"Giá vàng rồi sẽ tăng lại": Câu thần chú của những người lướt sóng khi giá như 'tàu lượn siêu tốc'
Từ kênh đầu tư truyền thống, vốn được coi là “hầm trú ẩn” trong bối cảnh lạm phát, nhiều người mua vàng rồi sang tay ngay sau vài ngày với hy vọng kiếm lời lời từ vài đến hàng chục triệu đồng.
- 13-05-2024Giá vàng như ‘lên đồng’, có tiền cũng không mua được
- 13-05-2024Giá vàng SJC biến động dữ dội, NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu vàng miếng sáng 14/5 với hai thay đổi lớn
- 13-05-2024Phó Thủ tướng: “Chính phủ rất đau đầu về giá vàng”
Sau hơn 30 phút xếp hàng trước cửa một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy, Nguyễn Hồng Ngọc Linh (30 tuổi, Hà Nội) nhẩm đếm, chỉ cần chờ 10 người nữa, cô sẽ đến lượt giao dịch. Những ngày gần đây, người phụ nữ này dành phần lớn số tiền tiết kiệm, tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi từ 1-2 lượng vàng miếng. Bất chấp sáng 13/3, giá kim loại quý đột ngột giảm 3 triệu đồng sau giờ mở cửa, Linh vẫn duy trì thói quen này.
"Giá vàng rồi sẽ tăng lại", Linh dự đoán. Suy đoán của cô không phải thiếu cơ sở khi gần đây giá vàng liên tục phá đỉnh.
Hồi cuối năm 2023, giá kim loại quý vượt 70 triệu đồng/lượng, xô đổ mức 80 triệu đồng/lượng. Những ngày gần đây, vàng tiếp tục phá đỉnh 90 triệu đồng, tiến sát mốc 92,5 triệu đồng/lượng. Liên tục tăng giá, kim loại quý trở thành kênh đầu tư sinh lời tốt nhất đầu năm 2024, áp đảo mọi kênh đầu từ khác như gửi tiết kiệm, trái phiếu, VN-Index với mức tăng hơn 20% tùy loại vàng miếng hay vàng nhẫn trơn.
Giá vàng tăng nóng, khiến quan điểm đầu tư của những người như Ngọc Linh thay đổi. Từ kênh đầu tư truyền thống, vốn được coi là "hầm trú ẩn" trong bối cảnh lạm phát, người phụ nữ này dần làm quen một khái niệm mới hơn – lướt sóng vàng.
Tuần trước, Ngọc Linh dành tiền tiết kiệm mua 2 lượng vàng miếng, giá 84,3 triệu đồng. 3 ngày sau, 9X bán toàn bộ số vàng đã mua ở mức giá 92,5 triệu đồng/lượng. Đồng nghĩa, sau ít ngày, chị Linh lãi 8,2 triệu đồng/lượng, tổng hơn 16 triệu đồng.
"Tôi không phải bỏ nhiều công sức, chỉ cần xếp hàng chờ tới lượt rồi bán khi thị giá đang neo cao, ăn chênh lệch. Lãi từ việc mua vàng trong ba ngày bằng cả tháng lương của tôi", Ngọc Linh nói.
Đã từng thu lãi từ việc lướt sóng vàng, nên đến sáng nay khi vàng tạm "hạ nhiệt", chị Linh lại hòa vào dòng người xếp hàng trước tiệm vàng. Theo chị, dù biết giá vàng mua lúc đỉnh là mạo hiểm, nhưng đà tăng giá trong thời gian dài vừa qua vẫn khiến chị củng cố quyết tâm lao mình vào giữa cơn sóng. Ngoài ra, tính thanh khoản tốt cùng giá trị nội tại của kim loại quý cũng là lý do Ngọc Linh vẫn tiếp tục kỳ vọng kênh đầu tư này tạo ra lợi nhuận.
Cũng nuôi ý định "lướt sóng" vàng để kiếm lời trong ngắn hạn nhưng anh Phạm Quang Hưởng (42 tuổi, Hà Nội) không may mắn như thế.
Anh vay tiền gia đình, bạn bè mua 10 cây vàng, giá 92 triệu đồng/lượng vào chiều ngày cuối tuần. Nhưng sáng nay, khi giá kim loại quý lao dốc hơn 3 triệu đồng/lượng, tâm lý anh Hưởng dao động. Anh chấp nhận bán 1/3 số vàng đang có để phòng rủi ro, chấp nhận lỗ gần 10 triệu đồng sau chưa đầy 24 giờ vì sợ giá kim loại quý sẽ tiếp tục lao dốc.
"Số vàng còn lại, nếu vàng chạm mốc 95 triệu đồng/lượng tôi sẽ bán để bù lỗ. Còn không, tôi giữ vàng như kênh đầu tư dài hạn", người đàn ông này nói.
Câu chuyện lướt sóng vàng của anh Hưởng hay chị Linh không cá biệt, thậm chí phổ biến trong bối cảnh vàng áp đảo các kênh đầu tư khác. Khi lãi suất tiết kiệm thấp, chứng khoán khó nhằn với những người không chuyên, giá vàng liên tục nhảy múa khiến nhiều nhà đầu tư sốt ruột.
Bên cạnh đó, nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước cộng hưởng với đà tăng của vàng thế giới khiến nhiều người nuôi hy vọng giá kim loại quý sẽ liên tục phá định trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, quyết định lướt sóng vàng khi thị trường "lên cơn sốt" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo giới phân tích, quyết định việc đầu tư vào một loại tài sản nào theo hình thức lâu dài hay ngắn hạn, phụ thuộc nhiều vào tâm lý cùng mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Người mua vàng cần phải tự trả lời cho câu hỏi, nếu mua vàng bây giờ, vài ngày nữa giá giảm có tiếc không và ngược lại.
Song song đó, nhà đầu tư cần phân bố danh mục cho phù hợp, không nên "bỏ hết trứng" vào một giỏ, đồng nghĩa, không nên dồn toàn bộ tài sản để tích trữ vàng mà bỏ quên các kênh tiềm năng khác.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Trong kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để theo thẩm quyền xem xét thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành theo quy định pháp luật .
Từ đó ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn hoạt động của thị trường vàng. Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.
"Bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.
"Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5/2024, không để chậm trễ hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đời sống & pháp luật