Giá USD đạt đỉnh 5 tuần, vàng thấp nhất gần 2 tháng, Bitcoin ổn định
Đô la Mỹ tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần, trong khi các đồng tiền chủ chốt khác của nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhất (G10) giảm do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến khiến USD trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư.
- 28-09-2021Mức độ thâm nhập của ngân hàng số, ví điện tử tại Việt Nam đang đến đâu?
- 28-09-2021Ngân hàng bán nợ thế chấp bằng cổ phiếu BVB
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng kể từ cuối tuần trước, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết họ có thể sẽ bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng ngay từ tháng 11 và ám chỉ rằng có thể sắp tăng lãi suất.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tối 28/9 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,2% lên 93,6, trước đó vài giờ có lúc đạt 93,67, mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 8.
Neil Jones, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngoại tệ của Mizuho, cho biết: "Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào lợi suất trên thị trường trái phiếu Mỹ", và "Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn tham chiếu (10 năm) đã vượt qua ngưỡng tâm lý, là 1,5%. Trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, thật khó để có được mức lợi tức 1,5% cho một loại tiền tệ, và mức lợi tức tăng như diều gặp gió đang làm cho USD trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư".
Theo ông Jones, tâm lý e ngại đối với các tài sản rủi ro càng làm trầm trọng thêm các động thái của thị trường tài chính, khi mà thị trường chứng khoán giảm.
Đô la Australia – đại diện cho đồng tiền có độ rủi ro cao, giảm 0,5% xuống 0,72525 USD. Đồng euro cũng giảm 0,1% so với USD, xuống 1,1686 USD/ EUR.
"Giữa nhiều dòng chảy đan xen nhiều chiều trên thị trường ngoại hối hiện tại - năng lượng, vụ Evergrande, trần nợ của Mỹ, virus biến thể Delta - một chủ đề dường như đang được quan tâm là thị trường đang ở giai đoạn cao điểm của việc xem xét chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed", các chiến lược gia của ING đã viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng. Theo các chuyên gia này: "Chúng tôi đã có nhiều cơ sở hơn để nâng vị thế đối với USD, đặc biệt là từ quý 2 năm sau. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ và đánh giá lại các phân tích xem liệu động thái đó có cần đến sớm hơn hay không".
Đồng yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng so với đồng đô la, giảm 0,3% vào ngày trưa 28/9.
Nhà phân tích tiền tệ Lee Hardman của MUFG cho biết đồng yên là đồng tiền G10 có tương quan nhiều nhất với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm. "Áp lực tăng lên đối với lợi suất của Mỹ sẽ tiếp tục tạo ra lực đẩy tỷ giá USD/JPY tăng trong thời gian tới", ông Hardman cho biết, mặc dù thêm rằng đồng yên đang bị "định giá thấp" - điều có thể hạn chế mức độ suy yếu của yên.
Các chiến lược gia của ING cho biết sự suy yếu của đồng yên còn do Nhật Bản đóng vai trò là nhà nhập khẩu năng lượng lớn. Giá dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đều đang đồng loạt tăng cao, mà Nhật Bản là nước nhập khẩu lớn các loại năng lượng.
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy một số nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đã cảnh báo về nguy cơ đà phục hồi kinh tế của đất nước bị trì trệ.
Đồng bảng Anh giảm 0,7% xuống 1,361 USD. Đồng tiền này đã tăng vọt vào tuần trước sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tỏ thái độ "diều hâu" về chính sách của mình, nhưng các nhà phân tích đã đánh giá lại tình hình và đưa ra lưu ý thận trọng về đồng tiền này khi nước Anh đang phải chật vật với sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng sau khi rời Liên minh Châu Âu.
Đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài trong ngày 28/9 ổn định ở mức 6.4606 nhân dân tệ/USD. Trong khi đó, ở trong nước, CNY ở mức 6,4556 vào cuối phiên, tăng 14 pips so với đóng cửa cuối phiên trước đó.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã thay đổi từ ngữ trong một tuyên bố sau cuộc họp của Ủy ban chính sách tiền tệ hàng quý mới dây nhất, trong đó thay thế cụm từ "tăng trưởng ổn định và bền vững" của biên bản cuộc họp trước đó.
Động thái mới nhất liên quan đến Evergrande, PBoC cam kết sẽ bảo vệ những người tiêu dùng là nạn nhân của vụ China Evergrande nguy cơ vỡ nợ, và đã tăng cường bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, sau khi chính quyền Thâm Quyến bắt đầu điều tra về công ty bất động sản này để ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng lây lan.
Goldman Sachs mới đây cho biết họ đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc xuống 7,8% từ 8,2% đưa ra trước đó, do tình trạng thiếu năng lượng và cắt giảm sản lượng công nghiệp sâu sắc tạo thêm "áp lực giảm đáng kể".
Đồng Bitcoin trong ngày 28/9 tiếp tục dao động trong biên độ hẹp do các nhà giao dịch vẫn tỏ ra thận trọng sau lệnh cấm tiền điện tử của Trung Quốc.
Bitcoin được giao dịch ở mức khoảng 42.000 - 43.000 USD, chỉ có một thời gian rất ngắn khoảng vài chục phút lúc đầu ngày tăng vọt lên gần 44.000 USD.
Hiện tại, có vẻ như một số người mua đã chuyển trọng tâm từ Bitcoin chuyển sang sử dụng mã thông báo tài chính phi tập trung (DeFi) sau khi Trung Quốc đàn áp các hoạt động tiền điện tử. Tuy nhiên, Morgan Stanley vừa tăng cổ phần của ngân hàng này tại Quỹ đầu tư Tín thác Bitcoin Grayscale (GBTC).
Mặc dù đang chịu sự "đàn áp dữ dội" từ Trung Quốc, dòng chảy tiền vào Bitcoin vẫn tăng lên, đến tuần qua là tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Theo đó, trong tuần tới 24/9 có 95 triệu USD chảy vào các quỹ Bitcoin, đưa tổng cộng 6 tuần lên 320 triệu USD, và tính từ đầu năm 2021 đến nay đạt 6 tỷ USD.
Diễn biến Bitcoin trong ngày 28/9
Giá vàng giảm do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ mạnh lên. Tối 28/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay xuống mức thấp nhất kể từ 11/8, là 1.730,50 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,9% xuống 1.736,50 USD.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Ngân hàng Commerzbank cho biết, do tâm lý thị trường đang chịu nhiều tác động nên các nhà đầu tư "không mấy lạc quan về triển vọng giá vàng".
Tham khảo: Reuters