Giá vàng năm 2021 dự báo sẽ tiếp tục biến động rất mạnh nhưng vẫn mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư
Sau một năm tăng ngoạn mục, nhiều nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ còn tăng tiếp trong năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng ngày càng tỏ ra thận trọng hơn khi dự đoán về triển vọng của kim loại quý này giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục.
- 01-01-2021Thị trường ngày 1/1: Giá dầu và vàng tăng; ngô và đậu tương lập ‘đỉnh’ 6,5 năm, đường cao nhất 5 tuần
- 31-12-2020Thị trường ngày 31/12: Giá dầu và vàng tăng, ngô và đậu tương cao nhất 6,5 năm, quặng sắt giảm mạnh
Mặc dù sau đó giá đã giảm xuống, kết thúc năm 2020 ở mức 1.892,97 USD/ounce (hợp đồng giao ngay - tham chiếu cho thị trường vàng toàn cầu), song năm 2020 vẫn là một năm thành công rực rỡ của nhà đầu tư vàng khi lợi nhuận tăng khoảng 1/4.
Đầu tư vào vàng năm 2020 đã vượt xa đầu tư vào chứng khoán
Dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu suy yếu, buộc các ngân hàng trung ương phải tung ra các biện pháp kích thích kinh tế lớn chưa từng có từ trước tới nay, gây lo ngại lạm phát gia tăng và tạo áp lực giảm giá USD, thôi thúc các nhà đầu tư đổ xô đến với vàng.
Nhu cầu mua vàng vật chất đã giảm mạnh do giá vàng quá cao và những đợt giãn cách/cách ly xã hội để chống dịch Covid-19.
Trái lại, nhu cầu mua vàng đầu tư (vàng thỏi) lại tăng mạnh, thể hiện qua việc lượng vàng mà quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust - nắm giữ đã tăng mạnh, thêm khoảng 30% so với năm liền trước – là mức tăng nhiều nhất kể từ 2009.
Xu hướng nắm giữ vàng của quỹ tín thác vàng SPDR cùng chiều với giá vàng
Triển vọng năm 2021 vẫn tươi sáng
Có nhiều lý do để các nhà đầu tư tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nhiều khả năng sẽ tiếp tục kích thích kinh tế hơn nữa cho đến 2022, và đảng Dân chủ sẽ nỗ lực tìm cách để tăng chi tiêu. Mới đây nhất, gói hỗ trợ chống Covid-19 trị giá gần 900 tỷ USD của Mỹ đã được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn, sẽ càng làm tăng tính thanh khoản cho đồng USD. Những điều đó sẽ gây áp lực khiến USD tiếp tục giảm giá, mặc dù hiện đã ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm. USD giảm luôn kích thích các nhà đầu tư nắm giữ những loại tiền tệ khác mua vàng vào.
Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý và kim loại cơ bản của BMO, nằm trong số những nhà phân tích đánh giá rất cao yếu tố này trong việc tác động lên giá vàng trong năm 2021. Trên thực tế, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhìn chung đều cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp thêm một thời gian sài nữa để duy trì tính thanh khoản cho thị trường, giúp kinh tế hồi phục vững vàng sau đại dịch Covid-19.
Thứ hai, nợ chính phủ khổng lồ, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thực tế là âm, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng duy trì gần 0% trong thời gian lâu dài sẽ khiến đầu tư vào vàng trở nên hấp dẫn hơn so với vào trái phiếu hoặc gửi tiền ở ngân hàng. Ross Norman, một nhà phân tích độc lập đánh giá cao lý do này khi nhận định về thi trường vàng năm 2021. Theo Norman, những rủi ro như lạm phát và bất ổn thị trường sẽ hỗ trợ giá vàng tăng tiếp trong năm 2021, với mức tăng dự báo cũng sẽ đạt khoảng 20%.
Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi ngược chiều với giá vàng
Công ty tư vấn Capital Economics đến nay vẫn giữ quan điểm rằng xu hướng tăng của giá vàng có thể duy trì mức giá cao trong năm 2021, khi lợi suất thực tế thấp của trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng và bù đắp phần lớn sự suy yếu do xu hướng chuyển sang các kênh rủi ro của nhà đầu tư. Capital Economics dự báo giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến cuối năm 2021.
Trong khi đó, ngân hàng HSBC vẫn bảo lưu dự báo giá vàng sẽ trung bình quanh mức 1.965 USD/ounce vào năm 2021. Theo HSBC, giá vàng có thể nhận được nhiều hỗ trợ vào nửa đầu năm nay, sau đó những yếu tố hỗ trợ sẽ yếu dần về cuối năm. Do đó, giá vàng sẽ duy trì ở mức khoảng 2.000 USD/ouce trong nửa đầu năm, sau đó giảm xuống 1.900 USD/ounce ở nửa cuối năm.
Hai ngân hàng Goldman Sachs và ANZ còn lạc quan hơn khi vẫn giữ nguyên triển vọng tăng giá của vàng cho năm 2021, đạt khoảng 2.300 USD/ounce. Goldman Sachs nhận định chu kỳ tăng giá của vàng vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục trong năm 2021, khi lạm phát tăng, đồng USD suy yếu và nhu cầu vàng trên thi trường bán lẻ ở các nền kinh tế mới nổi hồi phục.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhìn chung đều nhận định, con đường phía trước của vàng rất "gập ghềnh", giống như khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến nay. Nguyên nhân bởi diễn biến của thị trường vàng đang phụ thuộc rất lớn không chỉ vào diễn biến của đại dịch Covid-19 mà còn cả vào hiệu quả của những vắc xin chống dịch bệnh này. Trong trường hợp đại dịch được khống chế thành công, các loại vắc xin ngừa Covid-19 chứng minh được hiệu quả và sớm được tiêm đại trà trên khắp thế giới, khi đó các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang tài sản rủi ro cao và bỏ rơi mặt hàng vàng.
Trên thực tế, giá vàng bước vào năm 2020 ở mức 1.520 USD/ounce, nhưng sau đó giảm xuống chỉ 1.498,80/ounce hồi tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở phương Tây giữa bối cảnh các yếu tố chính trị gây áp lực lên thị trường vàng (xung đột địa chính trị tại Trung Đông giữa Mỹ và Iran). Sau đó, vàng chứng kiến một đợt giảm giá mạnh nữa, đó là sau khi nhiều vắc xin Covid-19 được công bố kết quả thử nghiệm có độ hiệu quả cao.
Song dù vắc xin có được tiêm đại trà thì thế giới vẫn cần có một thời gian không ngắn để có thể hồi phục hoàn toàn sau đợt suy thoái đau đớn lần này. Do đó, năm 2021 dự báo thị trường vàng sẽ vẫn lấp lánh trong mắt các nhà đầu tư.
Tham khảo: Reuters, Kitco, Bloomberg