MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng giảm tuần đầu tiên trong 5 tuần, quặng sắt mất mát nhiều nhất 17 tháng

25-07-2021 - 06:56 AM | Thị trường

Giá vàng thế giới phiên cuối tuần quay đầu giảm, tính chung cả tuần giảm đầu tiên trong vòng hơn một tháng sau khi trải qua 3 phiên giảm và chỉ có 2 phiên tăng. Giá quặng sắt tuần này cũng đi xuống do giảm trong cả 5 phiên. Trái lại, giá thép tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.

Giá vàng giảm tuần đầu tiên trong vòng 5 tuần

Chuỗi tăng kéo dài nhiều tuần của giá vàng đã kết thúc khi giá vàng tuần này quay đầu giảm bởi USD mạnh lên làm giảm sức hút của kim loại vàng, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tính toán lại danh mục đầu tư.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên cuối tuần, 23/7, giảm 0,3% so với phiên liền trước, xuống 1.800,72 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8/2021 vững ở 1.801,80 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 0,7%, là tuần giảm đầu tiên trong vòng 5 tuần.

Giá vàng giảm tuần đầu tiên trong 5 tuần, quặng sắt mất mát nhiều nhất 17 tháng - Ảnh 1.

Trên thị trường quốc tế đang diễn ra một "cuộc tranh chấp" mạnh mẽ giữa các tài sản đầu tư: tài sản an toàn (vàng, USD) và tài sản rủi ro (hàng hóa, chứng khoán và các loại tiền hàng hóa). Việc nhà đầu tư "thèm khát" tài sản rủi ro trong thời gian gần đây đã làm lu mờ sức hút của vàng. Đồng USD mạnh lên mức cao nhất trong vòng nhiều tháng càng gây áp lực giảm lên giá kim loại quý này.

Tuy nhiên, các tài sản rủi ro không thể "đè bẹp" vàng khi mà lo ngại về biến thể Delta đang tăng nhanh ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu, khiến nhà đầu tư phải tìm các tài sản an toàn. Không may là ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đang chuộng USD hơn là vàng.

Đồng USD tuần này tăng tuần thứ 2 liên tiếp, trong tuần đạt mức cao nhất 3,5 tháng và hiện vẫn giữ quanh mức đó. USD mạnh lên khiến cho vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Yếu tố ngăn giá vàng giảm mạnh trong tuần này là lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Chuyên gia Kunal Shah thuộc công ty Nirmal Bang Commodities cho biết giá vàng đã bị giới hạn trong phạm vi hẹp do sức mạnh của đồng đô la Mỹ, thậm chí có khả năng giảm về mức 1.775 USD/ounce trong ngắn hạn.

Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX cho biết: "Vàng là một lựa chọn thay thế cho tiền giấy. Do đó, với việc đồng đô la tăng giá, vàng phải chịu một chút áp lực giảm giá".

Fitch Solutions trong một thông điệp cũng cho rằng: "Chúng tôi nhận định vàng sẽ tiếp tục bị giới hạn ở phạm vi hẹp trong những tuần tới. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn là động lực chính của giá vàng trong những tháng tới, sẽ hỗ trợ cho giá vàng".

Các nhà giao dịch vàng đang tập trung vào cuộc họp của Fed, sẽ diễn ra vào tuần tới, để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ của Mỹ, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hôm 22/7 đã cam kết giữ lãi suất thấp kỷ lục thêm một thời gian dài nữa. Lãi suất thấp khiến cho việc nắm giữ vàng trở nên hấp dẫn không kém so với nắm giữ tiền.

"Điều đó có nghĩa là lãi suất thực còn âm lâu dài ..., sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu đối với vàng trong trung và dài hạn", ngân hàng Commerzbank cho biết.

Giá quặng sắt tuần này giảm mạnh nhất 17 tháng

Thị trường quặng sắt trở nên nguội lạnh khi giá giảm suốt 5 phiên trong tuần này.

Phiên cuối tuần, 23/7, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 2% xuống 1.124 nhân dân tệ (173,60 USD)/tấn; tính chung cả tuần, giá giảm khoảng 10%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2020 và thấp hơn 17% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 5/2021. Quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore phiên 23/7 cũng giảm 0,2% xuống 197,25 USD/tấn.

Giá quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc hiện cũng giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần, là 209,50 USD/tấn.

Nguyên nhân giá quặng sắt giảm xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sản xuất của ngành thép, buộc các nhà máy thép phải cắt giảm sản lượng để tránh bị trừng phạt.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép phải giữ sản lượng thép trong năm nay ở mức không cao hơn so với năm 2020, trong khi sản lượng nửa đầu năm nay đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà chiến lược hàng hóa của ngân hàng ANZ cho biết, tại thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc là Đường Sơn, "các nhà chức trách tuyên bố sẽ trừng phạt các hành vi vi phạm hạn chế sản xuất". Theo đó: "Một số công ty thép cuộn độc lập đã tạm dừng sản xuất từ đầu tháng Bảy, và dự kiến xu hướng đóng cửa sẽ gia tăng trong những tháng tới".

Tuy nhiên, việc hạn chế sản lượng thép lại có tác động ngược lên giá thép, đẩy giá mặt hàng này tăng vọt vì lo ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt.

Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên 23/7 tăng 2,2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,7%, cả 2 loại tính chung cả tuần đều tăng tuần thứ 4 liên tiếp.

Đáng chú ý, giá thép không gỉ trên sàn Thượng Hải lập kỷ lục cao 19.400 nhân dân tệ/tấn, tăng 4,8% do lo ngại nguồn cung khan hiếm.

Giá vàng giảm tuần đầu tiên trong 5 tuần, quặng sắt mất mát nhiều nhất 17 tháng - Ảnh 2.

Mức tăng giá sắt thép tại Trung Quốc: Thép không gỉ tăng nhiều nhất

Với việc các nhà máy thép Trung Quốc phải nỗ lực cắt giảm sản xuất hơn nữa để bù lại mức tăng sản lượng của đầu năm, dự kiến giá quặng sắt sẽ còn giảm nữa, và giá thép sẽ chưa kết thúc đà tăng trong thời gian tới.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên