Giá USD neo cao, vàng tăng mạnh, Bitcoin và Ether lao dốc phiên cuối tuần
Tâm lý của nhà đầu tư trên các thị trường tài chính nhìn chung đều không lạc quan vì bị áp lực bởi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy kết quả đan xen cả tốt và không tốt, và những lo ngại xung quanh biến thể Omicron, khiến chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm.
- 03-12-2021USD lấy lại đà tăng, vàng giảm mạnh
- 02-12-2021Tỷ giá USD/VND đột ngột tăng mạnh tại các nhà băng
Các loại tiền trú ẩn an toàn, đặc biệt là yen Nhật và Franc Thụy Sỹ, tăng giá mạnh mẽ trong phiên cuối tuần trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu và lợi tức trái phiếu Mỹ đều giảm do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của virus biến thể Omicron đang dẫn tới việc các nơi trên thế giới đóng cửa trở lại nền kinh tế của mình.
Đồng USD trải qua một phiên nhiều biến động, tăng giá khá mạnh nhưng kết thúc phiên chỉ còn tăng chút ít so với đóng cửa phiên trước, so với một tuần trước gần như không thay đổi, mặc dù tuần trước đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc tuần ở mức 96,146, gần như không thay đổi so với một tuần trước đó, và không xa so với mức cao kỷ lục kể từ tháng 7 năm ngoái đạt được vào tuần trước.
Thông tin từ Action Economics cho biết: "Thị trường những tuần gần đây tiếp tục chịu tác động bởi sự thay đổi về quan điểm chính sách tiền tệ, lo lắng về lạm phát và mới đây nhất là những bất ổn liên quan đến virus biến thể Omicron". Lo ngại lạm phát gia tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ thắt chặt tiền tệ kể kiềm chế lạm phát.
Dữ liệu từ Mỹ vừa công bố cho thấy số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 11 không được như mong đợi khi chỉ tăng 210.000 việc, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán là 550.000 trong cuộc thăm dò của Reuters.
Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh các số liệu việc làm của những tháng trước theo hướng tích cực hơn, và đưa ra những thông tin chi tiết chắc chắn về thị trường lao động nước này. Theo đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 10 được điều chỉnh tăng từ 531.000 lên 546.000, tháng 9 tăng từ 321.000 lên 379.000, tương đương tăng tổng cộng 82.000 việc trong hai tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng giảm từ 4,6% xuống 4,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Do đó, những người tham gia thị trường nhận định, với kết quả thị trường việc làm như vậy, Fed sẽ không thay đổi kế hoạch tăng tốc độ giảm mua tài sản, và có thể sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm tới, bất chấp mối đe dọa từ virus Omicron. Thị trường đánh giá xác suất Fed sẽ nâng lãi suất tiền tệ vào tháng 5/2022 lên tới 74%.
Jonathan Petersen, nhà kinh tế thị trường thuộc Capital Economics, cho biết: "Bất chấp báo cáo việc làm đan xen cả thông tin tốt và không tốt như vậy, chúng tôi cho rằng bức tranh tổng thể vẫn là áp lực lạm phát kéo dài ở Mỹ có khả năng Fed sẽ phải bình thường hóa chính sách một cách nhanh chóng hơn. Điều đó sẽ giữ cho đồng đô la mạnh".
Ông Petersen của Capital Economics cho biết giá trị của đồng đô la phản ánh "tác động phản ngược từ việc tăng lãi suất ở Mỹ sắp tăng, đặc biệt sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell's trong bài điều trần trước Quốc hội mới đây đã tỏ thái độ ‘diều hâu’ hơn, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về virus biến thể Omicron".
Nhìn chung, các nhà giao dịch ngày càng đặt cược rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ sớm xảy ra.
Dự đoán Fed sẽ sớm nâng lãi suất.
Đồng euro kết thúc phiên cuối tuần tăng 0,1% so với USD, lên 1,1307 USD. So với yen Nhật, đồng USD giảm 0,4% xuống 112,75 yen; so với đồng franc Thụy Sĩ, đồng đô la giảm 0,2% xuống 0,9179 franc.
Đồng bảng Anh giảm giá do khả năng Fed sớm nâng lãi suất trong khi vẫn chưa chắc chắn về việc liệu Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có nâng lãi suất trong tháng này hay không.
Nhà hoạch định chính sách của BoE, Michael Saunders, người đã bỏ phiếu cho việc tăng lãi suất vào tháng 11, hôm 3/12 cho biết ông muốn có thêm thông tin về tác động của biến thể Omicron mới trước khi quyết định cách thức bỏ phiếu trong tháng này (về việc có nâng lãi suất hay không).
BoE cho thấy các công ty Anh đang rất khó khăn trong việc tìm được những nhân lực cần thiết và dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn nữa trong năm tới.
Đồng bảng Anh kết thúc tuần giảm 0,6% xuống 1,3218 đô la, gần với mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2020 là 1,3194 đô la chạm tới hôm thứ Ba. So với đồng euro, đồng bảng Anh giảm 0,5% xuống 85,41 pence, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 11. Các nhà phân tích của ING dự báo rằng sức mạnh của đồng đô la sẽ là động lực đẩy USD tăng giá so với bảng Anh cho đến khi BoE có quyết định về tỷ giá vào ngày 16 tháng 12. Trong khi đó, UBS cho biết đồng bảng Anh có thể tìm thấy sự hỗ trợ từ việc chính phủ Anh đang thúc đẩy việc mở rộng chiến dịch tăng cường vắc xin để chống lại biến thể Omicron. "Tuy nhiên, lợi thế tương đối này rất có thể sẽ bị mất đi nếu tình hình trên toàn cầu xấu đi dẫn đến giá chứng khoán trên toàn cầu sụt giảm", UBS cho biết.
Báo chí đưa tin rằng việc Mỹ sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán thương mại với Vương quốc Anh vì lo ngại hậu Brexit liên quan đến vấn đề Bắc Ireland có thể gây thêm bất ổn cho đồng bảng Anh.
Nhân dân tệ của Trung Quốc trên thị trường mạnh lên so với đồng đô la trong phiên cuối tuần bất chấp ngân hàng trung ương nước này hạ mức tỷ giá tham chiếu, do một số nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc có thể chống chọi với tác động từ biến thể Omicron tốt hơn so với các nền kinh tế khác. Nhân dân tệ kết thúc ngày 3/12 ở mức 6,3718, tăng so với phiên trước đó.
Ngày 3/12, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất về chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ của các đối tác thương mại chủ chốt, trong đó cho rằng Việt Nam và Đài Loan đã vượt qua 3 ngưỡng về thặng dư thương mại, tài khoản vãng lai và can thiệp tỷ giá hối đoái, và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết các quan ngại của Washington. Trong báo cáo này, Mỹ kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Hầu hết các loại tiền tệ của Mỹ Latinh giảm giá trong phiên cuối tuần do lo lắng về diễn biến của dịch Covid-19 do biến thể Omicron. Mexico báo cáo có ca nhiễm biến thể này đầu tiên, trong khi đồng real của Brazil đi ngang trước cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương vào tuần tới.
Đồng peso Mexico giảm 0,5% và các quan chức nước này kêu gọi bình tĩnh sau khi vụ Omicron được phát hiện. Vụ này xảy ra sau khi phát hiện ra biến thể ở Brazil vào đầu tuần này – virus lần đầu tiên xuất hiện là ở Mỹ Latinh, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong hai năm qua.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, đồng peso đã tăng gần 3%, vượt xa các đồng tiền trong khu vực.
Mưc độ biến động của tiền tệ Mỹ Latinh trong tuần.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lao dốc mạnh có lúc về sát ngưỡng 52.000 USD sau khi Ether xuống còn khoảng 4.100 USD.
Theo thống kê của Coinglass, có đến nửa tỷ USD bị thanh lý trong 4 giờ gần nhất, với gần một nửa là các lệnh giao dịch Bitcoin. Có đến gần 82% các lệnh bị thanh lý là lệnh long, tập trung trên các sàn OKEx và Binance. Hiện Bitcoin đang ở quanh mức 53.000 USD, thấp nhất kể từ đầu tháng 10, và mất khoảng 10% giá trị so với mức cao kỷ lục lịch sử.
Việc Bitcoin giảm giá mạnh có liên quan đến lo ngại về virus Omicron ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, chứng khoán thế giới lao dốc trong phiên vừa qua, và Fed có thể sớm nâng lãi suất.
Tuy nhiên, có vẻ như "động lực tăng trưởng" cũng chính là lý do đằng sau xu hướng đi xuống của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới kể từ giữa tháng 11 đến nay.
Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng phiên cuối tuần tăng khá mạnh do nhà đầu tư lo ngại rủi ro gia tăng nên tìm đến vàng để trú ẩn an toàn. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm cũng làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.785,29 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,2% lên 1.783,90 USD.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA cho rằng: "Vàng đang được hưởng lợi từ tâm lý chuộng tài sản an toàn khi nhà đầu tư lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm nhanh việc mua trái phiếu và tình hình dịch Covid-19 phức tạp trở lại khi cả hai biến thể Delta và Omicron đều gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk