MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá USD tự do tăng vọt, vượt mốc 24.200 đồng

13-07-2022 - 09:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Giá USD tự do tăng vọt, vượt mốc 24.200 đồng

Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng duy trì ở mức trên 23.500 đồng.

Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do sáng nay (13/7) ghi nhận mốc cao mới, hiện phổ biến 24.120-24.220 đồng/USD, tăng khoảng 70 đồng so với phiên trước.

Tại các ngân hàng thương mại, một số nơi cũng đã tăng giá USD ngay từ đầu giờ sáng. Giá bán ra hiện phổ biến 23.520 – 23.530 đồng/USD.

Trong đó, Vietcombank tăng 10 đồng lên 23.220-23.530 đồng (mua vào – bán ra). Techcombank giữ nguyên chiều mua và tăng 4 đồng chiều bán lên 23.246-23.537 đồng/USD.

Như vậy, so với đầu năm 2022, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2,66%. Tuy nhiên, so với trước đại dịch Covid-19 (cuối năm 2019) thì mới chỉ tăng 1,3%.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hôm nay ở mức 23.198 đồng/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.502 đồng/USD và 23.893 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được giữ nguyên ở mức 22.550-23.400 đồng/USD.

VND đang chịu áp lực giảm giá khi đồng Dollar Mỹ liên tục mạnh lên trên thị trường quốc tế. Nguyên do là Cục dự trữ liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường kỳ vọng suy thoái xảy ra trong thời gian tới làm cho dòng tiền đổ vào đồng bạc xanh – được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, VND duy trì đà đi xuống cũng một phần đến từ áp lực vĩ mô trong nước (lạm phát, lãi suất). Nguồn cung ngoại hối cũng chịu áp lực khi cán cân thương mại đầu năm thu hẹp xuống còn 0,71 tỷ USD (phần lớn là do thâm hụt 1,7 tỷ USD) trong tháng 5.

Để ổn định tỷ giá, NHNN đã liên tục bán ngoại tệ trong thời gian qua. Theo Chứng khoán BSC, dự trữ ngoại hối Việt Nam tính đến hết tháng 6 còn khoảng 109 tỷ USD, vẫn còn dư địa để NHNN cân bằng cung cầu ngoại hối trên thị trường.

Mặc dù VND giảm giá so với USD nhưng mức giảm còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Theo SSI Research, so với cuối năm 2019, Bath Thái Lan (THB) đã mất giá tới 20,8%, Rupee Ấn Độ (INR) mất 11% và thậm chí đồng SGD của Singapore cũng đã giảm 3,9%. "Điều này cho thấy sức mạnh của đồng VND nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua". 

Phía NHNN nhận định, đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế như căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, làn sóng thắt chặt tiền tệ, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Bối cảnh đó đã gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá trong nước. Tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021 mà từ đầu năm 2022 đến nay đã liên tục tăng.

Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND.

NHNN cũng cho biết sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa. Qua đó tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

https://cafef.vn/gia-usd-tu-do-tang-vot-vuot-moc-24200-dong-20220713091429217.chn

Thu Thủy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên