Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, nhà thầu xây dựng “khóc ròng”
“Đang tính xây nhà thì giá vật liệu tăng mạnh, tính ra chi phí xây dựng một căn nhà cấp 4 cao gần bằng căn 1 trệt 1 lầu nên tôi dừng lại, không dám xây nữa, đợi giá VLXD hạ nhiệt…”, đó là tâm sự của anh T (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM).
Làm khó nhà thầu lẫn người xây nhà
Thực tế đợt tăng giá VLXD hồi đầu năm 2021, đã khiến khá nhiều nhà thầu phải dừng lại vì gặp khó khăn về tài chính. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng cùng nỗi lòng: "Làm nhưng không lợi nhuận, cầm cự là chính". Cái khó của doanh nghiệp xây dựng là kêu CĐT điều chỉnh giá lên theo giá của VLXD nhưng đa phần CĐT không chịu.
Một doanh nghiệp xây dựng có kinh nghiệm hơn 40 năm trong lĩnh vực này từng chia sẻ, không chỉ sắt thép tăng mà xi măng, cáp đồng và các thiệt bị điện đều tăng dẫn đến giá thành xây dựng bị đội lên cao. Do dự đoán cung cầu sai, nghĩ covid -19 nên sản lượng sản xuất giảm mà nhu cầu tăng lên nên mới dễ xảy ra tình trạng tăng giá.
Vừa sau giãn cách, các công trình mới "bắt nhịp" lại với thị trường xây dựng thì giá VLXD lại tăng trở lại, khiến nhiều nhà thầu xây dựng "méo mặt" lần nữa. Cái khó của doanh nghiệp xây dựng là "dè dặt" kí hợp đồng mới. Trong khi những doanh nghiệp đã đặt bút kí hợp đồng với CĐT dự án trước thời điểm giá vật liệu tăng cũng "tiến thoái lưỡng nan".
Giá nguyên vật liệu tăng chắc chắn ảnh hưởng đối với các hợp đồng xây dựng đã ký kết, dẫn tới giá ngân sách dự toán bị vượt, làm không còn lợi nhuận, bị thua lỗ. Không chỉ thép tăng mà rất nhiều nguyên vật liệu xi măng, cát, đá đều tăng chóng mặt và còn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng đã khiến cho các nhà thầu vô cùng khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư cũng khó chấp thuận giãn tiến độ thi công hoặc điều chỉnh giá hợp đồng vì họ cũng bị ràng buộc pháp lý về tiến độ bàn giao nhà và giá bán sản phẩm theo hợp đồng với khách hàng. Còn với các hợp đồng ký mới thì nhà thầu bắt buộc phải điều chỉnh giá hợp lý với tình hình giá nguyên vậy liệu tăng phi mã như hiện nay.
Theo một doanh nghiệp xây dựng, tình trạng giá VLXD tăng kéo dài tsẽ gây ra hệ lụy không tốt cho nền kinh tế.
Không chỉ nhà thầu, người xây – mua nhà cũng có thể "lãnh đủ" từ việc giá VLXD tăng cao.
Anh T (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết, gia đình đang tính xây nhà thì giá vật liệu tăng mạnh, tính ra chi phí xây dựng một căn nhà cấp 4 cao gần bằng căn 1 trệt 1 lầu nên anh dừng lại, không dám xây nữa, đợi giá VLXD hạ nhiệt…
Trong khi đó, người mua căn hộ cũng nhấp nhổm lo ngại giá nhà leo thang khi giá VLXD tăng. Theo một chuyên gia trong ngành, nếu tình trạng VLXD tăng như hiện nay thì trung bình giá thành xây dựng sẽ tăng 10-20%, mà giá xây dựng tăng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá BĐS. Khi sản phẩm ra thị trường sẽ tăng ít nhất 10%.
Giải pháp vẫn là bình ổn giá cả VLXD
Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần sớm có chính sách điều chỉnh lại giá vật liệt xây dựng, nếu không nhiều dự án sẽ phải "đắp chiếu," nguy cơ tạo gánh nặng lên giá nhà.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép, xi măng đã có những đợt tăng rất mạnh.
Đáng chú ý, việc tăng giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã khiến nhiều nhà thầu, chủ đầu tư dự án "không chịu nổi" nên phải dừng lại do gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang lãi rất cao. Điều này như tấm gương phản chiếu rất phản cảm.
Ông Đính lưu ý nếu tình hình giá vật liệu xây dựng thời gian tới vẫn tiếp tục tăng cao như hiện nay, chắc chắn nhiều chủ đầu tư sẽ phải bỏ cuộc, bởi nếu làm tiếp sẽ bị lỗ nặng. Vì thế, thông thường nhà đầu tư sẽ chọn cách dừng lại và chịu nộp phạt, nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng tới thị trường, gây khó khăn về nguồn cung.
Chưa kể, việc giá vật liệu xây dựng tăng trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục lại phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn. Thực tế này cũng đã tác động rất lớn tới giá bất động sản, khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người nghèo càng khó khăn hơn.
Vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép và xi măng, bởi đây là nguồn cung chiếm tỷ trọng rất lớn trong các công trình xây dựng, gây ảnh hưởng tới các nhà thầu, nhất là các nhà thầu đã trúng thầu trọn gói.
Ngoài ra, cần điều chỉnh lại thị trường vật liệu xây dựng, làm thế nào để trong nước "làm chủ" được giá thành vật liệu xây dựng từ việc sản xuất đến cung ứng.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.
Từ đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.