MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng, đô tiếp tục tăng, bảng Anh lao dốc

05-11-2021 - 20:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Giá vàng, đô tiếp tục tăng, bảng Anh lao dốc

USD đang hướng tới tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi báo cáo quan trọng về thị trường việc làm Mỹ và sau khi một loạt các ngân hàng trung ương tuần này đã trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chỉ số Dollar index - so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - cuối chiều 5/11 theo giờ Việt Nam tăng lên 94,452. Trong hai tuần qua, Dollar index đã tăng gần 1%.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu về thị trường lao động Mỹ, sẽ được công bố vào cuối ngày 5/11 theo giờ địa phương - yếu tố có thể làm thay đổi thời điểm tăng lãi suất của Mỹ.

Các nhà đầu tư tuần này lại khôi phục kỳ vọng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ thắt chặt, sau khi một số ngân hàng trung ương lớn nhất toàn cầu từ chối tăng lãi suất sớm.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm thứ Tư (3/11) nói rằng ông không vội tăng chi phí đi vay (lãi suất), ngay cả khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thông báo giảm mua tài sản hàng tháng (giảm 15 tỷ USD hàng tháng từ mức 120 tỷ USD trước đây).

Fed đã đặt ra điều kiện để nâng lãi suất là sự phục hồi của thị trường lao động. Các nhà kinh tế ước tính số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 10 tăng 450.000, sau mức tăng 194.000 của tháng 9.

"FOMC đã tỏ thái độ 'diều hâu' vừa phải, nhưng USD vẫn được định vị tốt hơn hầu hết các đồng tiền khác", theo nhận định của các chiến lược gia của Westpac.

"Đồng đô la Mỹ mạnh lên trong những ngày gần đây cũng bởi có thêm bằng chứng cho thấy thấy các hoạt động kinh tế ở Mỹ đang tăng trở lại," các nhà phân tích của MUFG cho biết.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm thứ Năm (4/11) thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản thay vì tăng lãi suất như thị trường đồn đoán, gây nghi ngờ về những thông tin phát ra gần đây từ ngân hàng này.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Anh là 'cú sốc' lớn nhất đối với thị trường tiền tệ trong tuần này, đẩy đồng bảng Anh lao dốc, với mức giảm trong một ngày mạnh nhất trong vòng hơn 18 tháng, mất tới 1,8% ngay sau cuộc họp của BoE (thứ Năm, 4/11).

Đồng bảng Anh giảm thêm 0,4% trong ngày thứ Sáu (5/11), chạm mức thấp nhất trong một tháng là 1,34390 USD.

Kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Năm (4/11), 7 trong số 9 thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoE đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi sất ở mức thấp nhất mọi thời đại, là 0,1%, để có thêm thời gian đánh giá tác động của chương trình bảo vệ việc làm của Chính phủ nước này, sau khi các dữ liệu về tình hình thất nghiệp trong giai đoạn gần đây cho thấy thị trườn lao động vẫn chưa bền vững.

Tháng trước, Thống đốc BoE, ông Andrew Bailey, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn lạm phát - vượt quá mục tiêu 2% của ngân hàng này, trong khi nhà hoạch định chính sách của BoE, Michael Saunders cho biết các gia đình ở Anh sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất tăng "sớm hơn đáng kể". Tuy nhiên, BoE tuần này đã làm tiêu tan kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc tăng lãi suất lên 0,25%.

Các nhà phân tích cho rằng đồng bảng Anh có thể sẽ tìm thấy sự hỗ trợ mới trong vài tháng tới khi BoE tiếp tục duy trì triển vọng về chính sách tiền tệ sẽ sớm được thắt chặt.

Đầu năm nay, đồng bảng Anh đã được hưởng lợi chính từ việc thương mại toàn cầu mở cửa trở lại, được hỗ trợ bởi chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 ở Anh giai đoạn đầu nhanh hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác.

Tuy nhiên, dữ liệu thăm dò hàng tuần cho thấy tỷ lệ đặt cược vào việc đồng bảng Anh tăng giá đã giảm đáng kể trong hai tháng qua, sau khi tăng lên mức cao nhất 3 năm vào tháng 3 - được thúc đẩy bởi sự quan tâm từ cả các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư dài hạn.

Các nhà phân tích cho rằng việc nhà đầu tư đặt cược BoE tăng lãi suất là động lực chính ngăn đồng bảng Anh suy yếu hơn nữa, bởi quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng nhiên liệu và tình trạng thiếu nhân viên hậu Brexit, trong khi số ca nhiễm COVID-19 vẫn ở mức cao.

Hai thành viên MPC gần đây đã nói rằng họ không có nhiều dư địa hành động để khắc phục nguyên nhân gốc rễ của lạm phát, bởi nền kinh tế đã mở cửa trở lại.

Đầu tuần này, Ngân hàng Dự trữ Australia cũng giữ nguyên lập trường ôn hòa, giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, bất chấp áp lực lạm phát. Đô la Australia đang tiến tới tuần giảm giá khoảng 2%, riêng trong phiên cuối tuần giảm 0,3% xuống 0,73795 AUD.

Tiếp sau đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde hôm thứ Tư (3/11) cũng đẩy lù khả năng sớm nâng lãi suất và cho biết rất khó có khả năng hành động như vậy trong năm 2022.

Đồng euro vững ở mức 1,15420 USD, sau khi giảm 0,5% trong phiên liền trước. Đồng USD đi ngang so với yen Nhật, ở mức 113,745 JPY.

Đô la Canada ngày 5/11 giảm mạnh nhất so với USD trong vòng gần 7 tuần do giá dầu giảm và đồng bạc xanh mạnh lên. CAD giảm 0,6% trong ngày 5/11 xuống 1,2468 CAD, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 17 tháng 9.

Ông Rahim Madhavji, chủ tịch của Knightsbridge Foreign Exchange, cho biết: "Giá dầu thay đổi đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của đồng đô la Canada".

Giá dầu phiên vừa qua đã lao dốc từ mức tăng mạnh lúc đầu phiên, sau một phiên giao dịch đầy biến động sau khi có thông báo sản lượng dầu của Saudi Arabia sẽ sớm vượt 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đồng đô la Canada giảm giá còn do xuất khẩu của nước này trong tháng 9 giảm bởi sự thiếu hụt chip bán dẫn ảnh hưởng đến sản xuất xe có động cơ và các loại phụ tùng. Báo cáo về thị trường việc làm của Canada tháng 10 sẽ được công bố trong ngày thứ Sáu (5/11), có thể cung cấp thêm manh mối về sức khỏe của nền kinh tế nước này.

Trên thị trường tiền tệ Châu Á, đồng rupiah giảm do GDP của nước này tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, trong khi hầu hết các đồng tiền châu Á khác phiên thứ Sáu (5/11) đều giảm so với một tuần trước đó do Fed thông báo lộ trình cắt giảm kích thích kinh tế.

Đồng Rupiah kết thúc ngày 5/11 giảm 0,4% do GDP của nước nền kinh tế lớn nhất đông nam Á này trong quý III tăng chậm lại, còn 3,51% do những biện pháp hạn chế chống Covid-19. Tính chung cả tuần, rupiah giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2020.

Đồng đô la Đài Loan và ringgit Malaysia cũng giảm khoảng 0,2% trong phiên cuối tuần so với USD, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 2 liên tiếp.

Nhân dân tệ Trung Quốc phiên này cũng giảm so với USD sau khi ngân hàng trung ương nước này ấn định tỷ giá tham chiếu giảm so với phiên liền trước. Mặc dù vậy, CNY vẫn duy trì ở mức cao nhất nhiều năm so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của nước này, nhất là so với bảng Anh, sau khi BoE quyết định giữ nguyên lãi suất.

Giá CNY giao ngay chiều 5/11 ở mức 6,4009 CNY, giảm 29 pip so với phiên liền trước.

Về triển vọng của thị trường tiền tệ, thời điểm tăng lãi suất của Fed sẽ vẫn là chủ đề quan tâm chính. Các nhà phân tích dự báo Dollar index sẽ giao dịch quanh mức 94 điểm.

Trong số các loại tiền điện tử, bitcoin ngày 5/11 giao dịch trong khoảng 62.000 USD, nhìn chung đi ngang kể từ sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 67.000 USD vào cuối tháng trước. Ether duy trì quanh mức 4.400 - 4.500 USD.

Giá vàng, đô tiếp tục tăng, bảng Anh lao dốc - Ảnh 1.

Giá Bitcoin 24 giờ qua.

Giá vàng quốc tế sắp kết thúc tuần tăng khoảng 1%. Cuối chiều 5/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.794,83 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,2% lên 1.796,90 USD.

Tham khảo: Reuters, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên