Giá vàng tăng gần 2 triệu đồng/lượng sau một đêm, vượt mốc 53 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước sáng nay (22/7) biến động mạnh, tăng tới 1-1,7 triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa. Giá bán ra vàng SJC một số nơi đã vượt mốc 53 triệu đồng/lượng.
Đến 11h30 (22/7), các cửa hàng vàng trong nước đều điều chỉnh giá vàng SJC về quanh mốc 53 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán hiện khoảng 0,8-1 triệu đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết vàng SJC với giá 52,00-52,85 triệu đồng/lượng, giảm 450 nghìn đồng/lượng so với mức cao nhất sáng nay.
Tập đoàn Phú Quý hiện niêm yết giá vàng SJC ở mức 52,15-52,95 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 600 nghìn đồng/lượng so với khi mở cửa. Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết 51,95-53,05 triệu đồng/lượng. DOJI giữ nguyên mức niêm yết 52,00-52,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay trên thế giới lúc 11h30 (22/7 giờ Việt Nam) là 1.855 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD, giá vàng thế giới tương đương với 52,0 triệu đồng/lượng (đã gồm thuế, phí), thấp hơn so với giá vàng trong nước.
---------------
Giá vàng trong nước mở cửa sáng nay (22/7) tiếp tục tăng mạnh, điều chỉnh khoảng 1 -1,7 triệu đồng/lượng so với chiều hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán được nới rộng lên tới 0,8-1,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 8h30 (22/7), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng giá vàng SJC tới 1,7 triệu đồng/lượng so với chiều hôm qua lên mức 52,0-53,2 triệu đồng/lượng.
Bảng niêm yết giá vàng của PNJ lúc 8h30 (22/7)
Tương tự, Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với hôm qua lên 51,5-52,6 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 52,00-52,8 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 51,6-52,3 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá vàng liên tục tăng cao kể từ đầu tháng 7 nhưng các doanh nghiệp vàng cho biết không có giao dịch đột biến. Theo quan sát tại các cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội, người dân chủ yếu mang vàng đi bán để chốt lời, trong khi mua vào rất ít. Trong ngày 21/7, một đại diện kinh doanh của DOJI cho biết, giao dịch tại DOJI so với các ngày trước đó cũng không có quá nhiều biến động. Tỷ lệ mua/bán vàng miếng và vàng ép vỉ trung bình ở mức 80%.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, nhà đầu tư cần cẩn trọng, không nên lướt sóng trong những đợt tăng mạnh do chênh lệch giá mua vào và bán ra được nới rộng. Cụ thể, trong chiều hôm qua (21/7), chênh lệch giá mua - bán vàng SJC mới chỉ 0,3 triệu đồng/lượng nhưng đến sáng nay (22/7) đã lên tới 0,8 - 1,3 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng cũng đang tăng dựng đứng. Lúc 8h30 (22/7 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Comex đã lên tới 1.857 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce so với phiên trước.
Trong bối cảnh lãi suất thấp ở hầu khắp các nước trên thế giới, giới đầu tư càng đặt niềm tin lớn vào vàng, đẩy giá kim loại quý này tiếp tục tăng cao. Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng tại nhiều nước, bất chấp những tín hiệu tốt về việc thử nghiệm vaccine.
Bên cạnh đó, nợ công nhiều nước tiếp tục lên cao kỷ lục. Chính phủ Anh vừa công bố nợ công tăng vọt lên gần 2.000 tỷ bảng (2.543 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2020. Đây là mức cao nhất kể từ 1961.
Vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cùng chiều với các thị trường chứng khoán trong thời gian tới với cùng một lý do: tình trạng in tiền và các biện pháp kích thích kinh tế chưa có tiền lệ của nhiều nước trên thế giới.
Citi Group dự kiến giá vàng sẽ sớm đánh bại mốc 1.920 USD/ounce từng đạt được vào năm 2011 và sẽ còn lên cao nữa – mức cao nhất mọi thời đại trong 6 đến 9 tháng tới. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, có 30% cơ hội giá vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce trong 3 đến 5 tháng tới.