xử lý tình trạng loạn phí trông giữ xe: Nhiệm vụ bất khả thi?
Nhiều người cho rằng, phí gửi xe tăng quá đột ngột, không có lộ trình cụ thể, trong khi các phương tiện công cộng phục vụ người dân thì vừa thiếu, vừa yếu khiến người dân rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Gửi xe 8 tiếng mất 300 nghìn đồng
Theo khảo sát của PV Báo Lao Động, tại các điểm trông giữ xe máy ở phố Lý Thường Kiệt, khu vực Hồ Hoàn Kiếm, vỉa hè trước cổng Bệnh viện Việt Đức, hay phố Phủ Doãn… các đơn vị khai thác bến đỗ xe đã thu phí gửi xe máy là 5.000 đồng/xe vào ban ngày, còn ban đêm là 8.000 đồng/xe.
Về mức tăng phí này, chị Nguyễn Đào - ở Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa - cho hay: Thông thường, tôi đi thăm người nhà tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chịu mức phí gửi xe ngày là 5.000 đồng/xe máy và phí gửi buổi tối là 10 nghìn đồng/xe.
Như vậy, mức phí gửi xe đã tăng hiện nay cũng chỉ bằng mức phí gửi các điểm này đã thu trước đây. Không biết, sắp tới các điểm trông xe này có “hét” cao hơn mức hiện tại nữa hay không”.
Trong vai một khách hàng gửi xe, chúng tôi hỏi nhân viên trông giữ phương tiện của Cty CP Đồng Xuân trên phố Lý Thái Tổ về việc áp dụng tăng phí gửi xe, người này cho biết: “Trông xe tăng giá nhưng thôi chưa lên giá vội, trước thu 5.000 đồng/xe, nay vẫn thu thế, vài ngày nữa chúng tôi cũng tính tăng lên 7 đến 8 nghìn đồng/xe cho hợp lý.
Còn với ôtô, giá thu theo quy định chung, nếu gửi xe 8 tiếng thì thu 300.000 đồng”.
Trước phí dịch vụ gửi xe tăng “chóng mặt” như hiện nay, chị Nguyễn Phương Lan - ở Đỗ Quang, quận Cầu Giấy - không khỏi giật mình: Trước đây gửi dịch vụ iParking mất 15.000 đồng/h, nay chỉ cần ngồi café, gặp gỡ khách hàng vài tiếng đồng hồ đi tong cả trăm nghìn đồng, quá đắt đỏ.
“Nói tăng giá gửi xe để giảm phương tiện vào nội đô, nhưng nếu có công việc tại khu vực này vẫn phải đi ôtô vào.
Bởi vì dịch vụ xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại do chất lượng chưa cao, chưa tiện ích, rất khó lòng để người dân lựa chọn” - chị Lan nói.
Qua tìm hiểu của PV Báo Lao Động, các điểm gửi xe ôtô trên phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng) và khu vực bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), hiện đã đồng loạt tăng giá.
Một người trông xe tại bãi gửi xe ôtô gần khu vực Mỹ Đình cho biết: “Hiện tại, khu vực đã chật kín số lượng xe gửi theo tháng và chỉ nhận gửi xe theo giờ.
Nếu gửi xe cả ngày và đêm theo tháng thì phí trông giữ 2.000.000 đồng/tháng và gửi xe ôtô 24 giờ thì phí gửi là 150.000 đồng/xe”.
Nói về bảng giá mới áp dụng phí dịch vụ gửi xe ôtô từ 1.1.2018, chị Nguyễn Hồng (ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) tá hỏa: “Gia đình tôi gửi xe ôtô tại khu vực Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng), mới nhận được thông báo tăng phí gửi xe từ 1,4 triệu đồng/tháng lên 2,6 triệu đồng/tháng.
Tôi không biết những khu vực nào bị tăng phí gửi xe đầu năm 2018, nhưng với mức tăng như thế này chắc phải bán xe, đi bằng phương tiện khác để tiết kiệm chi phí”.
Theo khảo sát của PV, các điểm trông giữ phương tiện ở lòng đường, hè phố đã lần lượt tăng giá. Tuy nhiên, tại các chung cư, trung tâm thương mại phí trông giữ xe vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Ông Nguyễn Trung Nguyên - Trưởng ban Đại diện tòa nhà Mipec Long Biên - cho biết: Đến thời điểm này, giá gửi xe ở chung cư Mipec Long Biên vẫn giữ nguyên, phí gửi xe với ôtô là 2 nghìn đồng/xe/h và 1,8 triệu đồng/xe/tháng.
Còn xe máy là 100 nghìn đồng/xe/tháng. “Tuy nhiên, chúng tôi mới nhận thông báo những xe được gửi vào trung tâm thương mại trước đây không thu tiền thì đến 15.1.2018, sẽ thu 5.000 đồng/xe máy và 10.000 đồng/ôtô” - ông Nguyên nói.
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ iParking
Chưa có lộ trình tăng phí hợp lý
Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, việc áp dụng giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa bàn từ 1.1.2018, đa số người dân đều đồng tình, chỉ có một bộ phận bị ảnh hưởng, mà ở đây chủ yếu là người đi xe ôtô.
“Chúng ta không cấm đậu đỗ ôtô, xe đạp, xe máy ở lòng đường, hè phố, mà quản lý bằng biện pháp kinh tế, để hạn chế bớt phương tiện cá nhân đi vào các tuyến đường nội thành.
Việc này, chắc chắn sẽ có nhiều luồng ý kiến khác nhau, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp thì khó có thể đồng thuận, còn đứng trên lợi ích chung của xã hội, đông đảo người dân đồng tình vì nó sẽ giảm một lượng xe khá lớn không cần thiết đi vào khu vực trung tâm” - ông Viện nói.
Ông Viện nêu ví dụ: Nhiều người ngồi uống cafe, đỗ xe cả ngày ở lòng đường, chiếm chỗ của người khác, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhưng nhà nước chỉ thu được 20 đến 30 nghìn đồng/xe.
Trong khi đó, những người khác vào phố có việc thì tìm không ra chỗ để xe, buộc phải gửi xe “chợ đen” với giá cao gấp nhiều lần giá nhà nước quy định.
Việc áp dụng mức phí gửi xe như hiện nay, sẽ giúp các giao dịch được thực hiện nhanh chóng hơn, các tuyến đường cũng trở nên thông thoáng hơn.
Nói về việc quản lý hiệu quả nguồn thu, ông Viện cho biết, hiện nay, Hà Nội đang triển khai các điểm trông giữ xe iParking, nhằm tránh thất thu ngân sách.
Tuy nhiên, người dân vẫn chưa quen với dịch vụ tiện ích này, Sở GTVT đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ tốt hơn, đồng thời hoàn thiện khâu quản lý sao cho mạch lạc.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các điểm trông xe trái phép, tự ý nâng giá vé gửi xe trên địa bàn.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng, việc tăng phí gửi xe là chủ trương lập lại trật tự đường hè phố, đó cũng là giải pháp tiến tới thực hiện đô thị thông minh, giảm bớt phương tiện giao thông cá nhân, khai thác sử dụng hiệu quả phương tiện giao thông công cộng, đồng thời là phương án tăng nguồn thu ngân sách, quản lý sử dụng vỉa hè đúng mục đích.
Tuy nhiên, để thực hiện được tốt cần giám sát chặt chẽ việc quản lý thực hiện, nhất là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng trông giữ xe trái phép trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng - việc tăng giá vé gửi xe đúng ra cần có lộ trình hợp lý, trước tiên chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa không gian công cộng, xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng và tuyên truyền rộng rãi đến người dân để họ hiểu và thực hiện.
“Nói như vậy cũng có nghĩa, việc tăng phí trông giữ xe khi chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết là hơi vội vàng và thực tế có sự tác động không nhỏ đến đời sống của nhân dân.
Việc này chỉ được coi là giải pháp tình thế, còn về lâu dài phải tạo ra lộ trình đồng bộ để giảm áp lực giao thông cho Hà Nội, chứ không phải trông chờ vào việc tăng phí như thế này” - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo ông Nghiêm, giải pháp tăng phí gửi xe đã được các nước trên thế giới áp dụng rồi. Tuy nhiên, khi áp dụng họ đều đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ với bến xe gửi ở ngoại ô, xe buýt, tàu điện đón trả khách.
Chính vì thế Hà Nội muốn giảm tải ùn tắc giao thông thì bức thiết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm phương tiện giao thông công cộng. Đó mới là giải pháp lâu dài, bền vững…
Sau khi giá dịch vụ trông giữ xe tăng đồng loạt thì nhiều người thay vì dùng xe riêng lại quay sang sử dụng các dịch vụ của Uber- Grap.
Những ngày đầu cho thấy tiêu chí giảm áp lực giao thông đã không mang lại nhiều hiệu quả. Cần phải có những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ đột ngột tăng giá khiến người dân... méo mặt.
Giá giữ xe tại TPHCM linh hoạt từng nhóm và khu vực
Hiện nay, TPHCM phân theo nhóm để áp dụng quy định mức giá dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể việc giữ xe gắn máy được phân làm 3 nhóm: Nhóm các địa điểm trông giữ tại trường học, bệnh viện; nhóm các địa điểm trông giữ tại chợ, siêu thị, chung cư hạng III, IV, cửa hàng kinh doanh (dịch vụ, thời trang, ăn uống...) và các trụ sở cơ quan, tổ chức (trừ cơ quan hành chính nhà nước); nhóm các chung cư hạng I, II, khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, rạp hát và các trung tâm thương mại phức hợp.
Đối với trông giữ xe ôtô thì phân thành khu vực: Khu vực 1 (quận 1, 3, 5); khu vực 2 gồm các quận - huyện còn lại.
Thành phố cũng quy định mốc thời gian giữ xe để làm cơ sở tính giá. Cụ thể thời gian ban đêm được xác định từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau.
Trường hợp thời gian trông giữ xe trong 2 giai đoạn trước và sau 21 giờ thì được tính phí như sau: nếu tổng thời gian trông giữ ít hơn 10 giờ thì tính mức giá ban ngày hoặc ban đêm (thời gian trông giữ trước 21 giờ nhiều hơn thời gian trông giữ sau 21 giờ thì thu theo mức giá ban ngày và ngược lại); nếu tổng thời gian trông giữ từ 10 giờ trở lên thì thu theo giá cả ngày và đêm.
Theo đó, mức giá giữ xe máy (xe máy điện, xe số, xe tay ga) có mức giá: Nhóm 1 là 2.000 đồng/lượt ban ngày, 3.000 đồng/lượt ban đêm, 5.000 đồng/lượt cả ngày lẫn đêm; tương ứng nhóm 2 là 3.000 đồng, 4.000 đồng, 7.000 đồng/lượt và nhóm 3 tương ứng 4.000 đồng, 5.000 đồng, 9.000 đồng/lượt.
Đối với xe ôtô: Khu vực 1 có giá 20.000 đồng/lượt ban ngày, 40.000 đồng/lượt ban đêm, 60.000 đồng/lượt cả ngày lẫn đêm (áp dụng cho loại ôtô 10 chỗ trở xuống); tương ứng 25.000 đồng, 50.000 đồng, 75.000 đồng/lượt (áp dụng ôtô trên 10 chỗ).
Khu vực 2 có giá 15.000 đồng, 30.000 đồng, 45.000 đồng/lượt (áp dụng ôtô từ 10 chỗ trở xuống) và giá 20.000 đồng, 40.000 đồng, 60.000 đồng/lượt (áp dụng ôtô trên 10 chỗ)
Đối với việc trông giữ xe tại các dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ chuyên về trông giữ xe được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư với nguồn vốn ngoài ngân sách, mức giá tối đa tại các địa điểm này áp dụng đối với từng dự án cụ thể và do UBND TPHCM quyết định. HUYỀN TRÂN
Liên quan đến vấn đề tăng phí trông giữ phương tiện có hiệu lực từ 1.1.2018, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, việc nâng phí gửi xe cần phải có lộ trình cụ thể, gắn với tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm và thực hiện.
Trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hệ thống phương tiện giao thông công cộng của Hà Nội còn nhiều hạn chế như hiện nay thì việc áp dụng mức phí mới quả là cú "sốc" đối với người dân.
Mặt khác, không phải người dân nào cũng có điều kiện đáp ứng mức phí đó. Chúng ta nên biết rằng, hiện nay tỉ lệ người giàu có, thu nhập cao, ổn định chỉ chiếm số ít, còn lại đại đa số là dân nghèo, những người dân lao động.
Tăng phí cũng chính là đánh vào túi tiền của họ, cuộc sống của họ, chính vì thế tôi nghĩ rằng tăng phí phải từ từ, có lộ trình cụ thể.
Đặc biệt, muốn quản lý tốt thì Nhà nước phải siết chặt quản lý các bến cóc, xe dù, xử lý nghiêm, dẹp bỏ hoàn toàn các bến xe tự phát, đó mới là giải pháp để lòng đường, hè phố thông thoáng.
T.DŨNG
Lao động