MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng, bất động sản tăng: Dòng tiền sẽ đổ vào đâu?

23-05-2024 - 16:59 PM | Bất động sản

Giá vàng, bất động sản tăng: Dòng tiền sẽ đổ vào đâu?

Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh. Dù giao dịch ít nhưng giá nhà đất vẫn neo cao. Tỷ giá VND/USD “nóng” lên sau một thời gian ngừng tăng, trong khi làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu xuất hiện... Vậy, dòng tiền đầu tư sẽ đổ vào kênh nào trong thời gian tới?


Giá vàng, bất động sản tăng: Dòng tiền sẽ đổ vào đâu?
- Ảnh 1.

Bất động sản là một trong những kênh khá dồi dào dòng tiền đầu tư. Ảnh: Thanh Xuân.

Gửi tiết kiệm luôn là sự lựa chọn của nhiều người vì đây là kênh đầu tư không sợ lỗ. Tuy nhiên, thật ra trừ những giai đoạn ngân hàng chạy đua hút tiền gửi đưa lãi suất tiền gửi vượt trên 10%, phần lớn gửi tiết kiệm sẽ không có khả năng tích lũy tài sản. Gửi tiết kiệm thường được những người trung niên, người nghỉ hưu lựa chọn vì sự an toàn nên đem tiền tới ngân lấy lãi hàng tháng.

Vàng, tỷ giá cùng “sốt”

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến ngày 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Thêm vào đó, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước thì gửi tiết kiệm sẽ thấy rằng, lãi suất tiền gửi bị “ăn mòn” bởi lạm phát.

Trong khi đó, theo khảo sát sơ bộ, tính đến giữa tháng 5/2024 dù hầu hết các ngân hàng tái tăng lãi suất đầu vào song cũng chỉ loanh quanh dao động từ 6 - 7%/năm kỳ hạn dài.

Các chuyên gia của BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Việc nhóm các tài sản có mức độ đầu cơ cao, như vàng, tiền số, tăng trưởng rất nóng khiến cho tiền gửi của các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới, đặc biệt là tiền gửi có kỳ hạn dài. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác như: bất động sản, vàng, chứng khoán.

Thời điểm sáng ngày 22/5, tỷ giá USD trong nước vào sáng nay tăng nhẹ tại các ngân hàng thương mại. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 25,233 USD và mức bán ra là 25,463 USD. Tỷ giá USD trên thị trường tự do được giao dịch ở quanh mức 25,621 - 25,721 VND/USD (mua vào - bán ra). Tính ra từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng 4,8%.

Cũng trong thời gian tỷ giá biến động, giá vàng SJC đặc biệt hút sự quan tâm của nhà đầu tư vì mức giá tăng mạnh. Sáng 22/5, giá vàng SJC hiện niêm yết ở mức 88,9 - 90,9 triệu đồng/lượng. Trước đó, trong ngày 21/5, giá vàng SJC tại đây có lúc rớt xuống 88,5 - 90,5 triệu đồng/lượng.

Nhìn chung giá vàng miếng SJC trong xu hướng tăng và nới rộng khoảng cách với thế giới bất chấp giá vàng thế giới ít biến động và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp bằng đấu thầu vàng. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trên dưới 15 triệu đồng/lượng. Giới phân tích cho rằng vàng vẫn còn sức hút lớn.

Trong vòng một tháng qua, NHNN đã 8 lần gọi thầu và có 5 phiên tổ chức thành công. Tổng cộng, cơ quan quản lý đã tung ra thị trường 35.000 lượng vàng miếng SJC. Sau các phiên đấu thầu "ế ẩm" vào những lần đầu, NHNN đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu. Việc điều chỉnh này theo nhà điều hành giúp các phiên gần đây tăng số thành viên tham gia và quy mô vàng cung ra thị trường.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, các nhà đầu tư đang đo đếm các biến động để đưa ra quyết định. Trong đó có thời điểm chờ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu... Điều này đã khiến cho giá vàng trên thị trường thế giới vẫn trong chiều tăng, tăng thẳng đứng và trụ vững trên ngưỡng cao. Các nhà đầu tư lo ngại rủi ro nên đã thúc đẩy dòng tiền tìm đến các tài sản đảm bảo, trong đó có giá vàng vì thế liên tiếp phá đỉnh.

Khuyến nghị về việc có nên mua vàng vào thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng với việc giá vàng đang dâng cao, đặc biệt khoảng cách chênh lệch với giá thế giới là 15 triệu đồng/lượng như hiện tại, người mua cần cân nhắc khi xuống tiền.

Theo dự báo của ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới còn tiếp diễn thì giá vàng còn bị ảnh hưởng. Cùng với đó là áp lực lạm phát. Vàng luôn được xem là “hầm trú ẩn” an toàn trước bối cảnh địa chính trị căng thẳng và áp lực lạm phát cao, nên dòng tiền của nhà đầu tư đang chuyển hướng vào vàng.

Giá vàng, bất động sản tăng: Dòng tiền sẽ đổ vào đâu?
- Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư lựa chọn đổ tiền vào kênh vàng vì giá tăng liên tục. Ảnh: Quang Vinh.

Cân nhắc đổ dòng tiền vào đâu?

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhưng mức tăng chưa đủ hấp dẫn dòng tiền. Ông Hiếu đánh giá bất động sản (BĐS), chứng khoán hiện vẫn là kênh đầu tư rủi ro.

Chia sẻ thêm về dòng tiền, ông Hiếu đánh giá cao về sức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng. Mặc dù khuyến nghị về rủi ro của kênh đầu tư này, song ông Hiếu vẫn cho rằng do tâm lý của người dân Việt chuộng vàng, trong khi giá vàng tăng mạnh khiến đây vẫn là nơi hút tiền tốt.

Chênh lệch giá vàng tăng cao và duy trì trong thời gian dài cho thấy hoạt động đầu cơ giá vàng trong các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao, dù mức rủi ro cũng rất cao do những biến động nhanh trong ngắn hạn kèm theo chi phí giao dịch lớn giữa giá niêm yết chiều mua và chiều bán. Trong bối cảnh kênh đầu tư BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, có thể một lượng lớn tiền nhàn rỗi đã chảy vào kênh vàng.

Chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng cho rằng, bong bóng giá vàng đang dễ thấy nhất. Bước sang năm 2024, tạo sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, BĐS không nóng để hút tiền như năm 2021-2022. “Có thể nói rằng, có cả yếu tố thiên thời và địa lợi cho việc tạo sóng vàng” - theo ông Linh.

Tâm lý đám đông rất dễ bị thu hút bởi sóng. Sóng càng cao càng dễ hút tiền. Thay vì chứng kiến hàng dài người xếp hàng mở tài khoản chứng khoán của các năm trước thì rất nhiều người đã kiên nhẫn xếp hàng ở các cửa hàng vàng để mua.

Giới chuyên gia cũng khuyến nghị, nhà đầu tư chỉ nên giữ vàng trong trung, dài hạn. Trong tình hình hiện nay, vàng 9999 có thể giữ trong trung, dài hạn, vàng nữ trang có thể duy trì, nhưng vàng SJC có thể giảm nắm giữ nếu đang chiếm tỷ trọng quá lớn. Nhà đầu tư cũng nên xem xét đến các kênh đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn như chứng khoán đã bắt đầu đi lên từ tháng 12/2023.

Theo TS Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, dòng tiền đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, BĐS, chứng khoán. Trong đó, riêng đối với vàng, trong quý I/2024 giá đã tăng 23%, do đó chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đã lãi 23%. Cùng với đó, tiền vào chứng khoán cũng tăng cao, dòng tiền trong nước "cân" toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, tiền vào thị trường BĐS cũng có sự phục hồi đáng kể.

Với góc nhìn lạc quan hơn, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho biết, hiện có 2 dòng tiền gồm dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và dòng tiền đầu tư (chủ yếu đầu tư BĐS và chứng khoán). Tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm nhưng đã phục hồi vào tháng 3 và 4 cho thấy dòng tiền từ ngân hàng đã chảy vào doanh nghiệp, đầu tiên là xuất khẩu, sau đó đến tiêu dùng và vào khu vực người dân khi họ tăng việc làm, tăng thu nhập và tăng tiêu dùng. Do đó, ông Hiển dự đoán dòng tiền sản xuất, tiêu dùng sẽ mạnh lên rõ rệt vào quý III và cuối năm.

Với thị trường BĐS, sự phục hồi bắt đầu ghi nhận vào cuối năm ngoái, song chỉ ở vài phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Thanh khoản của thị trường BĐS đã bắt đầu tăng vọt trong 2 tháng đầu năm khi số lượng giao dịch tăng mạnh so với cùng kỳ. Số lượng hồ sơ giao dịch nhà đất trong 2 tháng đầu năm là khoảng 67.750 hồ sơ, tăng 18.801 hồ sơ so với cùng kỳ 2023, tương đương khoảng 20%. Đây là mức phục hồi rất tích cực sau 4 quý giảm liên tục trong năm 2023. Lãi suất thấp và hoạt động giải ngân dễ dàng từ phía các ngân hàng đã giúp cho các giao dịch BĐS tốt hơn rất nhiều.

Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong khi căn hộ tại TPHCM cũng bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá trở lại. Nguyên nhân chính khiến phân khúc căn hộ chung cư tăng mạnh là do nguồn cung sụt giảm. Nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội năm 2023 giảm khoảng 31% so với năm trước, còn tại TPHCM giảm hơn 50%. Số lượng dự đoán BĐS được phê duyệt ngày càng khan hiếm đang đẩy giá nhà tăng cao. Theo dự đoán của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là phân khúc bình dân, trung cấp.

TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trước, sau đó dòng tiền mới chảy vào BĐS. Sẽ mất ít nhất 2-3 năm, thị trường BĐS mới có thể hồi phục trở lại, trước hết ở các phân khúc có nhu cầu thực như nhà phố ở trung tâm, căn hộ chung cư ở trung tâm. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, đất nền ngoại thành hoặc tỉnh lẻ hồi phục chậm hơn, phải 3-5 năm sau mới có hi vọng sôi động trở lại.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, so với tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang quá thấp, nhiều kỳ hạn hiện nay đang thực âm, sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác.

Theo H.Hương-P.Vân

Đại Đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên