MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng SJC, vàng nhẫn biến động thất thường, người mua "sốc" vì lỗ 4 triệu đồng/lượng sau 1 ngày

16-04-2024 - 22:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Giá vàng SJC, vàng nhẫn biến động thất thường, người mua "sốc" vì lỗ 4 triệu đồng/lượng sau 1 ngày

Chỉ sau một ngày, người mua vàng có thể bị lỗ đến 4 triệu đồng/lượng.

Bất chấp việc giá vàng biến động mạnh và đắt chưa từng có, nhu cầu đầu tư vàng trong thời gian gần đây vẫn tăng mạnh. Có thể thấy tại các cửa hiệu lớn nhỏ, lượng người đến mua, bán vàng sôi động và thậm chí phải xếp hàng khá lâu mới có thể giao dịch. Nhiều cửa hàng đã phải hạn chế lượng vàng bán ra cho mỗi người do nhu cầu mua tăng quá mạnh.

Trong khi đó, giá vàng trong nước những ngày qua biến động dữ dội và gây nhiều bất ngờ. Có nhiều thời điểm, mặc dù giá vàng thế giới hồi phục, giá vàng trong nước lại quay đầu lao dốc, hoặc ngược lại. Đặc biệt trong cùng 1 phiên, giá vàng nhẫn và vàng SJC đều có thể đảo chiều tăng/giảm liên tục hàng trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng mỗi lượng.

photo-1713280324163

 

Đáng lưu ý, chênh lệch giá mua – giá bán vàng nhẫn trơn đã được nới rộng lên khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khoảng 2 tuần trở lại đây, thay vì mức thông thường là 1 triệu đồng/lượng. Cùng với việc giá vàng SJC lẫn vàng nhẫn đều biến động mạnh trong cùng 1 ngày, liên tục đảo chiều hàng triệu đồng thì rủi ro với người lướt sóng vàng là rất lớn, có thể lỗ đến 4 triệu đồng/lượng trong 1 phiên.

Chẳng hạn, nếu bạn mua vàng miếng SJC vào đúng đỉnh giá hôm qua (15/4) khoảng 85,5 triệu đồng/lượng thì bán ra cuối ngay 16/4 sẽ chỉ được khoảng 81,7 triệu đồng/lượng, tức lỗ 3,8 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, ghi nhận trưa ngày 15/4, một số cửa hàng đã nâng giá vàng miếng SJC lên 83,5-85,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên sang ngày 16/4, loại vàng này đã quay đầu lao dốc và giảm xuống còn 81,7-83,7 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn trơn 24k cũng đang điều chỉnh khá mạnh tại nhiều thương hiệu. Chẳng hạn như tại DOJI, giá vàng nhẫn hôm 10/4 lập đỉnh 76,8-78,6 triệu đồng/lượng, sau đó giảm dần, đến hôm 15/4 còn 75,55 – 77,55 triệu đồng/lượng, và ngày 16/4 có thời điểm rớt xuống 74,6-75,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, người "đu đỉnh" hôm 10/4 mà bán ra thời điểm này có thể bị lỗ 4 triệu đồng/lượng.

photo-1713280279377

 

Thế nhưng thực tế, trong khi có người "ăn không ngon, ngủ không yên" vì vàng liên tục biến động thì cũng có những người tin rằng "chưa bán thì chưa lỗ" vì vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Mối quan tâm của nhà đầu tư với giá vàng thế giới cũng nhiều hơn trước vì có tác động đáng kể và xác lập xu hướng cho giá vàng trong nước. Tuy vậy, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn khá lớn và không phải lúc nào cũng diễn biến đồng pha.

Hiện giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế khoảng 2.390 USD/ounce, đã hồi phục đáng kể sau khi rơi xuống 2.332 USD/ounce vào cuối tuần trước. Với mức giá này, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt (chưa bao gồm thuế, phí) tương đương khoảng 73 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn trong nước gần 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC gần 11 triệu đồng/lượng.

Hiện các cơ quan quản lý đã bắt đầu có những động thái để điều chỉnh chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Ngày hôm qua (15/4), Ngân hàng Nhà nước thông tin cho biết sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này (15-19/4) tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối, nhằm tăng cung vàng cho thị trường. Đây là lần đầu tiên trong vòng 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể có tác động tâm lý trong ngắn hạn, không phải là giải pháp căn cơ cho vấn đề chênh lệch giá hiện nay. Theo TS, Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao dẫn đến mất cân bằng cung cầu. Để bù đắp lại sự mất cân bằng đó thì một là buôn lậu, hai là tăng giá vàng trong nước lên.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thương hiệu khác cùng chất lượng cũng rất lớn. "Trên thế giới chỉ còn mỗi Việt Nam là Ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Vậy thì xoá bỏ sự độc quyền đó đi", ông Nghĩa nói.

Bình luận về việc NHNN chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đây chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn, xoá bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Lan Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên