Giá vàng SJC nhích nhẹ phiên đầu tuần
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng nhẹ trong phiên sáng nay trong khi giá vàng giao ngay trên Kitco cũng có xu hướng đi lên.
- 21-07-2019Trữ vàng hay gửi tiền ngân hàng có lợi?
- 21-07-2019Cắt bỏ vây cánh, giá vàng tăng cao trong… trật tự
- 19-07-2019Lo ngoại tệ “vượt biên” vì vàng
Khảo sát lúc 9h35 sáng nay (29/7), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 39,44 – 39,69 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua.
Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn ở mức 250 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Tập đoàn Doji, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 20 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, hiện đang ở mức 39,45 – 39,65 triệu đồng/lượng.
Trong tuần trước, mỗi lượng vàng SJC tăng nhẹ 20 nghìn đồng, tương đương 0,05% giá trị.
Biểu đồ: Kitco
Cùng thời điểm, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang giao dịch ở mức 1.421,9 USD/ounce, tăng 3,6 USD, tương đương 0,25% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank sáng nay, hiện giá vàng thế giới khoảng 39,88 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng trong nước 0,44 triệu đồng/lượng.
Theo kết quả dự báo giá vàng hàng tuần do Kitco News thực hiện, đa số khảo sát các chuyên gia tại Wall Street và ý kiến trả lời khảo sát trực tuyến tại Main Street đều cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này.
Cụ thể, cuộc khảo sát tại Wall Street cho thấy, 50% ý kiến cho rằng giá vàng sẽ tăng, chỉ 19% dự báo giá sẽ giảm và 31% quan điểm trung lập.
Còn tại cuộc khảo sát Main Street, có 61% ý kiến trả lời kì vọng giá vàng sẽ tăng, trong khi có 23% ý kiến dự báo giá vàng sẽ giảm và 16% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Giá vàng thế giới tăng trong những tuần gần đây được các chuyên gia phân tích là do nhiều ngân hàng Trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đẩy mạnh việc dự trữ kim loại quý cũng như nhu cầu trú ẩn an toàn của giới đầu tư, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.