Giá vàng khó lường, mang 1 tỷ đi mua vàng bất chấp, một tuần mất bay cục tiền
Sau khi giảm mạnh vào ngày cuối tuần, giá vàng hôm nay 22/11 trên thị trường thế giới mở cửa phiên đầu tuần lại có dấu hiệu tăng nhẹ. Giá vàng trồi sụt thất thường những ngày qua khiến người mua vàng tiền tỷ mất bay hàng chục triệu đồng
- 21-11-2021Các nhà phân tích và thương nhân dự báo ra sao về giá vàng tuần tới?
- 21-11-2021Giá vàng “lao dốc” không phanh, người mua lỗ nặng
- 20-11-2021Giá vàng có thể sớm tăng lên 1.900 USD
Mở cửa phiên sáng đầu tuần, giá vàng thế giới hôm nay (22/11) trên sàn Kitco đứng ở mức 1.846 USD/ounce. Trong khi đó, tại thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC hôm nay của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn hiện tại được niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức: 59,50 triệu đồng/lượng (mua vào), 60,22 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thoắt tăng lại thoắt giảm khó lường
Do lực bán chốt lời gia tăng, kết thúc tuần vừa qua, giá vàng thế giới quay đầu giảm tới hơn 20 USD/ounce. Tương tự, giá vàng trong nước cũng “nhảy múa”, biến động mạnh và giảm tới 850.000 đồng/lượng.
Giá vàng thoắt tăng thoắt giảm
Cụ thể, tại thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC có thời điểm bứt phá vọt lên trên 62 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, cuối tuần, vàng miếng SJC giảm mạnh xuống sát 60 triệu đồng/lượng, 'bốc hơi' 1,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong phiên giao dịch cuối tuần qua.
Trên thị trường vàng thế giới, có thời điểm giá vàng thế giới điều chỉnh xuống mức 1.849USD/ounce, rồi sau đó tăng vọt lên 1.878USD/ounce, nhưng sau đó lại giảm trở lại và đóng cửa tuần ở mức 1.845USD/ounce. Giá vàng thế giới phiên cuối tuần đã giảm khá sâu do lực bán chốt lời gia tăng và việc đồng USD tăng giá gây sức ép. Trong tuần qua, giá vàng giảm 20,2 USD/ounce, tương đương -1,08%.
Với mức giá chốt ở phiên cuối tuần là 1.845 USD/ounce thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 51,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 9,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trồi sụt liên tục trong tuần qua xuất phát từ nỗi lo lạm phát và đây cũng là nhân tố chính tác động tới giá vàng tuần này bởi áp lực lạm phát hiện không chỉ tăng mạnh ở Mỹ, mà còn ở nhiều quốc gia khác như Canada (tăng lên 4,7%), Anh (tăng lên 4,2%)…
Ngoài ra, còn một nhân tố sẽ tác động không nhỏ tới giá vàng tuần này đó là việc bổ nhiệm tân Chủ tịch Fed. Theo đó, nếu Chủ tịch Fed có sự thay đổi thì lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD sẽ có sự thay đổi qua đó sẽ tác động tới giá vàng trong tuần này, giá vàng có thể tăng hoặc có thể giảm.
Tuy nhiên, giá vàng ngắn hạn có thể tiếp tục điều chỉnh và tích lũy, nhưng giá vàng trung và dài hạn vẫn trong xu thế tăng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu giá vàng tuần này đóng cửa trên mức 1.835USD/ounce thì giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn và hướng về vùng 1.900USD/ounce. Ngược lại, giá vàng tuần này cũng có thể sẽ điều chỉnh sâu hơn, không ngoại trừ khả năng xuống dưới 1.800USD/ounce.
Liên quan đến dự báo giá vàng tuần này, theo kết quả khảo sát trực tuyến về giá vàng tuần này của Kitco cho thấy có tới 71% trong số người trả lời khảo sát tin rằng giá vàng sẽ tăng, 15% cho rằng giá vàng giảm và 14% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng giá vàng sẽ yếu hơn vào tuần này do kim loại quý này không thể vượt qua mức kháng cự 1.873 USD/ounce.
Có nên đầu tư khi giá vàng tăng cao?
Thời gian qua, giá vàng trong nước có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, chỉ tính từ ngày 8 đến 19/11, giá vàng SJC đã tăng gần 4 triệu đồng/lượng và thiết lập kỷ lục mới, đạt mức hơn 62 triệu đồng/lượng.
Có nên đầu tư khi giá vàng tăng cao? |
Nhưng điều đáng quan tâm là quy đổi theo tỷ giá ngân hàng thì có thời điểm, mỗi lượng vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới gần 11 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Mặc dù vàng trong nước hiện không còn là kênh đầu tư phổ biến như trước đây nhưng tâm lý tích trữ vàng của người dân vẫn khá phổ biến.
Vào những ngày giá vàng trong nước tăng lên mức hơn 62 triệu đồng/lượng thì vẫn có nhiều người dân bỏ cả tỷ đồng đi mua vàng bất chấp phải trả đắt hơn gần 11 triệu đồng cho một lượng vàng miếng SJC. Điều này theo các giới chuyên gia cảnh bảo là khá rủi ro.
Chỉ tính trong tuần vừa qua, với mức giá giảm 1,7 triệu/lượng, người bỏ 1 tỷ đồng lướt sóng vàng đã bay mất 30 triệu đồng.
Giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư trong nước không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng như một số kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế và chênh lệch giá gần 11 triệu đồng/lượng.
Mới đây, theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý 3/2021 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của làn sóng Covid thứ 4 ở Việt Nam, giao dịch vàng trong nước cũng không mấy sôi động, nhất là ở khu vực TP.HCM khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa do thực hiện quy định giãn cách.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng đã chuyển hướng từ vàng sang thị trường cổ phiếu khi thị trường chứng khoán trong thời gian qua tăng mạnh với số lượng nhà đầu tư F0 cũng tăng cao.
Theo nhận định của giới phân tích trong lĩnh vực vàng, nếu giá vàng quá đắt so với với thế giới và khoảng cách ngày càng giãn rộng trên 10 triệu đồng/lượng thì khó tránh được vàng lậu sẽ vào thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng tăng cao như thế có nghĩa là nó thể hiện có sự rủi ro bởi nếu giá vàng trong nước tăng cao có thể nó sẽ khuyến khích vấn đề buôn lậu vàng để hưởng giá chênh lệch. Đồng thời giá vàng tăng cao như thế cũng có nghĩa nó có thể được điều chỉnh từ mức cao xuống mức thấp hơn và trong trường hợp này thì người đầu tư vàng sẽ chịu rủi ro. Vì thế nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch.
Không chỉ giới chuyên gia, các doanh nghiệp vàng cũng khuyến cáo nhà đầu tư khi đầu tư thị trường nào đó, đặc biệt là thị trường vàng thì phải có kiến thức để tránh rủi ro và tìm được lợi nhuận tối đa.
Infonet