MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng ngày 30 Tết được đẩy lên gần 37,5 triệu đồng/lượng

15-02-2018 - 11:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số đơn vị kinh doanh vẫn mở cửa giao dịch trong ngày 30 Tết nhưng nhiều DN cũng đóng cửa nghỉ lễ từ trưa 28 Tết và thông báo mở cửa trở lại vào ngày mùng 6.

Sáng ngày 15/2 tức 30 Tết, một số cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng vẫn mở cửa cho người dân đến giao dịch.

Tại các doanh nghiệp lớn như PNJ, Bảo Tín Minh Châu và ngân hàng đã bắt đầu nghỉ lễ từ ngày 29 Tết. Riêng hệ thống bán lẻ của PNJ ở các Trung tâm thương mại thì vẫn mở cửa bình thường. Duy có DOJI là đóng cửa trên toàn bộ hệ thống từ 12h trưa ngày 28 Tết.

Các doanh nghiệp và ngân hàng thông báo sẽ mở cửa giao dịch vàng trở lại từ ngày mùng 6 Tết - đúng lịch đi làm của cả nước. Riêng ngày vía thần tài nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, các doanh nghiệp sẽ mở cửa từ 6h30 thay vì 8h00 như ngày thường.

Nhưng trước khi đón Tết, giá vàng được các doanh nghiệp đẩy lên rất cao – mức cao chưa từng thấy trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Cụ thể, chốt năm âm lịch Đinh Dậu, giá vàng các nhãn hiệu riêng vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu báo giá tại 37,02 – 37,47 triệu đồng/lượng, đắt hơn 300 nghìn đồng so với trước đó 1 ngày. Còn vàng miếng SJC thì được đẩy lên 37 – 37,17 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng các nhãn hiệu riêng của thương hiệu này được mua vào ở mức 36,98 triệu đồng/lượng và bán ra là 37,18 triệu đồng/lượng. Trong khi đó vàng SJC thì mua vào chỉ 36,89 triệu đồng và bán ra tại 37,06 triệu đồng mỗi lượng.

Sáng ngày 30 Tết, giá vàng của PNJ cũng được lên khá cao so với ngày trước đó, mua vào phổ biến 37,04 triệu đồng và bán ra là 37,4 triệu đồng/lượng đối với cả vàng 4 số 9 nhãn hiệu riêng PNJ lẫn vàng SJC.

Nếu so với cuối năm âm lịch 2016 thì giá vàng chốt năm 2017 tăng khoảng 300 nghìn đồng/lượng - mức tăng không nhiều. Tuy nhiên với mức giá bán ra từ 37,1 – 37,47 triệu đồng/lượng là mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Trong các phiên giao dịch cuối cùng của năm, các doanh nghiệp vàng cho biết nhu cầu mua bán vàng loại nguyên lượng rất hiếm, trong khi đó người dân chủ yếu mua vàng miếng nhỏ cỡ nửa phân hoặc một vài chỉ để làm quà tặng.

Đặc biệt nhiều người cũng có nhu cầu mua vàng để lì xì đầu Xuân. Nếu như trước đây tặng lì xì bằng vàng thường ít người chú ý, nhưng vài năm qua khi kinh tế khá hơn thì nhu cầu lì xì bằng vàng (nhất là với người làm ăn buôn bán) trở thành "mốt" hơn, nhất là vàng dạng đồng xu 4 số 9 để trong các phong bao màu đỏ.

Đáp ứng theo nhu cầu của người dân, nhiều doanh nghiệp cũng cho ra đời các sản phẩm vàng phục vụ ngày Tết theo từng năm, ví dụ năm Mậu Tuất 2018 thì có các đồng xu in hình chú chó vàng. 

Theo các doanh nghiệp này, linh vật Tuất đứng vị trí thứ 11 trong 12 con giáp, thuộc hành Thổ, đất khô, có Hỏa, có Kim, dương tính rất mạnh, có ý nghĩa mang lại nhiều năng lượng và sinh khí cho gia chủ, giúp toàn gia luôn hưng thịnh trong công việc và đời sống. Bên cạnh đó, chất liệu vàng truyền thống luôn được coi trọng trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa người Việt nói riêng bởi vàng là đại diện cho sự giàu sang, phú quý và may mắn.

Ngoài các sản phẩm vàng in hình linh vật, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đưa ra các mẫu vàng truyền thống có chữ Tài, Lộc... để người dân có thêm lựa chọn với mong muốn được nhiều tài lộc và bình an trong năm mới.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên